Type to search

Thời trang Thương hiệu

PHẠM NGỌC ANH: GIỮ VỮNG LỬA ĐAM MÊ

Chia sẻ

Bỏ công việc của một nhà khoa học để thành lập thương hiệu thời trang khi gần bước sang tuổi 40 nhưng với Phạm Ngọc Anh – chủ thương hiệu áo dài La Phạm – đó là quyết định khiến cô hạnh phúc nhất bởi cuối cùng “giấc mơ” đã trở thành hiện thực!

Chào Phạm Ngọc Anh. Xin cảm ơn chị đã nhận lời phỏng vấn từ STYLE. Đầu tiên, xin chị chia sẻ một chút về con đường khởi nghiệp của mình. Duyên cớ nào đưa chị đến với lĩnh vực thời trang?

Tôi học chuyên hoá từ phổ thông do bố trong trường đại học. Sau đó tiếp tục học lên bậc tiến sĩ ngành Hoá môi trường tại Thuỵ Sỹ rồi lập gia đình và định cư ở Thuỵ Sỹ cần 20 năm. Thời của tôi, những người đi học ngành nghệ thuật rất khó khăn và vẫn mang theo định kiến kiểu “xướng ca vô loài”. Bản thân tôi khi đột ngột chuyển sang làm thời trang khi đã gần 40 tuổi, rất nhiều người ngăn cản và cho rằng hão huyền. Mọi người không hiểu được vì sao tôi làm công việc nghiên cứu lâu vậy, giờ lại bỏ để làm một công việc không liên quan gì. Tuy nhiên, nghệ thuật thời trang là những gì tôi đã đam mê từ ngày còn rất nhỏ. Vì điều kiện gia đình và xã hội chưa cho phép nên tôi đã phải tạm gác đam mê để đi theo một con đường mà người ta cho rằng “ít mạo hiểm” hơn. Có một điều thú vị là nền tảng khoa học cho tôi rất nhiều kiến thức và ý tưởng trong qúa trình sáng tạo và thiết kế thời trang sau này.

Năm 2016, tôi quyết định bỏ hết công việc hiện tại và tập trung bắt tay vào xây dựng thương hiệu La Phạm, chuyên về áo dài. Đó chính là thời điểm tôi bắt tay vào thực hiện “giấc mơ” thực sự của đời mình.

Thiết kế là một công việc hấp dẫn nhưng cũng nhiều áp lực. Chị quan niệm thế nào về điều này? Những áp lực và khó khăn mà chị đã gặp trên con đường phát triển sự nghiệp bản thân?

Ngành nào cũng nhiều khó khăn và áp lực cả. Đối với tôi thời trang là cái duyên, niềm đam mê và cũng chính là con đường để tôi tìm về với cội nguồn và văn hoá của Việt Nam. Bởi vậy nên sự áp lực cũng là cơ hội để tôi nỗ lực và không ngừng học hỏi. Tôi được sinh ra sau khi chiến tranh kết thúc được hai năm, lúc nước mình còn rất nghèo. Những người đi học ngành nghệ thuật thời đó rất khó khăn và phải làm thêm các nghề khác để có kế sinh nhai. Giờ thì khác, nghệ thuật đã có nhiều cơ hội phát triển và người làm nghề cũng sống được với đam mê của họ và dần dần có một chỗ đứng trong thị trường.

Là một nhà thiết kế, chắc hẳn cảm hứng sáng tạo là điều rất quan trọng với chị. Vậy điều gì tạo nên cảm hứng và động lực cho công việc của chị?

Tôi thích khám phá văn hoá, đời sống của rất nhiều miền đất khác nhau. Mỗi năm tôi dành ít nhất 2-3 tháng để đi tới các nước và vùng đất khác nhau trên thế giới. Các chuyến đi là nguồn ý tưởng vô tận truyền cảm hứng cho tôi trong ngành thiết kế. Mỗi lần trở về từ nơi nào đó trên bản đồ địa cầu, tôi lại đầy ắp ý tưởng.

