Type to search

Chia sẻ

Khi cựu tổng thống Mỹ, George Bush tuyên bố trong bài diễn văn vào tối ngày 11/9 của mình: “Nước Mỹ được lựa chọn để tấn công bởi nước Mỹ đại diện cho tự do, cơ hội và sự bình quyền”. Hẳn ông chưa nghĩ tới “Tự do, Cơ hội và Bình quyền” trong thời trang mà ngành công nghiệp thời trang Mỹ đang được hưởng. Khi nhà báo ba lần đoạt giải Pulizer, Thomas Friedman đề cập tới những điều tương tự trong cuốn sách “Nóng, Chật, Phẳng” hay mặt trái của toàn cầu hóa, ông dường như cũng đã quên bao gồm cả thế giới thời trang vào trong đó. Khi tay viết kỳ cựu về thời trang Meenal Mistry – Biên tập viên của trang Style.com nhận xét về show diễn Thu Đông của Vivienne Westwood: “Bây giờ thế giới thời trang đang phẳng, mọi thứ đều đang trở nên có thể”, cô cũng quên mất rằng đó là một điều hiển nhiên. Thế giới thời trang đã  “phẳng” từ rất lâu trước khi cô đưa ra nhận định trên. Và New York chứ không phải thành phố nào khác đã hưởng rất nhiều lợi ích từ việc trở nên “phẳng” đó.

 “Quả Táo Lớn” của người trẻ

Từ rất lâu nay, thế giới thời trang đã tồn tại một câu nói với đại ý như sau: “London là nơi sản sinh các nghệ sỹ, Paris và Milan là nơi sản sinh các nghệ nhân để New York ngồi không điềm nhiên hưởng lợi.” Cách đây một vài năm, trong một điều tra, người ta đã nhận ra rằng các nhà thiết kế dành một tình cảm đặc biệt cho New York. Joseph Altuzarra là một nhà thiết kế thời trang người Pháp. Anh sinh ra và lớn lên tại Paris nhưng thay vì lựa chọn Paris làm nơi lập nghiệp hay chọn những tên tuổi người Pháp đình đám trong làng thời trang Paris để học nghệ, Joseph Altuzarra lại gửi hồ sơ tới Marc Jacobs để xin thực tập. Mặc dù sau này Altuzarra có quay trở lại Paris và làm việc cho một hãng thời trang nổi tiếng và lâu đời của Pháp nhưng có lẽ chất mơ màng và hào hoa của Paris không phải đích đến cuối cùng của Altuzarra. Altuzarra lại trở về New York với đầy vẻ thực dụng của mình.

Nhà thiết kế Joseph Altuzarra

Một cái tên khác là Sofia Sizzi và cô là một người Ý. Sofia Sizzi là cái tên đứng sau thương hiệu được thành lập từ năm 2014 nhưng đã thu hút sự chú ý đặc biệt của những biên tập viên thời trang của tờ New York Times: Giulietta. Mặc dù với rất nhiều người Sofia Sizzi giống như một nhà thiết kế chẳng-ai-biết-là-ai cả nhưng nhà thiết kế người Florence này đã tới Mỹ sinh sống và lập nghiệp trong 10 năm nay. Hiện tại 39 tuổi nhưng Sofia Sizzi đã sở hữu một profile sáng chói. Sofia Sizzi từng làm việc dưới thời của Tom Ford tại Gucci và theo những gì cô trả lời trên New York Times thì trong giai đoạn 1998-2000, không có một chiếc thắt lưng nào của Gucci không có sự đóng góp của cô trong công việc thiết kế. Sau thời gian làm việc cho Gucci, Sofia Sizzi đã chuyển tới làm việc cho Calvin Klein và Donna Karan.

“Quả Táo Lớn” của thương hiệu

Không chỉ những người trẻ tuổi tìm cách di cư tới New York, ngay cả những thương hiệu lâu năm cũng thực hiện những cuộc di cư tới thành phố “Quả Táo Lớn”. Là một thương hiệu của Anh, được thành lập vào năm 1924, chuyên sản xuất những chiếc áo jacket cho những người đi xe máy và là thương hiệu đầu tiên sử dụng chất liệu waxed cotton trong may mặc, Belstaff có một vị thế không nhỏ đối với những người Anh. Tuy nhiên, mọi thứ đã khác khi thương hiệu này tham gia tuần lễ thời trang New York nhưng lại cho thấy một dấu hiệu của sự thờ ơ đối với kinh đô của các nghệ sỹ. Một ví dụ khác. Chúng ta đều biết Lacoste là một thương hiệu của Pháp được thành lập vào năm 1933. Được ra đời bởi một người Pháp và với mục đích ban đầu là phục vụ những tay vợt người Pháp nhưng thương hiệu này đang rất được ưa chuộng ở Mỹ. Và tới nay, mặc dù rất nhiều bộ sưu tập của Lacoste vẫn có cảm hừng tới từ những thị dân Paris nhưng những người New York mới là những người xem những bộ sưu tập này trước.

