Type to search

#Psychology: Đóng vai phụ hay hóa vai ác?

Chia sẻ

Có những ngày như thế, ta chợt nhận ra hình như cho dù có cố gắng đến đâu đi chăng nữa, ta cũng chỉ là một con số 0 tròn trĩnh so với cô ấy, anh ấy, người ấy. Có những thời điểm mà ta quả quyết tin rằng cuộc đời mình đã không được Thượng đế ưu ái chút nào vì bao nhiêu lấp lánh và ân huệ Người đã mang cho kẻ khác và ruồng bỏ ta. Phải, có không ít những lần như vậy, ta bỗng thấy mình chỉ là vai phụ mờ nhạt trong cuộc đời rực rỡ của người khác. Và ta sẽ…

Những con quỷ mắt xanh

Chắc hẳn những ai đã xem tác phẩm nổi tiếng Othello của William Shakespeare đều không quên cụm từ “green-eyed monster” kinh điển, một phép ẩn dụ về sự ghen tuông, lòng đố kị tột cùng đến mức hoá thành những con quỷ mắt xanh giận dữ. Chữ ghen ngấm ngầm hay bốc hoả vốn dĩ không chỉ đơn thuần xuất hiện giữa những người yêu nhau mà có thể xuất hiện với bất cứ ai, vào bất cứ thời khắc nào, không phân biệt giới tính, độ tuổi, sắc tộc. Là cô bạn đồng nghiệp bỗng dưng lấy được anh chồng đẹp trai, có học vấn, thu nhập cao, lái xe xịn, chiều chuộng cung phụng đủ điều; Là “đứa em” tự nhiên tuyên bố có người yêu và đưa đến ra mắt đúng cô gái bấy lâu theo đuổi mà không suy chuyển; Là “thằng bạn học” ngày xưa toàn đứng cuối bảng mà giờ gặp lại đã thành giám đốc tỉ phú địa ốc đếm không xuể… Tất cả những ví dụ đó đều có thể nhóm lên trong lòng ta ngọn lửa rấm rứt không yên.

“green-eyed monster”/Ảnh: The Independent

Ghen, nó tự nhiên đến, đôi khi tự nhiên đi nhưng phần lớn là ở lại tương đối dai dẳng trong lòng, dấy lên những suy nghĩ cùng cảm xúc tiêu cực khác trước khi chủ thể có thể bình tâm điều phối lại trạng thái của bản thân. Chính vì vậy mà ghen thường đi kèm với bất mãn, với phủ nhận, định kiến. Ghen vô hình đẩy cùng nó sự tự ti, tâm lý thua kém mặc cảm (mà không dám thừa nhận). Và để cứu mình, đa số sẽ tìm cách dìm đối tượng xuống hòng vớt vát cái tôi đang tổn thương, xuống dốc.

Do đó, sự ghen tuông dù là trong tôn giáo, lễ nghĩa nào cũng thường được xem là một kiểu tội cần loại bỏ và đáng lên án. Nó khiến con người “hèn kém” đi, nhỏ nhen đi trong tâm trí và thậm chí độc ác, nhẫn tâm trong lời nói hay hành động. Trong sách Sáng Thế Kỷ, câu chuyện về anh em Cain và Abel là một minh chứng điển hình nhất rằng sự đố kỵ là nguồn cơn của hằng hà xấu xa. Cain vì tức giận việc Thượng đế chỉ nhận lễ vật từ Abel mà sát hại chính em trai mình và sau đó bị nguyền rủa vĩnh viễn. Ở thời hiện đại, cụm từ GATO (Ghen ăn tức ở) được sử dụng đại chúng như một cách diễn đạt dễ hiểu nhất về thứ cảm xúc tiêu cực này. Vì GATO nên không công nhận thành công, sắc đẹp, phẩm chất của người khác. Vì GATO nên cứ hay nói xấu sau lưng đặt điều hay tìm cách hãm hại rồi hả hê khi người ta gặp chuyện không may mắn bất hạnh. Thế nên, chẳng mấy ai dám thừa nhận là mình ghen hết cả. Tình yêu cũng không. Mà cuộc đời cũng không. Tuy nhiên, có phải lúc nào mọi việc cũng đáng sợ đến thế?