Tôi sống ở nước ngoài nhiều năm nên bị ảnh hưởng rất nhiều văn hoá phương Tây, chính vì vậy tôi muốn trong các thiết kế của mình phải là sự hội tụ của văn hoá Đông-Tây, phảng phất những giá trị truyền thống nhưng vẫn phù hợp với thời thế bây giờ.

Các thiết kế của La Phạm sâu sâu xa là những nét độc đáo, truyền thống của các nơi mình đã đặt chân đến kết hợp với truyền thống Việt Nam.

Trong vô vàn những kiểu dáng và phong cách thời trang trên thế giới, vì sao Ngọc Anh lại lựa chọn áo dài truyền thống của Việt Nam?

Áo dài là truyền thống của Việt Nam. Áo dài rất đẹp nhưng áo dài truyền thống thì chỉ mặc được trong những dịp rất hạn chế, thường là những sự kiện trang trọng hay lễ hội. Tôi là người Việt nên tôi rất muốn mang văn hoá Việt Nam ra thế giới, và tôi luôn ấp ủ ý nghĩ làm sao để áo dài có thể sử dụng hàng ngày trong cuộc sống. Tôi không muốn khách hàng mua áo dài của mình về chỉ để làm vật kỷ niệm mà áo dài phải có tính thực tiễn và khách hàng thực sự yêu thích và mặc nó được hàng ngày.

Sự khác biệt giữa áo dài La Pham với các thương hiệu khác là gì?

Các thiết kế của La Phạm có tính ứng dụng cao và mỗi thiết kế đều kể một câu chuyện văn hoá đằng sau nó. Người mặc có thể sử dụng các mẫu áo của La Phạm mọi lúc, mọi nơi, trong nhiều hoàn cảnh và sự kiện khác nhau – chứ không phải chỉ ở những dịp đặc biệt. Ngoài sự linh hoạt thì chất lượng là điều La Phạm đặt lên hàng đầu.

Có nhiều chiếc áo dài chúng tôi chọn vải bên trong còn đẹp và đắt hơn bên ngoài bởi vì nó sát với làn da, người mặc cũng phải cảm nhận được cái đẹp chứ không phải chỉ là mặc cho người khác nhìn. Chúng tôi chú trọng từng đường may bên trong. Vì nó là giá trị thực, chứ không phải chỉ hào nhoáng bên ngoài. Khi lật ra, đường kim mũi chỉ phải tỉ mỉ, phải mượt, không có đường vắt sổ nào, trái phải như một. Khi chúng ta thấy bản thân đẹp từ bên trong thì chúng ta sẽ thấy mọi thứ xung quanh cũng trở nên đẹp hơn.

Nói về bộ sưu tập mới nhất, Sleep No More, chị có thể chia sẻ về bộ sưu tập này? Ý tưởng và cảm hứng của chị là gì?

Lấy cảm hứng từ một show kịch tương tác được chuyển thể và hư cấu từ nhân vật Lady McBeth của Shakespeare chúng tôi từng xem cách đây 2 năm, BST có tên “Sleep no more” là sự tái hiện những trang phục đặc trưng của phương Tây thập kỷ 1920-1930 với sự pha trộn những đường nét và văn hoá hiện đại lẫn truyền thống của phương Đông.

Bắt tay vào thực hiện từ đầu năm nay, phải sau gần 10 tháng từ lúc lên ý tưởng, tìm mua phụ kiện ở rất nhiều quốc gia khác nhau chủ yếu từ châu Âu, những mẫu rập được dựng lên rồi thay đổi rất nhiều lần, BST giờ mới có thể chính thức được giới thiệu. Đặc biệt những phụ kiện như mũ, quạt, đồ trang sức, găng tay… được La Phạm sử dụng trong BST đều là đồ cổ có giá trị trong giai đoạn 1920-1930 được săn lùng và sưu tầm từ rất nhiều cửa hàng đồ cổ tại Thuỵ Sỹ, Pháp, Bồ Đào Nha, Ý và Tây Ban Nha.