Lacoste Thu Đông 2021

Thực tế, việc các thương hiệu xem Mỹ và cụ thể là New York như một “Quả Táo Lớn” thực sự không phải tới giờ mới diễn ra. Mặc dù có những thương hiệu vẫn trung thành với việc đặt “đại bản doanh” của mình tại các kinh đô cũ nhưng cách đây rất lâu họ đã sử dụng những nhà thiết kế người Mỹ thay vì những nhà thiết kế nội địa cho các thương hiệu hàng đầu. Hai ví dụ rõ ràng nhất cho thấy điều này là trường hợp Louis Vuitton đề bạt Marc Jacobs làm giám đốc sáng tạo. Trong khi đó thời kỳ hoàng kim của Gucci cũng được dẫn dắt bởi một người Mỹ: Tom Ford.

“Quả Táo Lớn” của tên tuổi kỳ cựu

New York quả thực là một “quả táo khổng lồ” khi có thể chia sẻ và dành cho bất kỳ ai những cơ hội lớn lao. Trong số này, tất nhiên không thể bỏ qua những cái tên đã trở thành kỳ cựu. Max Azria là một nhà thiết kế thời trang người Pháp. Ông cũng là người sáng lập ra thương hiệu BCBG Max Azria. Tuy nhiên, hiện ông đang sống và làm việc ở New York.

Điểm thú vị là ngay cả khi những chữ cái BCBG trong tên thương hiệu là những chữ viết tắt của cụm từ “bon chic, bon genre” – trong tiếng Pháp nó có nghĩa “phong cách đẹp, thái độ lịch thiệp”, BCBG Max Azria vẫn được diễn ở New York thay vì Paris. Catherine Malandrino là một ví dụ khác về việc những nhà thiết kế của những kinh đô thời trang như Milan, London, Paris đang tìm tới New York. Có bố mẹ là người Ý, được sinh ra ở Pháp và đã từng làm việc cho những nhà thời trang cao cấp của Pháp (couture house) như Dorothée Bis, Louis Féraud và Emanuel Ungaro nhưng hiện nay, Catherine Malandrino đang có show diễn của riêng mình ở New York.

Nhà thiết kế Carolina Herrera

New York nói riêng và người Mỹ nói chung rất công bằng. Chỉ cần có khả năng, bạn sẽ trở thành một phần của nước Mỹ. Nếu bạn có khả năng diễn xuất, tên của bạn không sớm thì muộn sẽ xuất hiện trên Đại Lộ Danh Vọng. Nếu bạn có khả năng văn chương hoặc nhiếp ảnh, rất nhanh, tên của bạn sẽ được đặt cạnh Thomas Friedman trong danh sách những người đoạt giải Pulitzer. Còn nếu bạn có khả năng thiết kế thời trang, CFDA (Council of Fashion Designers of America – Hiệp hội Các nhà Thiết kế Mỹ) sẽ để ý tới bạn và trong một tương lai gần, dù bạn không phải được sinh ra bởi người Mỹ, hoặc sinh ra trên đất Mỹ, bạn sẽ vẫn có cơ hội để trở thành một người Mỹ. Đây chính là trường hợp của nhà thiết kế người Venezuela: Carolina Herrera. Với tất cả những gì nhà thiết kế sinh năm 1939 này đã đóng góp cho ngành công nghiệp thời trang Mỹ, năm 2002 bà đã trở thành một người Mỹ với quốc tịch Mỹ.

“Quả Táo Lớn” cho mọi người

Nước Mỹ cách đây hơn 200 năm từng là “miền đất hứa”. Nước Mỹ của ngày hôm nay vẫn là “đất hứa” đặc biệt khi New York đã qua mặt tất cả các kinh đô thời trang cũ để vươn lên ngôi vị số một trong 04 kinh đô thời trang cũ của thế giới. Chính New York chứ không phải Paris, London hay Milan mới là nơi càng quy tụ những nhà thiết kế từ khắp nơi trên thế giới. Alexandre Herchcovitch là một nhà thiết kế người Brazil. Anh đã không chọn Sao Paulo – nơi mình sinh ra và cũng là kinh đô thời trang mới của thế giới – để lập nghiệp. Diane Monique Lhuillier là một nhà thiết kế thời trang người Philippines và Monique Lhuillier cũng đã có chỗ đứng trong tuần lễ thời trang New York. Diane von Fürstenberg là một nhà thiết kế người Mỹ, gốc Bỉ nhưng bà cũng đang tỏa sáng ở New York.

Jason Wu Fall 2021

Nhưng những ví dụ trên chưa phải là tất cả. Chúng ta đã và đang chứng kiến một làn sóng mới đổ tới thành phố “Quả Táo Lớn”. Những cái tên mang dấu ấn châu Á, những thương hiệu được thành lập bởi những người châu Á đang phủ kín lịch diễn của Tuần lễ Thời Trang New York. Đó là Jason Wu– người tin rằng sẽ trở thành một phần của lịch sử Mỹ với chiếc váy dành cho vị Đệ nhất Phu nhân da màu đầu tiên của nước Mỹ được trao tặng cho viện bảo tàng Smithsonian. Là Alexander Wang, Phillip Lim, Derek Lam, Jen Kao. Mặc dù những nhà thiết kế này có những người được sinh ra trên nước Mỹ, có những người chỉ có hoặc bố hoặc mẹ là người Mỹ nhưng những đóng góp của họ đều đang góp phần đưa New York thực sự trở thành “Quả Táo Lớn” của thế giới thời trang.

Nhà thiết kế Jason Wu (bên phải)

Pocket
Tags::

You Might also Like