Type to search

Phong cách sống Tin đời sống

Giảm thời gian làm việc, phụ nữ tránh nguy cơ bị tiểu đường?

Chia sẻ

Theo ước tính, đến năm 2030, thế giới sẽ có khoảng 439 triệu người sống cùng bệnh tiểu đường. Trong đó, những phụ nữ phải làm việc nhiều giờ là những người có nguy cơ cao mắc phải bệnh này.

Theo một nghiên cứu gần đây của BMJ Open Diabetes Research & Care, phụ nữ nên làm việc ít hơn, xin tăng lương và nhờ chồng giúp đỡ việc nhà để giảm các nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường.

Nghiên cứu của BMJ Open Diabetes Research & Care được thực hiện với sự tham gia của 7.065 phụ nữ Canada được theo dõi trong vòng 12 năm. Theo đó, kết quả cho thấy, những phụ nữ làm việc 45 giờ hoặc nhiều hơn trong tuần có tới 63% nguy cơ cao hơn dẫn tới bệnh tiểu đường so với những phụ nữ chỉ làm việc từ 35 đến 40 giờ mỗi tuần. Kết quả này không chênh lệch nhiều nếu tính cả thói quen hút thuốc, tập thể dụng, sử dụng chất kích thích và trọng lượng cơ thể. Trong khi đó, nam giới nếu làm việc nhiều giờ lại không phải đối mặt với việc tăng nguy cơ bị tiểu đường.

Mặc dù BMJ Open Diabetes Research & Care vẫn chưa đưa ra lý giải hợp lý cho kết quả này. Tuy nhiên, có thể nguyên nhân xuất phát từ những việc phụ nữ thường làm trong thời gian rảnh. “Những việc không được trả tiền lương mà phụ nữ phải làm ngoài giờ như việc nhà, chăm sóc con cái hay những việc vặt khác. Điều này tạo ra sự áp lực và căng thẳng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của họ,” Giáo sư Mahee Gilbert- Ouimet ở trường đại học Toronto cho biết.

Có một thực tế là phụ nữ vẫn luôn bị phân biệt đối xử trong công việc. Họ phải làm việc nhiều hơn trong khi mức lương nhận được lại thấp hơn so với nam giới ở cùng vị trí. Và tất nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. “Việc nghiên cứu về phụ nữ là rất quan trọng bởi họ vẫn chưa được quan tâm đủ trong tất cả mọi lĩnh vực. Và nếu nhìn nhận kỹ thì vẫn còn rất nhiều bất bình đẳng đang diễn ra,” giáo sư Gilbert-Ouiment nói thêm.

Ở chiều hướng ngược lại, một số nghiên cứu chỉ ra rằng nam giới khi làm việc nhiều giờ nhưng được trả lương ít hơn sẽ đối mặt với nguy cơ bị tiểu đường cao hơn. Mặc dù có nhiều tranh cãi cho kết quả này nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và thời lượng làm việc cao.

Năm 2016, một nghiên cứu tại Nhật chỉ ra mối liên hệ giữa nguy cơ tiểu đường và những người làm hơn 45 giờ không theo ca hoặc làm việc theo thời gian biểu ban ngày thông thường. Một nghiên cứu khác năm 2006 tập trung vào phụ nữ cũng cho kết quả tương tự, kể cả các vấn đề liên quan đến bệnh tim.

Orfeu Buxton, giáo sư về sức khỏe hành vi sinh học tại bang Penn, cho biết, một trong những nguyên nhân khiến căng thẳng kéo dài là việc thiếu thời gian chăm sóc cho bản thân. Những người làm việc quá nhiều thường không có chế độ ăn lành mạnh, không tập luyện thể dục và không ngủ đủ giấc.

Hậu quả của việc thiếu ngủ lên sức khỏe chỉ ra rằng nếu bạn có ngủ bù 1 tuần liền thì bạn vẫn bị tăng nguy cơ tiểu đường. Phụ nữ tuổi trung niên thường có nguy cơ cao bị mất ngủ, điều này cũng góp phần giải thích cho nghiên cứu. Ngoài ra, bệnh tiểu đường cũng là gánh nặng kinh tế cho thế giới. Theo ước tính, đến năm 2030, thế giới sẽ có khoảng 439 triệu người sống cùng bệnh tiểu đường, nhiều hơn 50% so với số người mắc bệnh tiểu đường năm 2010.

“Vì vậy, chúng ta cần nên cân bằng giờ giấc làm việc và có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Làm việc thông minh, sắp xếp thời gian hợp lý, và dành thời gian cho bản thân chính là những điều giúp bạn sống khỏe, sống tốt và tránh nguy cơ bị tiểu đường và các bệnh khác,” giáo sư Buxton chia sẻ.

 

Pocket
Tags: