Type to search

Chia sẻ

Bàn về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu trong những năm vừa qua, không thể không nhắc đến cái giá mà chúng ta phải trả cho quá trình công nghiệp hóa toàn cầu, cụ thể hơn là lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các ngành công nghiệp như công nghiệp năng lượng, luyện kim, sản xuất xi măng, xử lý chất thải…và tất nhiên cả công nghiệp thời trang (một sự thật hiển nhiên nhưng lại ít ai nghĩ tới!) Vậy là, để cứu Trái Đất, đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về những lựa chọn mua sắm và ăn mặc của bản thân.

Chúng ta đang đối mặt với điều gì?

Theo số liệu từ Forbes.com, ngành công nghiệp may mặc chiếm tới 10% lượng khí carbon thải ra trên toàn cầu. Thời trang cũng là ngành công nghiệp gây ô nhiễm thứ 2 trên thế giới, chỉ sau công nghiệp dầu khí. Nghe thì có vẻ không liên quan nhưng nếu suy nghĩ một cách logic, chúng ta sẽ thấy điều này thực sự dễ hiểu, bởi trên thực tế thời trang là ngành công nghiệp khổng lồ lớn thứ 3 trên thế giới với giá trị lên tới 3000 tỉ đô-la Mỹ. Để giúp bạn hinhg dung rõ hơn, hãy cứ nhìn vào những số liệu sau:

  • Gần 70 triệu thùng dầu được tiêu thụ mỗi năm để là ra polyester, sợ tổng hợp phổ biến nhất của ngành công nghiệp may mặc (phải mất tới 200 năm để phân hủy).
  • Trung bình mỗi người Mỹ thải đi khoảng 32kg quần áo mỗi năm.
  • Quần áo “fast fashion” (mặc không quá 5 lần, được giữ không quá 35 ngày) tạo ra một lượng khí thải cao gấp 4 lần so với trang phục khác (được mặc 50 lần và giữ trong suốt 1 năm).
  • Quá trình tổng hợp sợi rẻ tiền thải ra các loại khí N20, độc hại gấp 300 lần khí Co2.
  • Cần tới 2700 lit nước để sản xuất ra một chiếc T-shirt.
  • Hơn 20 triệu cây xanh bị đốn mỗi năm để tạo ra tơ nhân tạo, sợi viscose, modal hay lyocell.
  • Corton là loại bông tự nhiên tốn nhiều thuốc trừ sâu nhất, chiến 24% lượng thuốc sát trùng và 11% lượng thuốc trừ sâu trên toàn thế giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nguồn nước.
  • Thời trang là ngành công nghiệp gây ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn nước sạch toàn cầu.
  • ¼ chất hóa học sản xuất ra trên thế giới được dùng trong ngành công nghiệp dệt may.

Chúng ta có thể lựa chọn những gì?

Cũng như khi dần nhận thức được những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến chuỗi cung ứng “fast food” (thức ăn nhanh): những con bò được nuôi dưỡng ra sao, bao nhiêu hóa chất đã được sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm, những câu hỏi tương tự bắt đầu được đặt ra với”fast fashion” (thời trang nhanh). Những câu hỏi nhức nhối liên quan tới quyền lợi của người lao động cũng như những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường mà “fast fahion” mang lại ngày càng thu hút đông đảo sự quan tâm của người tiêu dùng, cũng như những người hoạt động trong lĩnh vực thời trang trên toàn thế giới. Tất cả thực chất nằm ở những lựa chọn.

Bộ phim tài liệu True Cost (2015)

Trào lưu “slow fashion” (thời trang chậm) bắt đầu rộ lên từ sau thảm họa sập tòa nhà Rana Plaza kinh hoàng tại Bangladesh, gây ra cái chết thương tâm cho hơn 1137 thợ may, chủ yếu là phụ nữ, những người đang cật lực làm việc cho các thương hiệu fast fashion phương Tây, dưới điều kiện lao động xuống cấp trầm trọng đến mức báo động. “Slow fashion” cái tên đã nói lên bản chất của nó, hướng đến một phương thức kinh doanh mới. Thay vì sản xuất nhanh, tiêu thụ nhanh, đã đến lúc chúng ta cần chậm lại: kéo dài thời gian sản xuất, kéo dài thời gian tiêu thụ để giảm thiểu những tác động, thiệt hại đến môi trường và con người.

