Type to search

#Fashion’s Story: Show Business

Chia sẻ

Cùng Style tìm hiểu việc thời trang đã đi từ một ngành công nghiệp thiết kế và may mặc đơn thuần trở thành một ngành công nghiệp đề cao yếu tố giải trí.

Bạn còn nhớ show diễn của Chanel mùa RTW 2014 chứ? Tôi chắc là bạn sẽ nhớ và hơn nữa bạn còn biết nhà thiết kế nổi tiếng Karl Lagerfeld đã biến bảo tàng Grand Palais của Paris thành một gallery triển lãm hiện đại với 75 tác phẩm nghệ thuật “hàng thửa”, trong đó mỗi tác phẩm đều mang dấu ấn của thương hiệu. Bạn thậm chí còn biết những điều này trước khi chúng tôi, những ấn phẩm và báo in giới thiệu với bạn. Đó là nhờ vào tất cả những hình ảnh được Instagram, Tweet, và chia sẻ trên Facebook.

Chanel mùa RTW Xuân Hè 2014 nhà thiết kế nổi tiếng Karl Lagerfeld đã biến bảo tàng Grand Palais của Paris thành một gallery triển lãm hiện đại với 75 tác phẩm nghệ thuật, trong đó mỗi tác phẩm đều mang dấu ấn của thương hiệu.

Thực tế, hơn một nửa số người xem show của Chanel (2.550 người) – gồm đội ngũ các biên tập viên, những người đi buy cho các nhà phân phối, các blogger, các stylist, các ngôi sao và một nhóm khách hàng thân thiết và quan trọng nhất của Chanel – đang mải mê với những chiếc iPhone trên tay, nỗ lực kết nối internet để thực hiện công việc chia sẻ và làm thủ tục “check-in” với Facebook, Instagram và Tweeter tới mức dường như không ai nhận ra rằng show diễn trước mắt họ đã diễn ra được quá nửa. Và đó mới là lý do chính khiến mọi người tập trung tại đây.

Tất nhiên, không ai có thể phủ nhận việc các đường băng catwalk của Karl Lagerfeld luôn ấn tượng và nổi tiếng bởi sự hoành tráng. Hãy lấy show trước đó mùa RTW 2013 làm ví dụ. Một quả cầu với kích thước ấn tượng, trên đó là những lá cờ đánh dấu địa điểm của các cửa hàng của Chanel trên khắp thế giới. Những người mẫu đã sải bước quanh một tảng băng đang được nhà thiết kế cho vận chuyển từ vùng Scandinavia về với mức chi phí chỉ có Chúa mới biết.

Một quả cầu với kích thước ấn tượng, trên đó là những lá cờ đánh dấu địa điểm của các cửa hàng của Chanel trên khắp thế giới trong show mùa RTW Thu Đông 2013

Trở lại show diễn mùa RTW 2014, khoản chi phí dành cho các sắp đặt nghệ thuật cũng không hề nhỏ. Một đại diện của Chanel chia sẻ với Vogue, đã mất khoảng 08 ngày để sắp đặt bối cảnh sàn catwalk. Riêng thời gian thu dọn show diễn cũng mất đến 03 ngày. Các tác phẩm sẽ được chuyển về bảo tàng Chanel Conservatory ở Pantin. Được biết dù ngài Lagerfeld chỉ thực hiện sơn một vài tác phẩm nhưng toàn bộ 75 tác phẩm trong triển lãm đều do đích thân ông thiết kế.

Trong khi đó, bộ sưu tập cuối cùng mà Marc Jacobs thực hiện cho nhà Louis Vuitton đã giống như một vụ nổ hạt nhân thực sự (tất nhiên, một nhà thiết kế như Marc Jacobs – với 16 năm cầm quyền tại Louis Vuitton – sẽ không rời đi mà không gây ra tiếng vang nào.) Show diễn là sự kết hợp của toàn bộ các show diễn ấn tượng nhất trong thời gian Marc làm việc cho Louis Vuitton. Đây chính là lý do tại sao bạn thấy trong show diễn có một thang máy cuốn, có các thang máy buồng đặc trưng trong các khách sạn cổ của Pháp. Tuy không có đoàn tàu nhưng dấu ấn của show diễn Thu – Đông 2012 vẫn hiện hữu với một tháp chuông đồng hồ. Ngoài ra, cũng phải kể tới một đài phun nước, một vòng quay ngựa gỗ và những họa tiết graffiti của Stephen Sprouse. Tất cả đều là những dấu ấn quan trọng trong thời gian Marc làm việc với Louis Vuitton.

Bộ sưu tập cuối cùng mà Marc Jacobs thực hiện cho nhà Louis Vuitton đã giống như một vụ nổ hạt nhân thực sự, trong show diễn có một thang máy cuốn, có các thang máy buồng đặc trưng trong các khách sạn cổ của Pháp.

