Type to search

Điện ảnh Văn hóa

5 Bộ phim truyền cảm hứng về phụ nữ và sự nghiệp

Chia sẻ

Mỗi bộ phim là một câu chuyện thú vị, truyền cảm hứng về cách phụ nữ đối mặt với những thử thách và nỗ lực không ngừng để giành lấy thành công trong sự nghiệp.

Phụ nữ từ lâu đã vấp phải rất nhiều chông gai và thử thách trong việc phát triển sự nghiệp bởi những định kiến xã hội và quan niệm phân biệt giới tính. Nhưng giống như những câu chuyện cổ tích ngoài đời thực, vẫn luôn có những người phụ nữ sẵn sàng đối mặt với thử thách để vươn lên và khẳng định bản thân. 5 bộ phim dưới đây là 5 câu chuyện đầy thú vị về cuộc sống và sự nghiệp của phụ nữ. Mong rằng bạn sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng mới để tiếp tục kiên định với mục tiêu sự nghiệp mình đã chọn lựa.

Working Girl (1988)

Bộ phim xoay quanh nhân vật chính Tess (do Melanie Griffith thủ vai), một cô gái vùng ngoại ô khó lòng có được tấm vé để bước chân vào thế giới quyền lực hơn ở thành phố Manhattan. Cô luôn làm việc chăm chỉ, bền bỉ, đi học ca tối và có được bằng cấp bằng chính năng lực của mình. Nhưng cô chưa có được một lý lịch nghề nghiệp đủ tốt để có thể cạnh tranh một chỗ đứng trong nội đô. Mặc dù vậy, bằng tinh thần không ngừng học hỏi và vươn lên, Tess đã chứng minh rằng người ta không cần phải giẫm lên người khác và nói dối để đạt được thành công. Bộ phim chỉ cho bạn thấy nếu mọi phụ nữ biết cách giúp đỡ lẫn nhau (như Tess đã làm trong phim) thì mọi chuyện đều trở nên tốt đẹp.

Joy – Người phụ nữ mang tên niềm vui (2016)

Bộ phim được lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật về nhân vật Joy Mangano, người phát minh ra cây chổi lau nhà Miracle Mop và đồng thời là chủ tịch công ty Ingenious Designs, LLC. Nhưng cuộc sống của Joy hoàn toàn không trải hoa hồng như mọi người vẫn tưởng. Bố mẹ ly dị và bản thân cô cũng thất bại trong hôn nhân. Một mình Joy đã phải gồng gánh cả giả đình, vất vả mưu sinh và chôn vùi niềm đam mê thuở nhỏ. Nhưng cũng chính trong những giờ phút khổ cực nhất, cô đã nảy ra một ý tưởng tuyệt vời, giúp thay đổi cả cuộc đời cô. Bộ phim truyền cảm hứng về ý chí mạnh mẽ của người phụ nữ, với khao khát thành công và luôn tin vào lựa chọn của mình. Sự thể hiện xuất sắc của Jennifer Lawrence trong bộ phim đã giúp cô nhận được đề cử Oscar 2016 cho vai nữ chính xuất sắc nhất.

The Proposal – Lời cầu hôn (2009)

Bộ phim hài tình cảm ra mắt năm 2009 của đạo diễn Anne Fletcher kể về Margeret Tate (do Sandra Bullock thủ vai) – một người lạnh lùng và là trưởng ban biên tập của nhà xuất bản Colden Books. Câu chuyện bắt đầu khi Margeret biết tin mình bị trục xuất về Canada. Cô liền ép trợ lý của mình là Andrew (Ryan Reynolds) phải lấy cô để cô có thể nhập quốc tịch Mỹ, bù lại tương lai nghề nghiệp của Andrew sẽ được Margaret bảo đảm. Cả hai người chuyển về nhà của Andrew ở Sitka, Alaska và vờ như họ là một đôi tình nhân. Ở đây, Margaret hiểu rõ hơn về người trợ lý mà 3 năm qua cô đối xử không mấy mặn mà và Andrew cũng hiểu rõ hơn về con người Margaret và giải quyết được mâu thuẫn với người cha bấy lâu anh luôn trốn tránh.