Những cảnh báo về môi trường trong thời gian gần đây cũng buộc chúng ta phải cân nhắc kỹ trong việc sử dụng chất liệu. Đã đến lúc cần quay lại với những lựa chọn đắt tiền nhưng thân thiện với môi trường như đũi (linen) hoặc len. Đũi là một chất liệu tự nhiên được dệt từ sợi cây gai, nhẹ và vô cùng bền, một trong những chất liệu lâu đời nhất mà con người đã khám phá ra từ cách đây 7000 năm trước công nguyên. Chỉ đến thế kỷ 19 khi người ta tìm ra cách sản xuất cotton bằng máy móc thì đũi (thường được làm bằng tay) mới dần nhường chỗ cho chất liệu công nghiệp kia. Nếu để đem ra so sánh với cotton hay polyester thì đũi tiêu tốn rất ít nước, thuốc trừ sâu và những nguồn năng lượng khác.

Chúng ta có thể làm gì?

Để bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, những gì chúng ta làm thật ra lại rất đơn giản. Thay vì dùng hàng “fast fashion”, hãy thử hướng đến các thương hiệu hoạt động theo phương châm vì sự phát triển bền vững (sustainable fashion). Hãy thử lựa chọn quần áo theo phong cách (style) thay vì chỉ chỉ miệt mài chạy theo xu hướng (trend). Đừng quên tìm những chất liệu thân thiện với môi trường (đũi, len) đồng thời hạn chế sử dụng cotton hay polyester. Cuối cùng, điều quan trọng nhất là đừng rơi vào cái bẫy của nền kinh tế tiêu dùng (consumerism): giữ cho bản thân phon cách và thời thượng không có nghĩa là tiêu dùng phung phí. Theo thống kê của trang 1millionwomen.com bằng cách mua sắm tiết kiệm và đúng mực, chúng ta có thể giảm tối thiểu tới 17kg lượng khí C02 mỗi tháng, tương đương 200kg mỗi năm.

bộ sưu tập Innovation Circular Design Story của H&M

Nổi lên trong làng thời trang thế giới như một trong những người đi đầu cổ vũ cho trào lưu “eco-fashion”, Livia Firth (Giám đốc sáng tạo của công ty Eco Age, đơn vị tư vấn phát triển thời trang thân thiện với môi trường) đã và đang truyền cảm hứng cho rất nhiều nhân vật đình đám trong làng thời trang thế giới cùng tham gia vào những dự án hết sức ý nghĩa như “Green Carpet Challenge” (2009) hay bộ phim tài liệu True Cost (2015). Ngoai Livia Firth và Eco Age, có thể kể đến một số thương hiệu đã “châm ngòi nổ” cho cuộc cách mạng “eco-fashion” và “slow fashion” của ngành công nghiệp thời trang thế giới như: Zady Knowtow, Cus, Lalesso, Svilu, Study NY hay thậm chí là gã khổng lồ của fast fashion H&M, Uniqlo. Stella McCartney, Nikolaj Nielsen, Reuben Ruel, Linda Balti, Christoph Frehsee, Yoni van Oorsouw, Manon van Hoeckel, Kayo Master là một trong vài rất nhiều cái tên những nhà thiết kế đang theo đuổi dòng thời trang “eco-friendly” (thân thiện với môi trường).

NTK Stella McCartney

Cứ nhìn vào các con số gia tăng của những thương hiệu hoạt động theo mô hình kinh doanh phát triển bền vững trong thời gian gần đây, người ta có thể lạc quan mà hy vọng rằng: “Eco-fashion” và “sustainable fashion” sẽ trở thành tương lai của nền công nghiệp thời trang thế giới.

Theo CEO đồng thời là nhà sáng lập của thương hiệu thời trang Zady, Maxine Besdat, người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của tiến trình phát triển bền vững. “Lựa chọn quần áo, trang phục hằng ngày, tưởng chừng như là một công việc hết sức đơn giản với chúng ta, thực chất lại tác động rất lớn tới vận mệnh của Trái Đất và nhân loại. Áo quần chúng ta mặc, hoặc sẽ tiếp tục là nguyên nhân của vấn đề lớn nhất mà hành tinh này đang phải đối mặt, hoặc sẽ giúp mọi thứ một lần nữa trở về quỹ đạo như nó vốn có. Lựa chọn hoàn toàn nằm ở chúng ta.”

Hoàng Minh Châu / STYLE MAGAZINE

Pocket
Tags:

You Might also Like