Type to search

#Beauty: Những tuyệt tác không tên

Chia sẻ

Trái tim màu hồng ngọt ngào của Vera Wang. Ngôi sao xanh lạnh lẽo nhưng xinh đẹp của Thierry Mugler. Bàn tay siêu nhân nắm chặt đầy sức mạnh của Diesel. Hình trụ búp măng thanh mảnh đậm chất Thiền của Issey Miyake. Đôi chim bồ câu tung cánh trong hạnh phúc êm ả của Nina Ricci. Con ốc sên bạc tinh xảo của Illamasqua. Quả lựu đạn kim cương của Viktor Rolf. Nàng tiên nhỏ vắt vẻo trên nhánh cây như một giấc mơ không có thật của Van Cleef & Arpels.

Những tuyệt tác không tên của nước hoa – Người tạo ra chúng gần như vô danh với số đông. Mà nếu có được nói đến, bao giờ cũng xếp sau những perfumer, những nose. Nhưng có hề gì, bởi trong thế giới của mùi hương, họ vẫn luôn được nhắc đến như những nghệ sỹ bậc thầy của một nghệ thuật đầy cảm hứng: nghệ thuật tạo hình cho những chai nước hoa xinh đẹp.

No1 Passant Guardant _ một trong những vỏ chai nước hoa đắt nhất thế giới của Clive Christian. Chai làm thủ công từ pha lê với mạng lưới vàng 24K bao phủ xung quanh và 2000 viên kim cương trắng được gắn xung quanh tác phẩm. Chú sư tử ở trung tâm có 2 mắt làm từ kim cương vàng và miệng được gắn kim cương hồng quý hiếm. The No 1 Passant Guardant có giá bán là 143.000 bảng (30ml) tại Salon de Parfums, Harrods.

Nếu tình yêu dành cho mùi hương phải đợi đến hàng phút, hàng giờ, hay thậm chí hàng tháng, hàng năm để mùi hương đó thấm đẫm tâm hồn ta với những hoài niệm và cung bậc của cảm xúc, thì tình yêu dành cho chai nước hoa đôi khi chỉ đến trong 1 giây. Yêu từ cái nhìn đầu tiên là một khái niệm chính xác trong hoàn cảnh này. Bạn thấy mình không thể rời mắt khỏi đường cong mê hoặc của J’adore (Dior), những chi tiết ren lộng lẫy trên Jean Paul Gaultier Classique, chiếc nơ màu tím xinh xắn đính trên chiếc clutch nhỏ sang trọng Sublime (Carolina Herrera) hay những hoạ tiết ong bạc, ong vàng của một phương Đông huyền bí trong rất nhiều những tác phẩm của Guerlain. Những chi tiết này biến nước hoa thành một món quà tinh xảo, và trong nhiều trường hợp, là một tác phẩm nghệ thuật đích thực trên bàn phấn.

Issey Miyake Perfume & Fragrance Collection

Những perfumer là người hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng của một chai nước hoa đẹp. Họ đã đầu tư vào một thiết kế xuất sắc từ thuở nước hoa bắt đầu được bán ra. Chai nước hoa mang trong nó hình bóng của cả một thời đại, với văn hoá, kiến trúc, điêu khắc và những dấu ấn đậm nét của nghệ thuật thủ công tinh tế.

Chloe Lisy Chloe 2008

Ở thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, ảnh hưởng của trào lưu Art Nouveau mang đến những thiết kế chai cầu kỳ, sang trọng với nút chai bằng đồng và chữ mạ vàng (LT Piver và Floramye). Phát minh bình phun atomizer được áp dụng trong nước hoa đã dẫn đến sự ra đời của dạng chai vintage với một quả cầu nhỏ gắn liền với cần phun dài duyên dáng (Thiết kế này đến nay vẫn được lặp lại như trong mẫu chai Sexy Little Things của Victoria’s Secret).

Amour Amour của Jean Patou

Thập niên 20, chất đô thị sắc sảo của Art Deco đã lấn át những chi tiết hoa lá cổ điển và cho ra đời dạng chai vuông thành sắc cạnh với bao bì màu rực rỡ (bộ ba của Le Sien, Amour-Amour, và Que Sais-Je của Jean Patou). Chính vào thời điểm này, CoCo Chanel cho ra mắt mẫu chai biểu tượng Chanel No 5 với hình chữ nhật trong suốt nghiêm ngặt tối giản, đồn đại là nhà thiết kế Jean Helleu đã lấy cảm hứng từ chai rượu Charvet (hay một nguồn thông tin khác là quảng trường Pháp Place Vendôme).

Guerlain Mitsouko với chai Baccarat năm 1919

Thập niên 30, những mẫu chai thuỷ tinh sản xuất bằng máy với giá rẻ ồ ạt ra đời trong Đại Khủng hoảng, dẫn đến sự lao đao của những thiết kế thủ công phức tạp và huyền ảo. Hãng Coty đánh lừa thị giác của người mua bằng cách đặt những chai nước hoa thuỷ tinh đơn giản vào những chiếc giày cao gót bằng kính trong suốt. Nhưng khi kinh tế bắt đầu hồi phục trở lại ở thập niên 40, nhu cầu sử dụng nước hoa trong một chiếc chai đẹp lại tăng lên.

Una boda victoriana inspirada en downton abbey perfumes vintage

Những tiến bộ trong ngành thuỷ tinh cho phép các perfumer có thể sản xuất hàng loạt các chai nước hoa cầu kỳ một cách nhanh chóng. Họ tráng men phần nắp, sơn mạ phần nút chai rồi đặt nước hoa trong những chiếc hộp nhung sang trọng để tái hiện lại hình ảnh hào nhoáng của quá khứ. Soir de Fête của hãng Germaine Lecomte là một ví dụ tiêu biểu của thời kỳ này với lót nhung đỏ, nắp mạ vàng và tua rua vintage.

Thập niên 50, cơn gió lạ từ các nghệ sỹ Siêu thực (Surrealism) và Trừu tượng (Abstract Expressionism) đã thổi vào thế giới thuỷ tinh và thả vào đó một âm hưởng mới mẻ, độc đáo. Trong đó, Salvador Dali là một dấu ấn đậm nét. Vị hoạ sỹ nổi tiếng của trường phái Siêu thực đã thiết kế chai cho hãng thời trang Elsa Schiaparelli cũng như hãng nước hoa Marquay. Đối với Marquay, đó là motif punk trừu tượng với hai màu đỏ đen tương phản và dòng chữ in đậm “Rock ‘N Roll” – thiết kế cho thấy một concept đi trước thời đại bởi nó mang nhiều hơi hướng nổi loạn của nhiều thập niên sau đó. Với Schiaparelli, đó là cảm hứng của buổi hoàng hôn vàng: phần nắp chai hình mặt trời với những chùm tia sáng sắc nhọn và cánh chim chiều tà được xắp xếp như mặt người ở chính giữa vầng mặt trời đó. Sự kết hợp đa dạng giữa thuỷ tinh và các chất liệu hiện đại khác như vải, ren được các nghệ sỹ khai thác không giới hạn. Nghệ nhân thiết kế mũ Rose Valois đã tạo ra một bộ sưu tập những chiếc mũ mini rực rỡ và gắn lên những chai hoa mini Marotte của mình.

Le Roy Soleil của Salvador Dali

Nghệ thuật dân gian và chế tác chai thủ công có sự trở lại trong thập niên 60, nhưng không quay về motif hoa lá kiểu vintage mà hướng tới những thiết kế độc đáo và màu sắc tươi sáng, với ảnh hưởng sâu đậm của thời trang. Ngay cả những doanh nghiệp lớn như Avon cũng phát hành một bộ sưu tập 10 loại nước hoa với những thiết kế chai ngộ nghĩnh trẻ thơ. “Miss Lollipop” – một khuôn mặt hoạt hình duyên sáng trên nền hồng pastel và một chiếc mũ phớt là một ví dụ tiêu biểu của thời kỳ này.

Michael Kors Palm Beach

Những thập niên tiếp theo, thiết kế chai ngày càng đa dạng, tiện dụng và gọn nhẹ hơn với những vật liệu mới như nhựa thay cho thuỷ tinh. Giá thành giảm, tiết kiệm chi phí, nước hoa không còn là món đồ sang trọng hay vật trang trí đặt trên bàn phấn: nó trở nên phổ biến như một sản phẩm vệ sinh cá nhân, để phụ nữ dễ dàng mang đi bất cứ đâu. Một số thương hiệu cao cấp như Dior vẫn duy trì hình ảnh hào nhoáng với nắp chai pha lê, nút mạ vàng, thân thuỷ tinh tím lộng lẫy (Poison).