Khi vai phụ hóa chính

Nào hãy thử soi gương và một lần thành thật rằng bạn đã từng ghen tị với ít nhất một ai đó rồi không? Tôi dám cá là có. Chắc chắn có. Đó có thể là lúc bé với cô bạn nhà hàng xóm với chiếc váy mới; là tuổi 18, mái tóc xù xì không suôn mượt như bạn Linh bạn Phương ngồi bàn kế bên; là thời sinh viên đi làm quần quật mà vẫn không đủ tiền mua chiếc túi mới trong khi đám đồng trang thì tuần nào cũng tậu thêm son giày; là sao “con kia xấu tính thế mà thay hết anh người yêu này đến người yêu khác trong khi mình cứ mãi ăn cơm uống cà phê xem phim một mình?”… Những chuyện bé nhỏ, những chi tiết vụn vặt đời thường nhưng đôi khi đủ sức khiến ta buồn và thậm chí thất vọng về chính bản thân và cảnh ngộ của chính mình. Nhưng nó không phải lúc nào cũng lôi ta xuống dốc hay hoá ta thành một kẻ ác độc ác mồm và nhẫn tâm.

Tôi từng có quen một đôi bạn. Hai cô ở gần nhà, đi học cùng nhau và đều giỏi giang xinh đẹp. Nhưng từ bé đã luôn thể hiện thái độ “đối thủ” và không nhân nhượng. Tuy nhiên, hai cô lại hoàn toàn không phải là câu chuyện về phụ nữ kèn cựa hay “con gà tức nhau tiếng gáy” mà ngược lại họ công khai tranh đấu, thẳng thắn thừa nhận những lần thất bại và công nhận sự thành công của nhau. Hai cô là đôi bạn thân cho đến tận bây giờ, vui buồn tâm sự, thành công chia sẻ, khó khăn đỡ đần. Tổ ấm của họ, sự nghiệp của họ đủ đầy không hoàn toàn như nhau cơ mà họ đều kể với tôi rằng bí quyết là từ bé đã nhìn nhau để cố gắng, để không chịu đầu hàng.

Chị em Olsen

Sự ghen tị ở phụ nữ, hay cả đàn ông nữa, tôi tin nó rốt cuộc cũng là chỉ là một liều cảm xúc đầy thử thách. Nó như chút vị cay, chút vị đắng rơi rắc để nhắc nhở chúng ta về vị trí của mình, về ước vọng và mong mỏi thực sự trong bản thân. Rồi từ đó ta đi tìm liều thuốc chữa trị hợp lý cho những điều tiêu cực đang xảy ra với chính mình. Có người sẽ bi luỵ, có người sẽ để cho sự độc ác lên ngôi nhưng có người lại coi đó là nguồn động lực để xốc lại tinh thần, đứng lên cố gắng hơn nữa. Và khi đó, chẳng phải ghen tị thực sự là một khởi nguồn đáng giá hay sao?

Xúc cảm của con người vốn dĩ không có đúng sai hay trắng đen rõ ràng. Tôi nghĩ thế. Sự ghen tị hay chút đố kị cũng vậy. Nó đều chỉ là điểm bắt đầu và hoàn toàn vô tội. Cách ta đối diện và chấp nhận nó mới đúng là thứ khiến ta trở nên tốt đẹp hơn hay xấu xa đi. Trong tình yêu, ghen thắp lại lửa tình lấp lánh. Trong cuộc sống, ghen giúp ta thôi kiêu ngạo, bớt hợm hĩnh, ảo tưởng, bước ra khỏi trạng thái tự thoả mãn để vươn lên. Có thể là chứng minh cho xã hội, hay một ai đó thấy giá trị của ta cũng được. Điều quan trọng nhất là chính bản thân ta sau khi vượt qua chướng ngại về cảm xúc rồi sẽ đạt được điều ta vẫn hằng mong muốn.

Bạn thấy đấy, rốt cuộc đóng vai chính trong cuộc đời của chính mình được hay không, quyền quyết định vẫn luôn nằm ở trong tay chúng ta hết cả. Vậy nên, đôi khi ai cũng cần một chút ghen tị để biến cuộc sống trở nên muôn màu một cách đầy tích cực. Và biết đâu khi ấy, ta lại trở thành đối được “bị ghen tị” thì sao nhỉ?

STYLEMAGAZINE/Ảnh bìa: Bức Defamation of Apelles vẽ bởi Sandro Botticelli 

Pocket
Tags: