Type to search

Chia sẻ

Công nương nước Anh Kate Middleton chinh phục người yêu thời trang không chỉ với những thiết kế quần áo, mà còn cả bộ sưu tập mũ đa dạng và phong phú. Có thể nói Kate đã đưa ra một thông điệp rõ ràng cho vẻ đài các và quý tộc Anh quốc. Hay những fan của Gossip Girl không chỉ trầm trồ trước cuộc sống đầy thi vị của tiểu thư Blair Waldorf, mà còn luôn thích thú trước sự phối hợp tinh tế của những chiếc bờm và mũ mà Blair sử dụng trong suốt các tập phim. Sự hào hoa và có phần kịch tính của xã hội thượng lưu New York được phản ánh qua trang phục cũng như những chiếc mũ đầy ấn tượng. Dù là nhân vật hư cấu, hay con người thực, Blair Waldorf và Kate Middleton đã chia sẻ một phần thế giới cổ tích của họ, trong đó những chiếc mũ là vật không thể thiếu cho những nàng công chúa hiện đại.

Chặng đường phát triển

Mũ và các phụ kiện đội đầu bắt nguồn từ thời Trung Cổ khi nhà thờ quy định tất cả phụ nữ phải che tóc trước khi rời khỏi nhà. Từ đó, người phụ nữ bắt đầu tập trung nhiều thời gian và công sức để sáng tạo nên những chiếc mũ đội đầu với mục đích làm đẹp cho bản thân. Vào thế kỷ 18, chính họ đã dần dần mang kỹ nghệ làm mũ ra khỏi ngôi nhà và góc bếp, để biến nó trở thành một nghề nghiệp chính thức, và trở thành “milliner” – thợ làm mũ. Từ “milliner” được bắt nguồn từ thành phố Milan nơi vào những năm 1700 là điểm đến của những loại rơm tốt nhất để đan mũ.

Mũ trùm bonnet những năm 1780

Lúc đầu, những chiếc mũ “dành cho người chăn cừu” (shepherdess hat hay bergère) rất được các cô gái ưa chuộng với vành mũ được làm bằng rơm và cói, đủ rộng để che bớt ánh nắng chói chang của mặt trời, nhất là khi ô dù chưa được coi là một sản phẩm thời trang. Vào năm 1780, các chất liệu đơn giản và nhẹ hơn như cotton, lụa, v.v được sử dụng. Nhưng người phụ nữ cùng dần dà nhận thấy chiếc mũ rộng vành có thể bảo vệ làn da của họ khỏi ánh nắng nhưng không che phủ được toàn bộ mái tóc, vì vậy, họ bắt đầu chuyển sang các loại mũ trùm bonnet. Bonnet được biến hoá qua lịch sử, từ những chiếc mũ trùm qua vai, đến những chiếc mũ bonnet mềm không kết cấu có thể gập gọn gàng. Bonnet luôn đi kèm một quai nơ rất duyên dáng và là điểm nhấn đáng yêu cho mỗi bộ trang phục.

Trong các phụ kiện đi kèm với mũ, lông vũ trở nên được ưa chuộng vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20

Trong các phụ kiện đi kèm với mũ, lông vũ trở nên được ưa chuộng vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đem lại vẻ đẹp bên ngoài và sự ấm áp bên trong, lông vũ là một dấu ấn của sự vững chắc về kinh tế. Những người giàu có thường sẵn sàng trả rất nhiều tiền cho một chiếc mũ có trang trí lông vũ lộng lẫy. Mũ và mũ có lông vũ dần dần trở thành những biểu tượng của địa vị, quyền lực, và cùng với thời gian, chúng trở thành một sản phẩm mang tính nghệ thuật cao, cũng như là một phần tất yếu của trang phục. Từ thế kỷ 20, mũ trở thành một nghi thức ngoại giao bắt buộc, cả nam giới và nữ giới đều phải thay đổi mũ nhiều lần trong ngày để phù hợp với hoàn cảnh và tính chất công việc. Sẽ cực kỳ hổ thẹn nếu bạn ra khỏi nhà mà không có mũ và găng tay, dù điểm đến chỉ cách nhà vài bước chân.

Sự suy tàn

Nguyên nhân dẫn tới sự suy tàn của những chiếc mũ phải kể tới hai cuộc chiến tranh thế giới. Khi những người chồng ra trận, phụ nữ cũng dần rời khỏi góc bếp để tham gia các công việc sản xuất và đồng áng. Đó cũng là lúc họ cần những trang phục giản tiện hơn, và những chiếc mũ trở thành những vật dụng không cần thiết. Chiến tranh thế giới thứ hai còn làm thay đổi những quy tắc xã giao quy ước trong xã hội, mũ lúc này không còn là đồng phục bắt buộc cho các buổi gặp gỡ hay bữa tiệc, mà đơn thuần được sử dụng chỉ với mục đích sưởi ấm cơ thể. Vì vậy, những chiếc mũ bê-rê hay mũ trùm vành được làm bằng chất liệu dày và ấm trở nên thịnh hành, những người phụ nữ thậm chí còn giản tiện bằng việc cuốn một chiếc khăn lớn trên đầu.

Công nương Kate Middleton chinh phục người yêu thời trang bởi BST mũ đa dạng và phong phú

Từ những năm 20 của thế kỷ, mũ đã không còn được coi là vật bất ly thân của thời trang. Các “milliner” cũng không còn nhiều vì thiết kế và sản xuất mũ yêu cầu sự đầu tư nghiêm túc về mặt thời gian và công sức, tuy nhiên, nhu cầu sử dụng lại không cao. Mũ thậm chí còn được xếp vào một trong những mặt hàng phụ kiện thời trang “không cần thiết” của một số tạp chí. Tuy vậy, hàng năm Hiệp hội Mũ (Headwear Association) vẫn luôn tổ chức các hoạt động để tôn vinh những chiếc mũ, trong đó phải kể tới giải thưởng Người đội mũ của năm (Hat Person of the Year) đã được trao tặng cho Johnny Depp, Brad Pitt, Lady Gaga, Victoria Beckham, và gần đây là công nương Kate Middleton.

