Type to search

Du lịch Phong cách sống

Du lịch: Tiếng gọi của nữ quyền

Chia sẻ

Khi Amelia Earhart quyết định trở thành nữ phi công đầu tiên trên thế giới bay một mình vượt qua Đại Tây Dương, có lẽ bà không biết rằng hành trình của bà đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ đấu tranh đòi bình quyền. Phụ nữ, cũng giống như nam giới, xứng đáng được tự do khám phá những vùng đất mới, theo mọi cách!

Trước khi bắt đầu bài viết, tôi nghĩ rằng mỗi người phụ nữ trong chúng ta nên gửi một lời cảm ơn sâu sắc tới những người phụ nữ đã giúp chúng ta có thể đi du lịch dễ dàng như hiện nay. Tất nhiên, tôi đang không nói đến các đại lý, nhân viên sân bay, hay các nữ tác giả của những cuốn sách cẩm nang du lịch dù họ cũng xứng đáng nhận được sự tôn trọng. Tôi đang nhắc đến những người phụ nữ đã tham gia vào các phong trào đấu tranh đòi quyền tự do đi lại cho phụ nữ chúng ta trong thế kỷ 19 và 20. Bằng các cuộc phiêu lưu và các tác phẩm của họ, những người phụ nữ này đã chứng minh rằng du lịch và khám phá không chỉ là đặc quyền dành riêng cho nam giới. Phụ nữ, nên có nhiều lựa chọn hơn thay vì một cuộc sống thuần túy xoay quanh nhà bếp và bốn bức tường.

Trong cuốn Feminism and the Politics of Travel after the Enlightenment, xuất bản năm 2012, tác giả Yaël Schlick từng nhận xét: Vào những năm 1870, nhu cầu tự nhiên và vai trò của phụ nữ là những vấn đề được tranh cãi gay gắt trong xã hội Pháp. Vào thời điểm đó, khi cả xã hội mặc định vai trò của phụ nữ là nội trợ, một số nhà nữ quyền như Mary Wollstonecraft, Germaine de Staël, Flora Tristan, Suzanne Voilquin, và George Sand đã đứng lên và thách thức cả xã hội. Họ muốn đòi quyền tự do đi lại cho phụ nữ. Họ cũng hiểu rằng du lịch giúp họ được giải phóng và tiếp cận dễ dàng hơn với cộng đồng.

Du lịch là đặc quyền của mỗi người

Từ thời xa xưa, con người đã không ngừng nuôi dưỡng khát vọng khám phá và chinh phục những vùng đất mới. Hàng ngàn cuộc viễn chinh đã được thực hiện để thỏa mãn ước muốn đó. Tất nhiên, phóng tàu vũ trụ vào không gian hay đưa người lên Mặt trăng cũng không nằm ngoài khát vọng này. Tuy nhiên, điểm lại lịch sử, thật khó để bạn tìm thấy bóng dáng của một nữ nhà thám hiểm nào trong danh sách những nhà thám hiểm vĩ đại nhất thế giới. Phụ nữ, vì một lý do nào đó, thường bị xem là những con người yếu đuối. Nói đơn giản, phụ nữ bị mặc định là không thể tự du lịch một mình và luôn cần sự che chở của nam giới.

Với những người phụ nữ tài năng, họ không chấp nhận điều đó. Họ muốn chứng minh rằng tất cả những gì nam giới làm được thì phụ nữ cũng có thể làm được và thậm chí làm tốt hơn. Du lịch, thám hiểm chỉ là một trong số những việc như thế. Nó không phải và cũng không nên là đặc quyền dành riêng cho nam giới.