Tham dự vở kịch thời trang này của Marc là những cái tên nổi tiếng như: Kate Upton, Eva Herzigova và Natasha Poly. Tuy nhiên, bạn sẽ thực sự ngạc nhiên khi biết rằng những người đẹp này đều được mời tham dự show diễn chỉ trước thời gian diễn show khoảng 07 tiếng. Nghĩa là những người đẹp này đã nhận được cuộc gọi điện thoại mời tham dự vào lúc 03 giờ sáng. Một ví dụ không thể tốt hơn cho thấy quyền lực của Marc Jacobs trong thế giới showbiz.

Nghệ thuật là vậy, cầu kỳ là thế nhưng những show diễn RTW này thực tế lại không phải là các cỗ máy in tiền của các thương hiệu. Có khoảng 20% số mẫu thiết kế được giới thiệu trên sàn diễn sẽ không bao giờ được sản xuất. Những cỗ máy in tiền của các thương hiệu, của nhà thiết kế và của nhà bán lẻ là các bộ sưu tập Resort và Chớm Thu được giới thiệu khá khiêm tốn vào tháng 01 và tháng 06 mỗi năm. Những mẫu quần áo này có thiết kế ứng dụng hơn, giá tốt hơn và có thời gian treo trong store lâu hơn. Những mẫu thiết kế này “chịu trách nhiệm” tới khoảng 70%- 80% doanh số của một thương hiệu và của các cửa hàng bán lẻ, cũng như của các nhà phân phối.

Marc Jacobs thực hiện BST Xuân Hè 2014 cuối cùng cho Louis Vuitton

Vậy, bạn có đặt câu hỏi tại sao mỗi show diễn thời trang luôn cần phải ấn tượng và mang nặng tính nghệ thuật tới vậy? Cần hiểu rằng thời trang là một ngành công nghiệp thực sự. Và nếu như trước đây, thời trang được hiểu đơn thuần là thời trang, là mốt, là phong cách thì bây giờ thời trang đang tiệm cận gần với khái niệm showbiz nhiều hơn. Đó là lý do tại sao bạn thấy xuất hiện nơi hàng ghế đầu của các thương hiệu là những cái tên, những ngôi sao, những người có ảnh hưởng trong xã hội. Martin Raymond, người sáng lập hãng tư vấn và dự đoán các xu thế: The Future Laboratory khẳng định: “Các show trình diễn thời trang đang trở thành các vũ đài của văn hóa và nghệ thuật.Tôi nhớ Angela Ahrendts – bây giờ đang làm việc ở Apple, một điều bà từng chia sẻ khi vẫn còn là CEO của Burberry là: ‘Chúng ta không còn ở trong lĩnh vực thời trang nữa, chúng ta đang ở trong lĩnh vực giải trí.’.” Người sáng lập của hãng truyền thông The Future Laboratory tiếp tục khẳng định ý kiến chi $1 triệu cho một show diễn thời trang cũng hoàn toàn giống như việc chi $1 triệu cho một bộ phim – và đó là một con số chỉ như “muối bỏ bể”!

Những con số này thực tế cũng chỉ là “một hạt muối” với các thương hiệu thời trang như Chanel (Chanel có doanh số bán ước tính khoảng 1 tỷ bảng) hay Louis Vuitton (được định giá khoảng 15,1 tỷ bảng, Louis Vuitton có lẽ là thương hiệu thời trang giàu nhất thế giới). Nhưng chi phí cho các show diễn lại là một con số hoàn toàn không nhỏ với các nhà thiết kế thời trang mới nổi. Và điều này càng đúng hơn nếu bạn xét đến việc chi phí tổ chức show diễn ngày càng cao. Nếu 15 năm trước, chi phí tổ chức một show diễn vào khoảng 20.000 bảng thì nay chi phí này ít nhất khoảng 100.000 bảng. Trong đó chi phí thuê mướn người mẫu chí ít khoảng 250 bảng/người, chi phí sản xuất và ánh sáng cũng ở mức cao khủng khiếp. Nếu thuê mướn một stylist hạng sao cho show diễn, vậy thì coi như nhà thiết kế đó đã mất đứt 15.000 bảng (và đó chỉ là tiền dành cho stylist hạng sao đó). Rồi còn chi phí cho các nhà thiết kế âm thanh nổi tiếng như Michel Gaubert hay Frédéric Sanchez. Tiền thuê địa điểm cũng không hề nhỏ bởi nếu muốn tổ chức show một thương hiệu phải thuê địa điểm tối thiểu là 02. Trong khi đó show của nhà Chanel kéo dài tới tối thiểu 11 ngày. Đây là lý do giải thích tại sao nhiều nhà thiết kế ở London muốn tổ chức show phải dựa vào những khoản tài trợ của các thương hiệu mỹ phẩm hoặc các thương hiệu đồ uống!