Fragile Jean Paul Gaultier

Thiết kế tối giản lên ngôi trong những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Cấu trúc vuông hoặc chữ nhật gọn ghẽ, logo đơn giản, nút chai sắc nét với các màu trung tính như đen – trắng là hình mẫu mới của sự sang trọng. Một lần nữa, thiết kế chai của nước hoa Chanel cho thấy sự xuất sắc vượt thời gian, với sự kết hợp của tinh khiết, sang trọng và chức năng. Concept tối giản được lăng xê bởi những thương hiệu nổi tiếng như Kenzo, Issey Miyake, By Killian, Frederic Malle hay Jo Malone. Trong nhiều trường hợp, thiết kế tối giản thậm chí còn chuyển thành đơn giản một cách cực đoan như trường hợp của CB I Hate Perfume, với những lọ nước hoa mini như những lọ thuốc siro được dán nhãn (tất nhiên, đây là một hình thức phản ứng khá khiêu khích của CB I Hate Perfume với nước hoa thương mại tập trung quá nhiều vào bao bì mà quên đi bản chất của mùi hương, nhưng chúng ta sẽ nói về vấn đề này trong một bài viết khác).

Flowerbomb by Viktor Rolf2

Ngày nay, thiết kế cho chai nước hoa có thể rất rẻ bởi công nghệ sản xuất hàng loạt, nhưng cũng có thể đắt một cách kỳ lạ vì những chi tiết độc quyền không đụng hàng. Trong một bài viết của mình, Chandler Burr tiết lộ chi phí sản xuất riêng phần vòi xịt cho chai Fragile của Gaultier có thể lên tới 200000 USD. Vì sao lại có mức giá này? Vì Gaultier đòi hỏi phần vòi xịt này phải được lắp dưới đáy chai Fragile – một kỹ thuật độc nhất vô nhị chưa thấy áp dụng ở đâu. Một chai A Modern Perfume của Michael Kors cần được chế tạo thủ công bởi 12 người. Nhà thiết kế mô tả nó là một bộ đồ dạ tiệc sang trọng. Chai nước hoa thứ hai của Michael Kors là Island, có “kiểu dáng đẹp, gợi cảm và một sự kết hợp của kết cấu”. Nhà thiết kế Chad Lavigne đã tạo ra một concept hoàn hảo trên lăng kính hình chữ nhật, với các góc độ chính xác một cách đáng kinh ngạc và đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của các nhà chế tác thuỷ tinh. Island, ra mắt năm 2005, chỉ nặng gần 10 1/2 ounces, có mô hình sóng dập dờn trong các lớp kính dày trong suốt. “Như một chiếc bè cuộc sống trôi nổi trên một vùng biển màu ngọc lam, hay một lát cắt nhiệt đới đã bị cắt ra và đặt trang trọng trên một chiếc kệ” (Chandler Burr).

Frasco Feerie by Van Cleef & Arpels

Khi sự sang trọng xa hoa của vật liệu và chế tác thủ công trong quá khứ dần được thay thế bằng sự độc đáo của ý tưởng thì những thiết kế chai kiểu như Clive Christian bỗng thành của hiếm. Thương hiệu này gần như đã phục dựng lại sự xa xỉ của chai nước hoa và thậm chí còn đẩy nó lên một đỉnh cao mới. Nước hoa Clive Christian’s Imperial Majesty với mức giá khủng (khoảng $215.000) là một tuyệt tác được cả thế giới biết đến bởi xếp hạng cao ngất của nó trong bảng danh sách những mùi hương đắt đỏ nhất thế giới. Vỏ chai làm từ pha lê Baccarat với vàng 18K và một viên kim cương trắng 5 carat. Chưa cần biết mùi hương của Imperial Majesty như nào, nhưng chỉ riêng thân chai cũng đã là một tuyệt tác. Và lại thêm một tác phẩm trong bộ sưu tập những tuyệt tác vô danh của nước hoa.

Pocket
Tags:

You Might also Like