Type to search

#Fashion: Từ đường phố đến sàn diễn

Chia sẻ

Chiếc quần jeans bó chặt từng được yêu thích chỉ bởi dân mê nạc rock giờ là một nhân tố chung trong trang phục của các nhà thiết kế thời trang cao cấp. Trang phục hip hop, với gốc rễ là thời trang đường phố, giờ đây đã tự dịch chuyển thành một ngành công nghiệp nhiều tỷ đô la. Văn hóa mạnh mẽ của nghệ thuật đường phố thực sự đã đi thẳng lên sàn catwalk.

Từ “Nàng thơ” mới

Bắt đầu với Bill Cunningham và tiếp nối bằng những blogger thời trang đã, đang và sắp đến, streetstyle là một phần gây nghiện đáng kinh ngạc, tức thời đáng kinh ngạc và lây lan đáng kinh ngạc trong ngành công nghiệp may mặc. Streetstyle nắm bắt được ý tưởng cốt lõi của thời trang hiện tại khi niềm vui của việc trao đổi và sẻ chia trong cách ăn mặc đã trở thành nhu cầu, cùng lúc biến nó thành một thứ mà ai cũng đều có thể dễ dàng trở thành một phần trong đó. Với gốc rễ từ văn hóa của giới trẻ, nhất là trong những thập kỷ gần đây, thời trang đường phố không phân biệt riêng rẽ cho một kiểu phục sức, mà thay vào đó nó bao phủ một loạt những phong cách khác nhau.

Nhiếp ảnh thời trang đường phố Bill Cunningham

Tất cả đều độc đáo với một thực tế rằng chúng được sáng tạo bởi những người trẻ. Chính phong cách này đã bắt đầu gây ảnh hưởng tới các nhà thiết kế của nhiều hãng danh tiếng. Bằng chứng là một phần lớn những thiết kế chúng ta nhìn thấy trên sàn catwalk là sự tái tạo lại của các trang phục đời thường dưới bàn tay nhào nặn thiên tài. Điều này cũng chẳng hề bất ngờ, đặc biệt trong thế giới của sự sáng tạo, nơi những nguồn cảm hứng mới lạ là mạch máu sống của sự sinh tồn.

Từ những chiếc sweater Kenzo

Hãy bắt đầu từ Kenzo, “chú hổ cất tiếng gầm đầu tiên” cho những chiếc áo sweater (áo nỉ chui đầu). Từ phòng tập thể thao hay phòng ngủ mùa Đông, những chiếc sweater bước lên sàn diễn, xuất hiện trên người của giới trẻ và nghiễm nhiên trở thành hiện tượng thời trang của năm 2013. Những chiếc áo nỉ họa tiết hổ của Kenzo đã-từng-không-có-trong-hệ-thống này được bán hết veo trong vòng ba giờ tại các cửa hàng ở Paris. Trên các trang web bán hàng trực tuyến, chiếc áo không chỉ là món đồ bán được click mua nhiều nhất (best-seller) mà còn bán được nhanh nhất (fast-seller). Danh sách khách hàng ghi danh để đợi mua cũng cứ thế dài thêm.

Áo sweater (áo nỉ chui đầu) của Kenzo

Givenchy cũng đã có một sự chuyển biến nâng cấp với những thiết kế áo nỉ được sáng tạo bởi Ricardo Tisci khi cho ra mắt cùng thiết kế in hình Đức Mẹ trong BST đồ nam Xuân-Hè 2013. Vốn nổi tiếng với những hình họa chịu ảnh hưởng tôn giáo trên áo phông nhưng những nét vẽ graVti tái hiện hình ảnh Phục Hưng của Đức Mẹ trên áo nỉ chui đầu thường gắn với hình ảnh “đường phố”, lại thổi một làn gió mới vào hình ảnh của Givenchy. Các mẫu in khác như hình ngôi sao đặc trưng của Tisci, khuôn mặt dữ tợn của chú chó Rottweiler, hay mẫu in hình chú nai Bambi cũng dễ dàng chiếm chỗ trên blog của các fashionista cũng như các website đồng thời tạo ra một sự lan truyền khổng lồ tại các tuần lễ thời trang bấy giờ. Cùng với danh tiếng và uy tín của thương hiệu, những chiếc áo này nhận được sự chào đón nhiệt liệt. Mánh khóe của Givenchy trong trò chơi thời trang đường phố này đó là sản xuất với số lượng hạn chế và giá bán cao tương đương một chiếc váy dạ tiệc (theo cách Givenchy vẫn làm).

Nét vẽ graVti tái hiện hình ảnh Phục Hưng của Đức Mẹ trên áo phông của Givenhy thời Ricardo Tisci

Trong khi đó, Alexander Wang truyền sức sống vào loại trang phục này với sự vừa vặn không chê vào đâu được. Không có gì bất ngờ khi thương hiệu của anh đã đạt được thành công ngay từ những ngày đầu. Hơn thế nữa, Wang không chỉ có sự hiểu biết về những chiếc áo nỉ may cắt chuẩn xác và mềm mại, anh còn tạo ra những chiếc áo phông cơ bản mang lại cảm giác như đồ may đo chuẩn mực. Chất lượng và sự nhất quán của thương hiệu Alexander Wang đã xác định sự khác biệt giữa nó và phần còn lại của các nhãn hiệu thời trang đường phố.

Đôi wedged sneakers của Isabel Marant

Bên cạnh trang phục phổ thông, thời trang đường phố còn nhấn mạnh vào những đôi giày sneakers. Mặc dù thời trang cao cấp thường đồng nghĩa với cấp tiến, kiểu gót nhọn, và không thoải mái, tên của các nhà mốt nổi tiếng cũng đóng trên những đôi giày đậm chất đường phố này. Isabel Marant vẫn bám lấy gốc rễ bản chất thương hiệu và đưa chúng vào những đôi wedged sneakers phong cách mà vẫn thoải mái dành cho đám đông. Giày sneakers bỗng chốc được các tín đồ thời trang cũng như các ngôi sao ôm ấp và từ từ ngấm vào tủ quần áo của giới sành điệu. Những đôi giày này có thể phi quy tắc trong thiết kế và màu sắc, nhưng tên tuổi của Isabel Marant đã trao cho nó sự tự do không trùng lặp với những gì các thương hiệu đường phố khác đang làm.

Tới toàn cầu hóa streetstyle

Không chỉ riêng uy tín của các thương hiệu đã mở đường cho phong cách đường phố phát triển, chính sự phổ biến của nó lên những người nổi tiếng cũng góp phần không nhỏ. Lấy ví dụ như khi biểu tượng thời trang người Nga Miroslava Duma diện một chiếc áo nỉ Balenciaga tới dự tuần lễ thời trang Xuân Hè 2013 tại London, khi Eva Mendes mặc chiếc áo phông Rottweiler của Givenchy trên bìa tạp chí Glamour Paris, hay như khi siêu mẫu Joan Smalls tiến ra phố với đôi wedged sneakers Isabel Marant của mình, tất cả những món đồ này đã trở nên hơn cả đáng thèm muốn.

Áo phông của Kenzo

Mặc dù sự độc quyền là điểm cốt yếu trong chính sách bán hàng của thời trang cao cấp, một số thương hiệu nhận ra nhu cầu chung của cả cộng đồng cho những mặt hàng có tên tuổi và thiết kế tốt. Nhằm mở rộng hơn đối tượng khách hàng, ngoài yếu tố địa điểm và giá cả đều phải thật khôn ngoan, các hãng thời trang cao cấp còn tiến đến hợp tác để tạo ra những sản phẩm độc quyền với mức giá dễ chấp nhận hơn.

Một số sự hợp tác đáng chú ý gồm có Topshop với Mary Katrantzou, Target với Proenza Schouler, và H&M với Commes des Garcons, H&M với Karl Lagerfeld … Những bộ sưu tập thế này luôn trong tình trạng cháy hàng khi các tín đồ shopping luôn sẵn sàng cắm trại xếp hàng đợi mua. Sự hợp tác với những thương hiệu bình dân đồng thời cũng mang đến cái nhìn rõ nét và đại chúng hơn cho những tên tuổi vốn chỉ quen thuộc với những người sành sỏi thời trang. Tuy nhiên, từ đây cũng nảy sinh các cuộc tranh luận giữa những tín đồ trung thành của hàng hiệu. Có phải là một điều tốt khi các nhãn hiệu cao cấp bán được nhiều sản phẩm với giá dễ chấp nhận hơn cho tất cả mọi người hay cuối cùng họ đang hòa tan thương hiệu của chính mình?

Topshop hợp tác với Mary Katrantzou

Streetstyle giờ đây không chỉ tồn tại qua một số sự hợp tác giữa các nhà mốt danh giá với những thương hiệu bình dân. Streetstyle đã đi sâu hơn nữa vào thời trang cao cấp qua hai sự kiện quan trọng khi Givenchy bổ nhiệm NTK streetwear Matthew Williams làm Giám đốc sáng tạo cho cả thời trang nam và nữ, hay Louis Vuitton bổ nhiệm Virgil Abloh giữ vị trí Giám đốc nghệ thuật thời trang nam – tất nhiên Virgil Abloh cũng là một NTK streetwear.

Dẫu rằng vẫn còn nhiều tranh cãi và hoài nghi với sự toàn cầu hóa của thời trang cũng như trào lưu streetstyle nhưng suy cho cùng, streetstyle không chỉ là một hiện tượng bề nổi. Nó là phần chóp hiện hữu của điều gì đó lớn lao hơn rất nhiều. Nó đúng hơn là một câu hỏi về bối cảnh. Và khi thời trang cao cấp bám lấy hình ảnh ẩn dụ của chiếc khung mạ vàng xung quanh một chiếc jacket da, một chiếc áo choàng Hippy, một đôi giày tập, hay một chiếc áo nỉ chui đầu, thì nó đã chuyển hóa biểu tượng của sự đồng nhất về văn hóa thành một thứ mà bất cứ ai có đủ tiền đều có thể mua được và trưng ra với niềm hãnh diện.

Đoàn Trang/STYLE Magazine

Pocket
Tags:

You Might also Like