Type to search

Trong tình yêu quyền lực thuộc về kẻ nhẫn tâm?

Chia sẻ

“Trong tình yêu, quyền lực thuộc về người cho” – Khuyết danh

LUẬT CHƠI CỦA TÌNH YÊU

Trong lịch sử phát hành sách tâm tình phụ nữ, có cuốn sách rất đặc biệt mang tên “Bí mật để chinh phục đàn ông” của Ellen Fain. Dù xuất bản từ 1996 nhưng đến nay nó vẫn an tọa vị trí best-seller, dẫu biết bao nhiêu cuốn sách nhỏ to tâm sự khác ra đời. Toàn bộ cuốn sách, với rất nhiều chương, cuối cùng chỉ đơn giản dạy phụ nữ, muốn độc chiếm trái tim đàn ông, phụ nữ phải nhớ, nàng vĩnh viễn chỉ làm người nhận, chứ đừng làm người cho. Nghĩa là đòi hỏi thật nhiều nhưng đáp ứng thật ít, là gieo tình yêu nhưng không được chăm sóc kỹ lưỡng, là kiêu hãnh, là thơ ơ, là luôn làm con mồi ỡm ờ, chứ đừng biến mình thành tay thợ săn hăng máu đuổi theo tình nhân.

Cuốn sách là món quà của cô bạn gửi tặng vào đúng ngày trái tim tôi rách nát vì tình yêu. Thật ra, chúng tôi đều là những phụ nữ dại khờ đã bị tổn thương, vì cho đi quá nhiều mà chẳng được đền đáp bao nhiêu, nên càng đọc tôi càng thấm thía những điều tác giả viết. Tác giả đã kể tội vanh vách những lỗi lầm của kẻ cho đi quá nhiều, đặc biệt, càng nhắc lại những biểu hiện cuồng nhiệt của tình yêu, càng thấy đàn bà thật sai lầm, khi đáng lẽ phải cư xử như một kẻ ban phước kiêu hãnh thì lại chân thật dâng trọn vẹn trái tim yêu một cách không điều kiện. Thế nên đừng trách vì sao “yêu anh bằng tất cả những gì em có”, lại dẫn đến kết quả “mất anh bởi tất cả những gì em cho”.

Ảnh: IHF Summer 2021

Cả hai người phụ nữ dại khờ đọc đi đọc lại cuốn chân kinh, thậm chí rủ nhau lập Hội phụ nữ với quyết tâm “làm khổ đàn ông”, giống như những gì sách dẫn dạy. Chúng tôi đau đớn nhận ra kẻ làm người nhận dường như luôn đứng ở thế thượng phong và càng giữ cho mình lạnh nhạt, người nhận càng trở nên “có giá”. Đó đúng là vị trí đáng mơ ước nhất, xứng đáng nhất với những người đàn bà biết… nhẫn tâm, cũng là biết tận hưởng.

Quyền lực thuộc về người nhận, không phải người cho. Quy luật này của tình yêu, làm đàn bà, hãy nhớ!

QUYỀN LỰC THUỘC VỀ AI?

Nhưng đến một ngày, tôi từ tốn nhớ lại những mối quan hệ đã qua. Và tôi kinh ngạc nhận ra mình đã quên hẳn những “người nhận”! Rõ ràng những khi làm “người cho”, tôi lướt qua tổn thương sau đổ vỡ rất nhanh. Tôi hoàn toàn không nhớ những gì mình “đã cho” nhưng lại nhớ rất rõ những gì mình “đã nhận”. Và người đã cho đi rất nhiều hóa ra để lại trong tôi nhiều day dứt hơn cả.

Tôi nghiệm ra, trong một mối quan hệ, người cho mới thực sự là người giàu có. Vì giàu có mới có thứ để cho đi, đôi khi là không cần nhận lại một điều gì cả. Ngược lại, những kẻ nhận mới thật là người nghèo khổ. Vì nghèo khổ nên đã không thể trả lại cho người ta bất kỳ thứ gì. Mà người nghèo thì thường mặc cảm nên ta hay thấy họ tỏ ra vênh váo, đòi hỏi, từ chối, bất cần – những điều rất dễ lầm tưởng là quyền lực. Trong khi những người giàu lại cố ý tỏ ra bao dung, nhường nhịn, và cuối cùng lại thường bị nhầm lẫn họ đang “yếu thế”.

Khi khép lại một mối quan hệ, nếu làm người cho, trong lòng ta thường có cảm giác nhẹ nhõm. Vì biết rõ mình đã làm hết sức những gì có thể. Thứ duy nhất người cho tiếc là thời gian, tình cảm mình đã trót đầu tư. Nhưng là người giàu, chúng ta sẽ thoải mái xem như mình chỉ mất chút vốn liếng để bắt đầu cuộc đầu tư mới hấp dẫn hơn, giúp mình giàu có hơn.

Ảnh: IHF Summer 2021

Ngược lại, những kẻ nhận mới thật đau khổ. Nếu một ngày kia không được nhận nữa, họ sẽ phát hiện ra lâu nay đã chẳng xây dựng cho mình chút vốn liếng nào. Hóa ra tất cả những thứ mình có được (dịu dàng, quan tâm, lo lắng, yêu thương,…) đều chỉ là của người khác. Hụt hẫng nên thường phải tìm kiếm ngay một “người cho” mới, rồi nếu không được cho nhiều như trước đây, họ lại thường so sánh, đòi hỏi, hoặc tìm lại người xưa đòi hỏi sự chia sẻ, quan tâm. Họ thường không chịu hiểu, tình yêu cũng giống đầu tư tài chính, muốn làm một người giàu thì phải đầu tư, tức phải cho đi trước.

Có những người nghèo bỗng dưng giàu có. Đó là từ “kẻ nhận” biến thành “người cho” trong mối quan hệ khác. Nhiều người nói họ gặp quả báo. Tôi thì lại thấy vui mừng cho họ, vì họ đã bắt đầu học được bài học về sự đầu tư. Và rồi nếu học tốt, sau nhiều mất mát, cuối cùng họ sẽ trở thành một người giàu. Từ sau khi nghiệm được bài học đó, tôi đã bỏ hẳn cuốn sách của Ellen Fain (cuốn sách từng được tôi xem là “Cẩm nang làm đàn bà”). Khi bước vào một mối quan hệ, nếu thấy mình không thể cho đi thì thôi, đừng nhận. Đừng bao giờ làm một người nghèo trong tình cảm. Thậm chí, hãy sẵn sàng làm người giàu có đi buôn lỗ đôi chút còn hơn làm người nghèo rớt mồng tơi vì chẳng có thứ gì để trả lại cho người.

Hãy nhớ, trong tình yêu, quyền lực thuộc về người cho, không phải người nhận!

NÀY NHỮNG PHỤ NỮ QUYỀN LỰC!

Xin hãy luôn nhớ chúng ta đang nắm giữ quyền lực của người giàu. Chúng ta có quyền đầu tư và có quyền thua lỗ. Nhưng chúng ta không có quyền thua lỗ mãi nếu không muốn tiêu sạch vốn liếng yêu thương của mình. Nếu biết mình đầu tư sai, hãy dừng lại và tìm kiếm cơ hội mới. Người giàu luôn hiểu luật chơi của cuộc sống. Hãy đi tìm những người giàu khác để đầu tư. Rất khó để đầu tư vào một người nghèo khổ, rốt cuộc bạn chỉ bố thí cho họ mà thôi!

Pocket
Tags:

You Might also Like