Bộ phim nói lên nỗi lòng của những người phụ nữ làm lãnh đạo. Trên con đường đến thành công, họ buộc phải chọn cho mình phong thái lãnh đạo cứng nhắc, vì hoàn cảnh riêng mà không biết cách quan tâm đến mọi người. Họ tỏ ra lạnh lùng để điềm tĩnh giải quyết các vấn đề trong công việc, che giấu cảm xúc lâu đến nỗi đồng nghiệp nghĩ rằng cô vô cảm. Nhưng thật may mắn, chính tình yêu và tình cảm gia đình đã nhắc nhở Margaret về những giá trị mà cô vô tình lãng quên. Đôi khi, những điều tưởng như đơn giản nhưng lại có ý nghĩa rất lớn.

The Iron Lady – Người Đàn Bà Thép (2011)

Bộ phim lấy bối cảnh vào năm 2011, khi cựu Thủ tướng Anh, Margaret Thatcher, hồi tưởng lại cuộc đời và sự nghiệp của mình. Nữ diễn viên Meryl Streep đã thể hiện một vai diễn xuất sắc khi tái hiện sinh động hình ảnh nữ Thủ tướng đầu tiên của Anh, người đã vượt qua mọi rào cản về giới tính và tầng lớp xã hội để có được vị trí chính trị đặc biệt trong một xã hội nam quyền. Và nếu bạn chưa biết thì Margaret Thatcher đã giữ quyền Thủ tướng trong suốt 11 năm liên tiếp. Chuyện phim cũng đề cập đến những vấn đề về quyền lực và những cái giá phải trả cho quyền lực trong khi mô tả bức chân dung chân thực nhất về người phụ nữ phi thường này.

The Devil Wears Prada – Yêu nữ thích hàng hiệu (2006)

Một bộ phim xuất sắc khác của Maryl Streep. Chuyện phim tập trung làm nổi bật hình tượng Tổng biên tập Miranda Priestly thông qua câu chuyện của cô trợ lý trẻ Andy Sachs. Mọi chi tiết về Miranda trong phim cho thấy bà là một cơn ác mộng với đồng nghiệp. Bà chẳng có chút thân thiện và chỉ quan tâm đến sự thành công của tờ tạp chí, sẵn sàng làm người khác thất vọng để đạt được mục đích. Tuy vậy, nếu thay thế Miranda bằng một lãnh đạo nam, chắc chắn hình mẫu này không lạ.

Đứng ở góc độ kinh doanh, Miranda gánh vác trên vai một công ty trị giá nhiều triệu đô la với quyết tâm và đam mê rất lớn. Bà lãnh đạo theo phong cách riêng, vừa nghiêm khắc vừa hài hước. Miranda duy trì các tiêu chuẩn cao trong công việc, luôn trực tiếp bắt tay vào làm và giành được sự tôn trọng xứng đáng. Bà cũng là một cố vấn đáng tin cậy, luôn tách bạch cuộc sống cá nhân ra khỏi công việc và chấp nhận trả giá để giữ cho mình địa vị mà bà luôn khao khát. Dù luôn khó khăn với cấp dưới, rốt cuộc bà cũng công tâm đánh giá đúng năng lực của Andy để cô tìm việc mới sau khi rời khỏi Runway. Miranda chính là hình mẫu doanh nhân thành đạt tiêu biểu.

Mặc dù bộ phim  được lấy bối cảnh từ giới thời trang, nhưng hầu hết các nhà thiết kế hay những tên tuổi nổi bật của làng thời trang lúc bấy giờ đều tránh việc xuất hiện trong phim, do lo sợ làm phật ý đến Anna Wintour, nữ biên tập viên nổi tiếng của Vogue, người được dư luận tin là nguồn cảm hứng cho nhân vật Priestly trong phim. Dù vậy, nhiều người trong số họ đóng góp nhiều bộ trang phục và phụ kiện thời trang cho bộ phim này, khiến nó trở thành bộ phim có phần đầu tư vào trang phục đắt giá nhất trong lịch sử. Wintour sau cùng phá bỏ những hoài nghi trước đây của nhiều người, khi chia sẻ rằng bà thích cả diễn xuất của Streep lẫn bộ phim này. Cá nhân Maryl Streep cũng nhận được nhiều lời khen từ dư luận và truyền thông. Vai diễn này cũng giúp bà có lần thứ 14 được đề cử giải Oscar.

 

Pocket
Tags: