Type to search

Featured Thời trang Thương hiệu

Thời trang, thời gian và sự trường tồn

Chia sẻ

Sự trường tồn là một thuật ngữ xuất hiện ở khắp nơi trong thế giới thời trang, đại diện cho những thương hiệu có lịch sử hàng trăm năm và những thiết kế mang tính biểu tượng. Nhưng điều gì mới giúp cho một thiết kế trở nên vượt thời gian?

Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan mới đây đã công bố chủ đề triển lãm cũng như Met Gala 2020: About Time: Fashion and Duration (tạm dịch: Thời gian: Thời trang và Quá trình). Chủ đề này được lấy cảm hứng từ bộ phim Orlando (1992) được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sỹ Virginia Woolf. Theo đó, Met Gala 2020 sẽ khai thác ý tưởng về sự trường tồn trong thời trang và tập trung khai thác phong cách của phụ nữ trong vòng 150 năm qua – tương ứng với số tuổi của bảo tàng Met. Trước khi sự kiện được diễn ra vào tháng 05 năm sau, giờ là lúc chúng ta cùng nhìn lại lịch sử của thời trang, để cùng tìm hiểu xem điều gì đã tạo nên sức sống vượt thời gian cho các nhà mốt và các thiết kế kinh điển.

Thiết kế áo khoác vải dạ tweed biểu tượng của nhà mốt Chanel

Điều gì tạo nên sự trường tồn trong thời trang?

Nói đến thời trang là nói đến những chuyển động liên tục. Do đó, khi nói đến các thiết kế vượt thời gian, đó dường như là một sự mâu thuẫn, đặc trong thế giới tiêu dùng thay đổi mỗi ngày như hiện nay. Rất nhiều các cuộc thảo luận đã được diễn ra giữa các chuyên gia trong ngành, để giải thích cho việc liệu có hay không sự trường tồn trong thế giới thời trang?!

Nhà báo, nhà thiết kế Filep Motwary khẳng định: Tời trang không có sự trường tồn. Trong khi đó, Richard Sorger, nhà thiết kế và giảng viên cao cấp tại đại học Middlesex, lại nhấn mạnh “sự trường tồn là bất cứ thứ gì có sức hấp dẫn mạnh mẽ của riêng nó, tạo ra sức ảnh hưởng qua nhiều năm hoặc thậm chí hàng thế kỷ”. Ông cũng lưu ý rằng các thiết kế vượt thời gian tồn tại bên ngoài quan niệm của chúng ta về “thời trang”. Mặt khác, tiến sỹ Celia Stall-Meadows, chuyên gia tiếp thị và tác giả cuốn sách Fashion Now: A Global Perspective, lại cho rằng thực tế thì các thiết kế tưởng như kinh điển cũng chỉ có “vòng đời” dài hơn so với các thiết kế khác. Do đó, sự trường tồn thường được sử dụng như một từ tiếng lóng để ám chỉ các thiết kế có thể tồn tại trước guồng quay chóng mặt của thời trang qua nhiều thập kỷ. Vậy đâu là lý do để những thiết kế được xem là kinh điển như: áo trench coat của Burberry, túi Birkin của Hermès, áo camel coat 101801 của Max Mara và quần jean 501 của Levi’s,… vẫn luôn được yêu thích và là niềm khao khát của mọi tín đồ thời trang dù chúng đã ra đời từ cách đây hàng thế kỷ?

Đầu tiên, một thiết kế chỉ thực sự trở nên nổi tiếng và trở thành biểu tượng khi được gắn liền với các phong trào văn hoá. Tất nhiên, có rất nhiều thiết kế kinh điển vốn ban đầu không được tạo ra với mục đích “vượt thời gian”. Hơn nữa, một trong số chúng ban đầu được thiết kế cho các mục đích cụ thể, không nhất thiết liên quan đến thời trang. Chẳng hạn, những chiếc áo trenchcoat của Burberry vốn ban đầu được tạo ra với mục đích chống thấm nước và giữ ấm cho các quân nhân phục vụ trong quân đội Hoàng gia Anh. Chúng chỉ thực sự nổi tiếng khi để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là phim ảnh. Sau này, áo trenchcoat cũng trở thành lựa chọn yêu thích của các nhóm văn hoá Mods, Heavy Metal hay Goth để thay thế các item được xem là “lỗi thời” như Parka hay Crombie. Điều tương tự cũng đến với chiếc kính Ray Ban Aviators. Ban đầu, chúng được sử dụng để bảo hộ cho các phi công nhằm đối phó với ánh sáng chói từ các đám mây trước khi trở nên nổi tiếng toàn cầu khi các ngôi sao nhạc Rock sử dụng để tránh những tay săn ảnh.

Bên cạnh yếu tố văn hoá, sự trường tồn trong thời trang còn gắn liền với nhiều yếu tố khác. Celia Stall-Meadows nhấn mạnh đến sự đơn giản và thanh lịch của các thiết kế. Trong khi đó, nghệ thuật thủ công cũng luôn được đánh giá cao trong mỗi sản phẩm, dù cũ hay mới. Teo Richard Sorger, các sản phẩm sử dụng nghề thủ công, như thêu hoặc đính kết, sẽ có nhiều cơ hội để trường tồn cùng thời gian.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác giúp một thiết kế có thể trường tồn cùng năm tháng chính là việc nó có thể đánh thức cảm xúc của người mặc. Trên thực tế, thời trang vốn được tạo nên dựa trên sự hấp dẫn về cảm xúc, nơi các nhà tiếp thị hướng khách hàng đến một thông điệp cụ thể. Những chiếc áo jacket của Mugler hay tuxedo của YSL giúp tôn lên vẻ đẹp cơ thể và truyền tải cảm giác về việc được trao quyền. Trong khi đó, chiếc váy Little Black Dress của Chanel những năm 1950 lại tượng trưng cho sự vùng lên của phụ nữ, chấm dứt thời kỳ bị bó buộc trong những quy tắc truyền thống quá nghiêm khắc. Hay chiếc váy quấn (wrap dress) mà Diane von Furstenberg giới thiệu năm 1972 được Vogue miêu tả là biểu tượng của ngành may mặc về cuộc cách mạng tình dục bùng nổ trên khắp thế giới vào giai đoạn 1960–1970.

Những chiếc quần jeans của Levi’s

Có thể nói, thời trang vốn là một vòng quay liên tục. Một thiết kế muốn trường tồn cùng thời gian, chúng cần phải gắn liền với lịch sử, với văn hoá và trên hết là tâm huyết của những người sáng lập.

Điểm chung của các thương hiệu vượt thời gian

Thương hiệu tạo ra thiết kế và thiết kế có thể làm nên tên tuổi của thương hiệu. Chỉ cần nhìn lại, không khó để nhận ra điểm chung của các thiết kế kinh điển. Đó là chất lượng của vải thay vì các hoạ tiết rườm rà. Các nhà mốt như Chanel thường sử dụng hất liệu sợi tự nhiên, các loại vải có độ bền và độ sắc nét cao được ưu tiên sử dụng. Đường chỉ khâu được xử lý tinh tế và chuẩn mực, với các đường xếp và thêu được thực hiện hoàn hảo. Họ tin tưởng lựa chọn các gam màu trung tính; có thể dễ dàng mix & match với phụ kiện và trang điểm; và phù hợp với mọi màu da, màu tóc khác nhau. Họ cũng thích làm nổi bật sự đối lập giữa sắc thái đen và trắng thay vì sử dụng các màu sắc đậm và sặc sỡ. Một thương hiệu chỉ có thể trường tồn cùng thời gian khi họ có thể tạo ra những thiết kế đơn giản, thanh lịch, dễ ứng dụng và bền lâu. Bởi sau tất cả, đẹp đơn giản mới là nét đẹp trường tồn!

Thương hiệu thời trang trường tồn

Các thương hiệu nổi tiếng nhất và trường tồn nhất chỉ có thể là những thương hiệu được xây dựng bằng cả tình yêu và trái tim của những người sáng lập. Những gì đại diện cho sự chân thành, trung thực mới luôn bền vững và lâu dài. Dưới đây là những thương hiệu trường tồn cùng thời gian mà STYLE muốn vinh danh trong số này!

Hermès (1837)
Khởi điểm là một công ty chuyên sản xuất yên ngựa nhưng sau 182 năm, Hermès đã dần chuyển mình trở thành một thương hiệu thời trang danh tiếng với di sản đáng ngưỡng mộ. Trong đó, những chiếc túi Hermès Birkin có thể được xem là biểu tượng và niềm khao khát của mọi quý cô. Nhưng chính những chiếc khăn lụa mới là điều làm nên tên tuổi của nhà mốt nước Pháp. Kể từ lần ra mắt đầu tiên vào năm 1937 dựa trên tác phẩm tranh khắc gỗ của Robert Dumas, tính đến nay, đã có hơn 2.000 mẫu khăn lụa được ra đời từ sự hợp tác giữa Hermès với các nghệ sĩ trên thế giới. Con số 25 giây cho một chiếc khăn lụa Hermès được bán ra trên toàn cầu cũng đủ để nói lên sự trường tồn của sản phẩm và nhà mốt này.

Hình ảnh Công nương Grace Kelly và chiếc túi xách Hermes Birkin đã trở thành biểu tượng kinh điển của thời trang.

Levi Straus & Co. (1853)
Ra mắt cách đây 140 năm, những chiếc quần jeans của Levi’s không chỉ là sự “cứu rỗi” cho cả nền thời trang nước Mỹ đương lúc nhàm chán mà còn là tiếng nói đại diện cho giới trẻ, là triết lý của sự đổi mới và đánh dấu thời đại của chủ nghĩa cá nhân, có vai trò thay đổi toàn bộ lịch sử thời trang hiện đại.

Louis Vuitton (1854)
Xuất thân là một thợ chế tác rương đựng quần áo, Louis Vuitton đã cố gắng không ngừng nghỉ để theo đuổi đam mê thời trang của mình. Cuối cùng, ông đã xây dựng được một đế chế thời trang hùng mạnh, với uy tín trên 150 năm. Trong số rất nhiều những thiết kế kinh điển, những chiếc túi xách vẫn mãi là biểu tượng trường tồn của nhà mốt nước Pháp cùng logo phong cách monogram không thể lẫn được của mình.

Lanvin (1889)
Với lịch sử 130 năm, Lanvin không chỉ là “cây đại thụ” của làng thời trang thế giới mà còn là cội nguồn ý tưởng và cảm hứng sáng tạo cho rất nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới. Được biết đến là một trong những thương hiệu có công lớn trong việc đưa thời trang tiệm cận với nghệ thuật, bản sắc đặc thù trong các thiết kế của Lanvin chính là sự sang trọng, lãng mạn và nữ tính tuyệt đối. Cũng chính Lanvin là người viết định nghĩa về sự “nữ tính” và thể hiện sự nữ tính bằng thời trang.

Chanel (1909)
Từ những chiếc đầm Little Black Dress, áo khoác vải tweed, Chanel 2.55 tới những chai nước hoa Chanel Nº 5… thật dễ để kể tên những thiết kế “trường tồn cùng năm tháng” mà Chanel đã mang đến giới mộ điệu. Trải qua 110 năm lịch sử, Chanel giờ đây đã trở thành đế chế thời trang khiến cả thế giới phải khao khát và ngưỡng mộ.

Prada (1913)
Khởi đầu là một cửa hiệu bán đồ da thuộc tại Milan, sau hơn một thế kỷ, Prada giờ đây đã trở thành nhà mốt lâu đời và danh tiếng trên thế giới. Mẫu túi Prada classic, ra đời năm 1985, mang tính thiết thực, mạnh mẽ với những đường nét sang trọng và thủ công tinh tế đã trở thành biểu tượng trường tồn của thương hiệu.

Dior (1946)
Có thể nói, sự nghiệp nghệ thuật của Christian Dior là cột mốc quan trọng đánh dấu một thập niên rực rỡ trong lịch sử Haute Couture nói riêng và di sản nước Pháp nói chung. Với phong cách đậm tính kiến trúc, đề cao chủ nghĩa lãng mạn, sự quyến rũ, nữ quyền và hiện đại, các thiết kế của nhà mốt nước Pháp luôn được đánh giá cao ở sự sáng tạo và là niềm khao khát của mọi phụ nữ trên toàn cầu.

Triển lãm Dior: From Paris to the World (2019)

Gucci (1921)
Những đôi giày loafer có lẽ là thiết kế kinh điển nhất trong kho tàng di sản đồ sộ của nhà mốt đến từ nước Ý. Lấy cảm hứng từ môn thể thao cưỡi ngựa và chỉ dành cho giới thượng lưu, ngay từ khi ra mắt, đôi giày này đã trở thành niềm khao khát của các chính trị gia, doanh nhân và những ngôi sao nổi tiếng trên toàn thế giới.

 

Pocket
Tags:

You Might also Like