Tiểu thư Blair Waldorf trong phim Gossip Girl phối hợp tinh tế của những chiếc bờm và mũ.

Milliner của thế kỷ 21

Trong số những milliner còn lại của thế kỷ 21, người ta thường nhắc tới ba cái tên Maison Michel, Philip Treacy và Stephen Jones, mỗi thương hiệu đại diện cho một phong cách.

Maison Michel được thành lập vào năm 1936 khi Auguste Michel mở cửa hàng trên phố Sainte Anne và bắt đầu tạo ra các kiểu mũ lộng lẫy cho các quý bà thuộc tầng lớp quý tộc Paris. Ngày nay, sau 70 năm phát triển, Maison Michel là nhãn hiệu mũ nón Pháp nổi tiếng nhất thế giới, đã từng cung cấp mũ cho các bộ sưu tập của Chanel, Givenchy, Nina Ricci, Laroche, Lanvin, v.v Bắt đầu từ năm 1996, Chanel mua lại Maison Michel và dưới đường lối mới, Maison Michel thể hiện một phong cách và hơi thở hiện đại với các mẫu mã đa dạng từ mũ rơm, mũ rộng vành, beret, mũ trùm bonnet và mũ lưỡi trai. Maison Michel cũng chính là tác giả của các bộ sưu tập mũ đầy ấn tượng trong các vở opera, điện ảnh, nhạc kịch của Lido, Disney Resort Paris, v.v và nhiều khách hàng cá nhân nổi tiếng như Lady Gaga, Leighton Meester, Rachel Bilson, v.v

CHANEL RTW Thu Đông 2019 với phụ kiện mũ được làm bởi Maison Michel

Philip Treacy sinh ra tại Ahascragh, miền tây Ailen, Philip tốt nghiệp Royal College of Art tại London. Ông cũng là người thiết kế mũ cho Alexander McQueen hồi McQueen còn làm tại Givenchy, cho Valentino, Ralph Lauren và Donna Karan. Khách hàng thân thiết của Philip Treacy là Lady Gaga, với tác phẩm nổi tiếng – chiếc điện thoại đội đầu trong chương trình “Thứ 6 với Jonathan Ross vào năm 2010”. Phillip Treacy cũng là người thiết kế toàn bộ mũ cho bộ phim Harry Potter, và cho nhân vật Carrie Bradshaw trong show truyền hình Sex and the City. Trong đám cưới của hoàng tử Williams và công nương Middleton, 36 chiếc mũ của Philip Treacy đã được quan khách sử dụng như một biểu tượng thời trang của hoàng gia.

Tác phẩm của Philip Treacy

Stephen Jones là nhà thiết kế mũ người Anh, và được coi là một trong những thợ làm mũ tiêu biểu của thế kỷ 21. Ông đã tạo ra những tác phẩm mũ độc đáo cho John Galliano tại Dior và Vivienne Westwood. Các thiết kế của ông mang những ý niệm cụ thể đồng thời nổi tiếng bởi sự tinh xảo và kỹ thuật lành nghề. Năm 2009, Jones nhận trách nhiệm làm giám tuyển cho triển lãm “Hats: An Anthology” của bảo tàng Victoria & Albert, và đã gây được tiếng vang lớn trong giới chuyên môn. Cửa hàng của ông tại trung tâm của London – Covent Garden là một điểm lui tới thường xuyên cho những những ngôi sao nhạc rock, những diễn viên nổi tiếng và những người của hoàng gia, trong đó phải kể tới công nương Diana. Hiện nay, Stephen Jones vẫn là người dẫn đầu về thời trang mũ. Những chiếc mũ của ông không chỉ thành công ở lĩnh vực nghệ thuật, trình diễn, mà còn có giá trị ứng dụng cao và luôn được chào đón tại châu Âu.

Rihanna tham dự Met Gala 2018 trong trang phục của Maison Margiela và chiếc mũ được làm bởi Stephen Jones

Tương lai cho những chiếc mũ?

Tuy thế giới vẫn trầm trồ với các thiết kế mới nhất của Maison Michel, Stephen Jones và Philip Treacy, nhưng với sự hối hả của cuộc sống hiện đại và sự tối giản của thời trang, mũ không còn là niềm quan tâm lớn và lại càng không phải một phân nhánh sinh lợi nhuận của thời trang cao cấp. Tuy nhiên, nếu như bạn yêu thích và sở hữu một chiếc mũ không chỉ bởi công năng của nó, mà bởi vì bạn coi đó là một tác phẩm nghệ thuật, giúp bạn tạo ra một tuyên ngôn thời trang và phong cách cá nhân thì bạn đã thực sự may mắn.

Không phải ai cũng dám bước ra khỏi sự thuận lợi và tiện nghi của thời trang nói riêng cũng như cuộc sống nói chung, để làm mới lại mình qua những thứ tưởng chừng như “vô dụng”. Suy cho cùng, cô gái nào cũng muốn mình là một nàng công chúa xinh đẹp, nhưng sẽ luôn cần có một chút dũng khí, một chút thách thức và một con mắt thẩm mỹ tinh tế để đội lên đầu những chiếc vương miện không phải làm từ kim cương.

STYLEMAGAZINE

Pocket
Tags: