Type to search

Mắt Biếc – Bản tình ca buồn của Nguyễn Nhật Ánh

Chia sẻ

“Mắt Biếc” – một tâm hồn lãng mạn, một tình yêu nồng nàn nhưng lại không phải một cái kết tròn vẹn. Nhưng có lẽ chính vì sự dở dang đó mà cuốn sách “Mắt biếc” của Nguyễn Nhật Ánh lại thực sự chạm vào tâm hồn của những kẻ đang yêu, đã và đang dành cả thanh xuân, tuổi trẻ của mình cho một thứ tình cảm mang tên ‘tình đơn phương’.

Nếu là độc giả trung thành, có lẽ bạn sẽ không còn xa lạ với những câu chuyện tình yêu đơn phương của Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng đến với “Mắt biếc” việc xây dựng hình tượng và nội dung lại mang một phong cách mới đặc biệt. Vẫn với những ngôn từ giản đơn, gần gũi quen thuộc của tác giả thiếu nhi, nhưng cuốn sách sẽ gieo lại trong lòng của cả những độc giả lớn tuổi, để lại một nỗi niềm nuối tiếc, chơi vơi, vừa yêu vừa giận.

Đôi khi chúng ta sẽ thường tự hỏi, những năm tháng rung động đầu đời của mình liệu có còn vẹn nguyên trong trí nhớ hay không. Câu trả lời có lẽ nằm trong những trang sách nhẹ nhàng mà sâu lắng của Mắt Biếc.

Đôi nét về tác giả Nguyễn Nhật Ánh

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sinh năm 1955 tại Quảng Nam. Ông được coi là một trong những nhà văn thành công nhất với hơn 100 tác phẩm các thể loại. Nguyễn Nhật Ánh trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng đã từng có thời gian đi dạy học, viết báo với nhiều bút danh khác nhau như Lê Duy Cật, Sóc Phương Đông, Chu Đinh Ngạn,…

Truyện của ông được tái bản liên tục và làm say lòng bao thế hệ độc giả như Mắt biếc, Còn chút gì để nhớ, Cô gái đến từ hôm qua, Kính vạn hoa,…Nhiều tác phẩm trong số đó đã được chuyển thể thành các bộ phim truyền hình hoặc điện ảnh nổi tiếng được rất nhiều người xem đón nhận.

Cuốn sách “Mắt biếc” dành cho ai?

“Mắt biếc” là một tác phẩm mà tác giả dành cho những trái tim trẻ, những con người vẫn đang ở độ tuổi nếm trải thứ tình cảm đầu đời – một tình yêu trong trẻo, hồn nhiên và đầy nồng nhiệt. Nhưng người ta vẫn có câu “ tình đầu là tình dang dở”, không phải tình yêu nào cũng sẽ có một cái kết ngọt ngào. Đôi khi ta cũng phải biết chấp nhận những cái kết buồn, phải biết vượt qua nỗi đau và tìm cho mình một hạnh phúc mới.

“Mắt Biếc” là câu chuyện tình yêu dài của Ngạn từ những năm tháng anh còn ở tuổi học trò ngây ngô cho đến khi anh trưởng thành và đã là một người đàn ông 30 tuổi. Ngạn yêu sâu sắc, yêu chân thành và yêu tha thiết một cô gái tên Hà Lan. Anh dành trọn vẹn trái tim, dành cả tuổi trẻ của mình cho Hà Lan – cô gái có đôi mắt trong veo như ánh trăng tròn. Là Mắt Biếc của riêng anh và là cô gái hoàn hảo nhất trong trái tim của Ngạn. Những khổ đau, những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của Ngạn đều xoay quanh đôi mắt biếc ấy.

Nhưng số phận không để anh được hạnh phúc bên Hà Lan, mà lại cho anh là một kẻ ngoài cuộc trong tình yêu của Hà Lan. Bởi  Hà Lan yêu say đắm Dũng – một thanh niên nhà giàu, sành điệu, giỏi võ nhưng lại mà một kẻ chuộng tự do, thiếu đứng đắn. Điều này đã làm cho Ngạn vô cùng đau lòng, bởi điều Ngạn mong muốn nhất bây giờ chính là Hà Lan được hạnh phúc. Mỗi khi Dũng làm Hà Lan đau lòng thì cô lại tìm đến Ngạn, anh trở thành điểm tựa, nơi trút bầu tâm sự của cô một cách tự nhiên, mỗi khi như thế Ngạn lại càng thấy đau lòng hơn như có hàng trăm con dao khứa vào trái tim của mình.

Anh đau đớn khi thấy Hà Lan thay đổi. Anh cố níu giữ hình ảnh đôi Mắt Biếc trong những kỷ niệm ngày xưa. Nhưng tất cả đều vô nghĩa khi trong cuộc đời này, tình yêu mãnh liệt kéo dài 20 năm của Ngạn sẽ chẳng bao giờ được Hà Lan đáp lại.

Và đỉnh điểm của nỗi đau chính là Hà Lan có thai với Dũng nhưng lại bị Dũng ruồng bỏ. Hà Lan đặt tên cho con là Trà Long và đành gửi về cho bà ngoại chăm sóc. Hà Lan lặng lẽ và sâu sắc hơn bất cứ người con gái nào khác nên cô đã không chấp nhận tình yêu của Ngạn dù cô biết Ngạn yêu cô đến nhường nào.

Cho dù Nguyễn Nhật Ánh đã cố giành lấy sự đồng cảm của độc giả dành cho Ngạn khi dốc hết lòng để thương Hà Lan, thương đôi mắt biếc thân quen, thương cô đến đau lòng, một tình yêu rộng lượng đến nỗi không cần được hồi đáp. Nhưng vẫn không thể phủ nhận một sự thật rằng, Ngạn và Hà Lan của ngày nào vốn dĩ đã sống ở 2 thế giới khác nhau hoàn toàn, cho dù khởi đầu chung một môi trường giáo dục.

Cảm nhận về nỗi buồn trong “Mắt Biếc”

Đọc câu chuyện, ta vừa yêu lại cũng vừa trách. Đúng, có thể Ngạn yêu Hà Lan rất sâu đậm là thật, nhưng không nhất thiết phải tốn cả tuổi trẻ của mình để yêu cô, rồi quên đi mất bản thân mình. Bởi đôi khi yêu một người không nhất thiết là phải dùng cả đời để yêu, nhất là trong trường hợp người đó lại không thể đáp lại tình cảm của mình. Nếu Ngạn mạnh mẽ hơn, tỏ tình với Hà Lan để ít nhất có thể tỏ lòng mình, hiểu lòng người. Thì cho dù tình cảm ấy có không được chấp nhận, có lẽ Ngạn sẽ mạnh mẽ buông bỏ hơn, rồi tự tìm cho mình thứ ‘tình yêu đích thực’ ấy ở một nơi khác. Vì Ngạn xứng đáng được yêu thương nhiều, rất nhiều. Nhưng anh lại không làm vậy. Việc khai thác tâm lý nhân vật Ngạn là điều tài tình nhất mà người đọc đánh giá cao ở tác phẩm này. Những nhân vật đều sống quá chân thật với cảm xúc của mình. Để rồi vô tình để cảm xúc dẫn lối mà không dùng một chút lí trí nào. Nên họ không biến số phận của họ trở lên tốt đẹp hơn, thuận lợi hơn.

Cả cuốn sách là một nỗi buồn khổ mênh mang, lúc gào xé, lúc tưởng như đã quên được nhưng rồi hóa chẳng phải. Niềm vui, dẫu có, nhưng cũng như sương khói bay lên trong ánh trăng, hư hư ảo ảo, làm tan vỡ bao tấm chân tình. Cuộc sống ai cũng có những niềm vui và nỗi buồn. Hạnh phúc hay khổ đau là do tự bản thân mình lựa chọn.

Thông qua cuốn sách này, tác giả muốn hướng tới đối tượng là các bạn trẻ đang có những tình cảm đầu đời còn đang bỡ ngỡ. Bạn có thể yêu hết mình, nhưng cũng phải dứt khoát được. Yêu được, buông được. Để bản thân tìm tới cuộc sống tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Không nên trói buộc mình vào một chuyện tình cảm không thuộc về mình. Yêu người nhưng cũng phải biết yêu lấy chính bản thân mình.

Những trích dẫn hay từ cuốn sách

“Tôi đủ lớn để hiểu rằng, mỗi năm thế giới mỗi đổi thay và lòng người cũng khác. Tuổi ấu thơ chỉ có một con đường để cùng nhau chung bước. Khi lớn lên, trước mắt ta có lắm nẻo đường đời, bao nhiêu số phận là bấy nhiêu ngã rẽ, làm sao người chẳng quên người.”

“Điều đáng ngán nhất trong tình yêu là khi mình yêu ai, mình không biết họ có biết điều đó hay không. Điều đáng chán thứ nhì là khi mình biết họ biết điều đó rồi thì mình lại không biết học có yêu lại mình hay không. Cả hai điều nhất nhì đó, tôi đều gom đủ. Vì vậy, tôi càng chán tợn. Tôi chẳng biết làm sao thoát ra khỏi nỗi buồn. Tôi đành tìm đến âm nhạc để giải khuây.”

“Và tôi xoay lưng nằm úp mặt vô tường, buồn muốn khóc. Tôi làm con cá nhỏ, bơi trong nỗi buồn. Nỗi buồn mênh mông như biển, tôi bơi suốt đêm vẫn chưa ra khỏi. Nhưng tôi vẫn lặng lẽ bơi, ngậm ngùi, cô độc, thỉnh thoảng quẫy mạnh chiếc đuôi dài làm xuất hiện những đốm bọt màu sữa như những ngôi sao nhỏ.”

“Ngày mai khi cháu nghe thấy tiếng còi tàu thì chú đã ở xa ngoài năm trăm dặm. Có một bài hát đã hát như thế. Chú đã nghe bài hát buồn bã này nhiều lần, nhưng không bao giờ chú nghĩ bài hát đó lại hát cho chú và người chú yêu dấu.”

“Ngày mai, khi cháu đến tìm chú hẳn lúc ấy mặt trời đã lên và những cánh phượng cuối cùng của mùa hè đang bắt đầu ứa máu. Nhưng Trà Long yêu thương của chú, chú vẫn tin rằng, dù sao lúc ấy cháu cũng sẽ không khóc, cháu sẽ không khóc, có phải thế không?”

“Cuộc đời đã thực sự đổi thay. Có những đổi thay sâu sắc, những đổi thay mang màu sắc số phận mà thoạt nhìn không dễ nhận ra.”

Đan Vi/STYLE Magazine

Pocket
Tags: