Type to search

Chia sẻ

Dù bạn đầu tư vào cổ phiếu thời trang hay lựa chọn cho mình những món đồ thời trang (một cách đầu tư khác), bạn đều cần có cách nhìn nhận riêng. Bởi thời trang là một lĩnh vực đặc biệt, hoàn toàn khác với những lĩnh vực đầu tư khác.

Thời trang là một ngành kinh doanh. Trái với suy nghĩ của phần đông những người không ngừng ngợi ca các ý tưởng sáng tạo, tôn vinh những bộ óc thiên tài trong lĩnh vực thiết kế bằng những ngôn từ sáo rỗng, dù muốn dù không, thời trang cũng không thể chỉ là những xu hướng được trình diễn trên sàn catwalk hay “những cú hích mang tên sành điệu làm nổ tung các góc đường”. Trong một bản đánh giá được đưa ra vào năm 2010, Hội đồng Thời trang Anh đã xác định thời trang là một ngành công nghiệp trị giá khoảng 21 tỷ bảng (theo số liệu mới nhất là 26 tỷ bảng) – chiếm khoảng 1,7% GDP, trực tiếp mang lại công ăn việc làm cho khoảng 816.000 người ở Anh. Ngành công nghiệp này mỗi năm cũng giúp thu nhập từ du lịch của Anh tăng thêm 98 triệu bảng.

BST New Normal mới của Giorgio Armani

Thậm chí ngay chính những nhà thiết kế đã đi vào lịch sử thời trang như những tượng đài uy nghi cũng có suy nghĩ không nên xem thời trang chỉ như những gì lấp lánh, lung linh và cực đoan, mỗi năm 02 lần xuất hiện. Nhà thiết kế Coco Chanel từng nhấn mạnh: “thời trang không phải là một cái gì đó chỉ tồn tại trong những bộ váy áo.” Còn bà Tổng Biên của tờ Runway, Miranda Priestly trong bộ phim thời trang nổi tiếng The Devil Wears Prada đã khẳng định: “Màu xanh đó tượng trưng cho hàng triệu triệu dollar và rất nhiều công việc.” Nên đầu tư vào thời trang sẽ phụ thuộc vào cách nhìn nhận của bạn mà đích đến có thể là Phố Bond hoặc sàn chứng khoán London (London Stock Exchange).

THE CHANEL ICONIC CAMPAIGN: chiếc túi 11.12

Sự tồn tại của cổ phiếu thời trang mang ý nghĩa khách hàng không phải chỉ có thể sở hữu các sản phẩm của một thương hiệu. Họ thậm chí có thể mua một phần thương hiệu cho bản thân họ. Trong trường hợp có nếu đủ khả năng tài chính, họ thậm chí có thể mua toàn bộ thương hiệu như trường hợp một đại gia người Trung Quốc đã mua lại Lanvin. Tuy nhiên, không giống với việc sở hữu các sản phẩm thời trang – những thứ mà giá trị của nó có thể đong đếm trực tiếp bằng mắt, giá trị cổ phiếu thời trang phức tạp hơn nhiều để xác định. Và hiển nhiên trong trường hợp này, kinh nghiệm đầu tư của khách hàng có ý nghĩa quyết định. Các thông tin thu thập được gần đây gợi ý một vài nhà cung cấp hàng xa xỉ phẩm đang ăn nên làm ra so với các thương hiệu khác. Cổ phiếu của Mulberry đã có một năm 2013 tồi tệ và hiện nay giá của nó đang vào khoảng 650 bảng. Trong khi đó, trong năm 2012, cổ phiếu của Mulberry vào khoảng 2400 bảng. Thương hiệu đồ da thuộc nổi tiếng của Anh này đã dò dẫm bước vào năm 2014 với việc thông báo giá trị cổ phiếu vừa bị tụt giảm 27%. Chỉ trong 18 tháng, công ty đã phải đưa ra cảnh báo lợi nhuận thứ 03. Lý do giải thích cho tình trạng giá cổ phiếu xuống tới mức này là do các điều kiện thương mại trong dịp Giáng Sinh đang khắc nghiệt hơn. Hệ lụy của việc này là doanh số bán ở UK bị giảm sút, bên cạnh đó, đơn đặt hàng tới từ Hàn Quốc cũng bị hủy bỏ.