Isabella Lucy Bird được xem là một trong những nữ nhà thám hiểm nổi tiếng nhất. Bà đã đặt chân đến khắp các châu lục, tìm kiếm và khám phá những địa điểm hoang sơ nhất chưa từng được khám phá. Hay đội trưởng đội tuyển khúc côn cầu nữ của Mỹ, Ella Maillart, là người đã dành nhiều năm để ghé thăm các nước trên thế giới (từ Tây Tạng tới Afghanistan) và đã chụp lại rất nhiều bức ảnh có giá trị như một chứng tích lịch sử. Nữ phi công Amelia Earhart quyết định trở thành nữ phi công đầu tiên trên thế giới bay một mình vượt qua Đại Tây Dương… Họ chỉ là một vài trong số rất nhiều những nữ nhà thám hiểm đã truyền cảm hứng và mở ra thời kỳ mới cho những người phụ nữ đam mê dịch chuyển.

Trong ngành công nghiệp du lịch hiện nay, phụ nữ được xem là nhân tố quan trọng nhất. Theo thống kê, 70% người tiêu dùng du lịch là phụ nữ. Phụ nữ cũng chiếm 85% các quyết định mua sắm trong các chuyến đi. Chính phụ nữ chứ không phải nam giới mới đang là những người đóng góp chủ yếu cho ngành công nghiệp trị giá hàng tỉ đô la.

Du lịch: Tiếng gọi của nữ quyền

Hiểu đơn giản, chủ nghĩa nữ quyền hướng mục đích kêu gọi quyền bình đẳng giữa các giới, kể cả đó là nam giới, nữ giới hay người lưỡng tính… Trong khi đó, du lịch, phần nào đó, dạy chúng ta về sự tôn trọng và khoan dung với người khác. Du lịch, vì thế, là liều thuốc giải cho sự khác biệt, là tiếng gọi đanh theo nhất của nữ quyền!

Khi bạn đến một vùng đất mới, gặp gỡ những người xa lạ thuộc các dân tộc khác nhau, các quốc gia khác nhau, họ nói ngôn ngữ khác và thói quen của họ cũng khác. Và rồi đột nhiên bạn nhận ra rằng bạn và họ thực sự khác biệt. Nhưng điểm chung đó là chúng ta đều là con người. Chúng ta đa dạng, những trải nghiệm của chúng ta không giống nhau, nhưng chúng ta cùng giống loài và chúng ta bình đẳng. Là một khách du lịch, bạn có thể nhìn vào văn hóa khác biệt của ai đó và so sánh nó với cá nhân họ. Bằng cách đó, bạn đang củng cố niềm tin là chúng ta giống nhau dù chúng ta khác nhau.

Du lịch góp phần tích cực vào việc phá vỡ rào cản giữa con người với nhau. Cũng tương tự như chủ nghĩa nữ quyền là cần thiết để xóa bỏ những ràng buộc về giới tính. Nếu tất cả chúng ta đều chấp nhận sống an toàn trong chiếc vỏ kén của chính mình và không chia sẻ ý kiến của chúng ta, hãy thử tưởng tượng xem thế giới nhỏ bé mà chúng ta biết hiện nay sẽ như thế nào?

Trẻ em đi du lịch nhiều hơn sẽ trở nên khoan dung và hòa đồng hơn với những người khác. Thời thơ ấu của chúng ta thường bó hẹp trong một thế giới nhỏ bị giới hạn bởi trường lớp và sân chơi. Du lịch giúp thế giới của chúng ta mở rộng. Trẻ em sẽ được gặp gỡ và tiếp xúc với những người khác, những văn hóa khác. Và hy vọng những điều đó sẽ giúp chúng hình thành sự tôn trọng và bình đẳng giữa con người với nhau.

Trong quá khứ, các nhà nữ quyền tiên phong đã dũng cảm và mạnh mẽ đứng lên và đòi quyền tự do đi lại cho phụ nữ mà không cần sự che chở của nam giới. Kết quả là hiện nay, phụ nữ có thể tự do khám phá những vùng đất mà họ yêu thích. Thậm chí, rất nhiều người thích du lịch một mình để tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ hơn. Mặc dù các vấn đề như chính trị, tôn giáo và văn hóa vẫn đang tác động lớn tới phụ nữ nhưng du lịch đã, đang, và sẽ là đại diện tiêu biểu để thể hiện cho tiếng nói của nữ quyền.

Style Magazine

Pocket
Tags:

You Might also Like