Ngài Karl Lagerfeld trong show Chanel mùa RTW Thu Đông 2013

Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi (một nhân vật nội giới chia sẻ) gần đây, nếu một nhà thiết kế không tổ chức show diễn, bộ sưu tập của họ sẽ không được review. Và điều này ai cũng hiểu nó sẽ ảnh hưởng không chỉ tới doanh số hoặc sự thành công của một mùa thời trang mà còn tới toàn bộ sự nghiệp của nhà thiết kế đó về sau. Việc này cũng phần nào đó giải thích cho bạn việc tại sao lại có những thương hiệu thời trang danh tiếng đỡ đầu cho một nhà thiết kế nào đó. Bởi nếu không có sự đỡ đầu đó, tin rằng những gã vô danh sẽ mãi chỉ là những gã vô danh.

“Các nhà thiết kế phải chịu một sức ép rất lớn từ việc phải tổ chức show mà không có cách nào thoát ra khỏi nó.” Sara Byworth, nhân viên của hãng truyền thông RMO Communications – đơn vị đại diện cho các nhà thiết kế và thương hiệu như Preen, Vanessa Bruno và Markus Lupfer đồng tình. “Nếu một nhà thiết kế không tổ chức show diễn, toàn bộ ngành công nghiệp sẽ mất lòng tin với thương hiệu đó. May mắn là điều này ở London đang thay đổi, chúng tôi đang tạo điều kiện để các nhà thiết kế có thể tổ chức những show diễn với quy mô nhỏ. Với cách làm này, các nhà thiết kế vẫn có thể xuất hiện nhưng không phải chịu quá nhiều áp lực từ việc phải tổ chức một show diễn hoành tráng.”

Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở việc tổ chức show hay không đặc biệt khi các thương hiệu lớn và danh tiếng như Valentino, Balenciaga, Prada và Alexander McQueen ngày càng định hướng các show diễn RTW của mình ngả sang hướng thời trang cao cấp (couture). Giống như đây là cuộc chơi phô bày nghệ thuật thủ công, độ chính xác, sự tinh tế và những ý tưởng bay bổng của các ông lớn hơn là các show diễn thời trang may sẵn. Sự xuất hiện của các bộ sưu tập Tiền Xuân Hè và Tiền Thu Đông thậm chí khiến cho các bộ sưu tập chính không còn tập trung vào góc độ bán hàng nữa. Justin O’Shea, giám đốc mua hàng của Mytheresa. com chia sẻ: “Các thương hiệu đang chọn sàn diễn làm nơi để xây dựng dấu ấn của họ cho mỗi mùa thời trang. Các sản phẩm được giới thiệu rất khó thực hiện và cả khó bán nữa. Cũng không có khung giá cho các món đồ nữa, đơn giản là bởi không cần thiết. Tất cả là đưa ra một thông điệp cho mùa.” Và với quan điểm này thì Sarah Burton là một ví dụ điển hình. Bộ sưu tập của thương hiệu Alexander McQueen hoàn toàn đơn thuần là xây dựng hình ảnh cho thương hiệu. Không phải lúc nào bạn cũng có thể mua được một thiết kế chính xác với thiết kế trên sàn diễn của McQueen. “Tuy nhiên, những show diễn như những show diễn của McQueen rất quan trọng với ngành công nghiệp. Nó giống như một thế giới cổ tích – bạn sẽ thấy những thứ bạn chưa từng thấy ở đâu, và điều đó tạo ra sự phấn khích. Thời trang luôn cần những cách nhìn, những quan điểm đó để phát triển lên bước kế tiếp.”

Alexander McQueen Thu Đông 2009

Thêm một lý do nữa để các show trình diễn thời trang tồn tại là nó hoạt động như một trục trung tâm quy tụ toàn bộ ngành công nghiệp. Mọi người sẽ tới gặp gỡ và trao đổi ý kiến về thời trang. Ruth Chapman, CEO của Matchesfashion.com chia sẻ: “Cá nhân tôi cho rằng việc các biên tập viên và các buyer có thể gặp nhau cùng một chỗ và chia sẻ các quan điểm về thời trang có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài ra, các bộ sưu tập cũng là dịp để tôi nhận biết những người hoạt động trong ngành thời trang ăn mặc thế nào. Rất nhiều xu hướng, bắt đầu từ chính chúng tôi.”

Từ quan điểm của một nhà thiết kế, việc tổ chức show cũng có một ý nghĩa rất quan trọng – thậm chí là ngay với những người trước đây từng có thành kiến với việc tổ chức show như Tom Ford. Với thương hiệu Erdem – một thương hiệu có show diễn không hoành tráng được như show diễn của các thương hiệu Chanel hay Louis Vuitton nhưng cũng đủ ấn tượng mạnh với người xem, show diễn thời trang chính là một lựa chọn thay thế cho quảng cáo trên các tạp chí. Người đứng đầu thương hiệu chia sẻ: “Tôi không quảng cáo vì vậy tôi cảm thấy tôi thực sự cần các show diễn thời trang. Các show diễn thời trang là cơ hội duy nhất của tôi để truyền tải các thông điệp của mùa mốt. Sau khi show diễn kết thúc, thông điệp của tôi sẽ được các nhà bán lẻ, các nhà phân phối và các stylist, các biên tập viên thời trang sẽ diễn giải thông điệp này và kể những câu chuyện theo cách của riêng họ.”

Pocket
Tags:

You Might also Like