Tuy nhiên, cũng nằm trên Phố Bond và cũng chỉ cách đó không xa, cũng cùng có Cara Delevingne làm “gương mặt” đại diện nhưng thương hiệu thời trang và phụ kiện Burberry lại có kết quả kinh doanh tốt hơn rất nhiều so với Mulberry. (Mặc dù Burberry cũng đã vấp phải những khó khăn nhất định sau khi có thông báo về sự ra đi của CEO của thương hiệu là Angela Adrendts vào hồi tháng 10 năm ngoái.) Burberry báo cáo doanh số bán 03 tháng cuối năm 2013 của hãng tăng 14%. Trong khi đó, tập đoàn LVMH – thương hiệu sở hữu các brand Louis Vuitton, Marc Jacobs, Céline và Dior cũng báo cáo cổ phiếu trong tháng 01 vừa rồi của họ đã tăng đáng kể. Đây là kết quả của việc Quý 04 năm 2013, thương hiệu đã khá ăn nên làm ra. Hiển nhiên, với việc kinh tế thế giới hồi phục, đang ngày càng có nhiều người quay trở lại với thói quen mua sắm hàng hiệu. Tuy nhiên, một điều cũng cần chú ý ở đây là những phản ứng của các thị trường mới nổi – bởi đây hiện đang là một nhóm khách hàng quan trọng với bất kỳ thương hiệu nào.

Các chuyên gia trong ngành thời trang đang xác định việc phát triển các thị trường mới là điều kiện sống còn. Đây chính là lý do tại sao Trung Quốc nói riêng và các thị trường châu Á mới nổi nói chung lại được đặc biệt quan tâm tới vậy. Nick Murphy một đối tác quản lý đầu tư tại công ty Smith & Williamson nhấn mạnh: “Điều thực sự quan trọng là phát triển những thị trường mới, nhờ vậy bán hàng trực tuyến, sự tăng trưởng của các khách hàng người Trung Quốc cũng như sự mở rộng của thương hiệu sang các lĩnh vực khác, lấy ví dụ nước hoa và phụ kiện, tất cả đều sẽ ảnh hưởng tới giá trị cổ phiếu thương hiệu.” Tháng trước, công ty marketing số ở Milan, ContactLab đã phát hiện ra rằng mỗi khách hàng Thượng Hải chi trung bình khoảng $1.000 cho lần mua đồ hiệu gần nhất. Mức này cao gấp 02 so với những “người bạn” ở New York của họ. Ngoài ra, số lượng tỷ phú đô la Mỹ ở Trung Quốc hiện đang đứng thứ 02 trên thế giới (chỉ sau Mỹ). Điều này cũng đồng nghĩa với việc kinh đô thời trang của thế giới đang dịch chuyển, những đích đến truyền thống đang lăm le bị thay thế. Singapore đã có tuần lễ thời trang Haute Couture của mình. Đây chính là lý do giải thích cho việc tại sao có thể nói, phát triển các thị trường mới là một công việc tốn kém đối với các thương hiệu thời trang nhưng nó có thể giúp đẩy giá cổ phiếu của thương hiệu.

Hermes WRTW FW21

Theo ông Murphy, nhìn chung, giá trị cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi 03 yếu tố: số lượng bán, chi phí, và mức độ mong muốn của khách hàng. Tuy nhiên, với cổ phiếu thời trang thì còn có yếu tố thứ 04, đó là hình ảnh. Yếu tố này rất tốn kém để có thể tạo ra nhưng lại rất dễ dàng bị phá hủy. Một công ty sử dụng nguồn nhân công lao động giá rẻ và công chúng biết được, hậu quả là doanh số giảm và doanh số giảm, giá cổ phiếu cũng giảm.

Xây dựng sự mong muốn của khách hàng là một công việc khá khó khăn. Nhiều nhà bình luận cho rằng Mulberry đã có một năm tồi tệ là do hãng đã theo đuổi một chiến lược toàn cầu. Nhưng kết quả của việc này là làm mất giá sản phẩm cũng như khiến cho chính những khách hàng người Anh xa lánh thương hiệu. Theo Mireia Llusia-Lindh, người sáng lập công ty túi xách cao cấp Milli Millu và cựu tư vấn quản lý của công ty Bain & Company, cũng là người từng làm việc cho cả Burberry và LVMH trong quá khứ: “Có rất nhiều cách để một thương hiệu xa xỉ thu hút mọi người. Tuy nhiên, theo tôi, chiến lược khôn ngoan là chiến lược xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu của mình, thực sự hiểu họ là ai và mang tới cho họ chính xác thứ họ muốn, thay vì cố gắng trở thành mọi thứ với mọi người.”

Ảnh: Style Magazine

Chất lượng cũng chính là yêu cầu cao nhất đối với khách hàng. Murphy khẳng định: “Một thương hiệu lớn mạnh sẽ tự bảo vệ nó trước những đối thủ cạnh trạnh và xét trên đường dài, chất lượng chính là nhân tố quan trọng.” Tất nhiên, giá trị của thời trang không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào cổ phiếu. Xét cho cùng tủ quần áo của chúng ta vẫn là thứ thuộc về cá nhân chúng ta. Và thời trang là một dạng thức tài sản hoàn toàn khác. Và cũng hiếm có ai trong chúng ta đánh giá thời trang như những tài sản khác. Đây chính là lý do tại sao chúng ta thường đánh giá không đúng giá trị tủ quần áo của mình, dẫn tới việc phụ nữ thường giấu diếm chồng mua thêm một vài đôi giày hoặc túi hiệu. Trong khi đó, đàn ông lại giấu diếm mua đồng hồ và giày. Để có thể tránh điều này, cách tốt nhất là bạn hãy đầu tư vào những dòng “blue-chip” – những dòng sản phẩm thực sự đắt và cao cấp. Vị trí của chúng trong tủ quần áo của bạn sẽ được đảm bảo xét cả về mặt tài chính lẫn cảm xúc. Tôi có một cô bạn cô thường chăm sóc những mẫu túi hiệu “blue-chip” của mình như những đứa con vậy.

Dior Book Tote

Đầu tư vào thời trang có thể nói là một công việc hoàn toàn không dễ dàng. Một mặt bạn phải đảm bảo có những món đồ mới (đúng mốt, đúng mùa) để không bị lạc mốt; Đồng thời một số dòng sản phẩm sẽ được hãng chỉ giới thiệu đúng trong mùa đó, năm đó. Như vậy là nếu không chịu móc hầu bao đầu tư, bạn sẽ không bao giờ có được sản phẩm đó. Nhưng nếu đầu tư vào những món đồ chạy theo xu hướng, thì thời gian sử dụng món đồ cũng không quá lâu do thiết kế đặc trưng của dòng sản phẩm này. Còn nếu đầu tư vào những sản phẩm mang tính icon, những thiết kế timeless của các hãng, bạn sẽ được đánh giá cao bởi sự thanh lịch, cổ điển… nhưng nếu chỉ mãi mãi an toàn, bạn sẽ có thể bị đánh giá là nhàm chán.

Bởi vậy, xét cho cùng đầu tư vào tủ quần áo của bạn cũng khó hệt như đầu tư vào cổ phiếu của các công ty thời trang vậy. Nhưng chúng tôi tin rằng, là một người có gout, sành điệu, bạn sẽ biết cách cân bằng giữa trendy, edgy và classic, timeless.

Bài viết sử dụng số liệu tổng hợp trong năm 2014

Pocket
Tags:

You Might also Like