Sleep No More là sự pha trộn giữa yếu tố cổ điển với phong cách đương đại. Chị có nghĩ các thiết kế sẽ “kén” người mặc hơn không?

Đích đến thời trang không phải là để trưng bày, mà là ứng dụng được trong đời sống hàng ngày. Các thiết kế của La Phạm từ trước đến giờ, không phải chỉ riêng với BST “Sleep No More” đều được sáng tạo và thực hiện với tiêu chí dễ mặc, thoải mái và mặc được trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Các thiết kế cũng không kén người mặc. Không quan trọng người mặc béo gầy cao thấp ra sao, chúng tôi cố gắng xử lý các thiết kế để giúp họ tôn dáng, che bớt khuyết điểm cơ thể và đặc biệt là tự tin hơn về cơ thể cũng như phong cách của mình.

Có nhận định cho rằng thời trang Việt Nam đang rất nhộn nhịp, việc ra mắt một thương hiệu mới thì rất dễ nhưng làm thế nào để “sống” cùng thương hiệu của mình mới khó. Chị nghĩ sao về điều này? Quan niệm của chị về việc phát triển một thương hiệu thời trang mang tính bền vững, được mọi người yêu mến và tin tưởng?

Thời trang là cuộc sống. Thời trang bền vững, thân thiện với môi trường là tiêu chí mà La Phạm theo đuổi và nỗ lực mỗi ngày.

Tôi mong muốn mang giá trị thực trong những mẫu thiết kế, không làm cửa hàng xịn, nhưng càng ngày càng được nhiều khách hàng tìm tới. Tôi ưu tiên đầu tư nhiều tiền vải và chất lượng sản phẩm hơn truyền thông. Hướng tới lối sống tối giản và thân thiện môi trường, La Phạm ưu tiên sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường và hạn chế sử dụng các loại rác khó phân huỷ. Con đường thành công có thể rất chậm nhưng chắc.

Áo dài là trang phục truyền thống của người Việt được cả thế giới công nhận là đẹp. Nhưng có một thực tế là phụ nữ phương Tây thường chỉ… nhìn phụ nữ Việt mặc mà tấm tắc khen thôi trong khi bản thân họ lại không sao “xoay sở” được trong chiếc áo ấy. Chị nghĩ sao về điều này? Chị có ý tưởng nào hoặc cho rằng mình có một phần sứ mệnh mở rộng biên giới cho áo dài Việt không?

Có thể vì họ chưa thử áo dài của La Phạm 😀

Những nữ nhà thiết kế áo dài thương thích một cuộc sống giản dị. Với Ngọc Anh thì sao?

Ngày trước, mình thích ăn mặc sành điệu nhưng sau khi làm thời trang, mình giản dị đi nhiều. Mình cũng dần hiểu vì sao các NTK khi lên sân khấu chào khán giả họ thường mặc rất giản dị. Họ chỉ mặc chiếc T-shirt một màu và quần jeans, bởi họ chúi đầu vào làm việc suốt ngày, không còn thời gian đâu mà làm đẹp cho bản thân nữa. Họ mang năng lượng đó để làm đẹp cho người khác.

Khi còn trẻ, mình mơ ước phải kiếm được nhiều tiền, có nhà to và xe đẹp. Đến tuổi này, mình thấy mọi thứ trở nên hão huyền, trải nghiệm cuộc sống là cái giá trị lớn nhất của con người bởi khi chết đi cũng chẳng mang được gì. Cuộc sống ngắn lắm, mình tự nhủ hãy sống sao cho có ý nghĩa.

Cảm ơn chị đã chia sẻ và chúc áo dài La Phạm sẽ gặt hái được nhiều thành công trong tương lai!
Pocket
Tags:

You Might also Like