Type to search

Sách hay về nữ quyền lay động trái tim của tất cả chúng ta

Chia sẻ

“Chiến đấu cho nữ quyền không có nghĩa là tôi phải đốt những chiếc áo ngực hay ghét bỏ đàn ông mà đó là đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ” – Gal Gadot

Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại, chủ nghĩa nữ quyền lại phát triển mạnh mẽ như những năm gần đây. Với sự nổi lên của các phong trào như #MeToo và #TimeUp để đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ đã kéo theo những tác động của nó tới các lĩnh vực cuộc sống. Và sách là một trong số đó!

Dưới đây là 7 cuốn sách hay về nữ quyền đã truyền cảm hứng cho những người phụ nữ, khuyến khích họ tạo lập và tôn trọng những đam mê, tranh đấu vì quyền sống và được hạnh phúc của chính mình.

Phụ Nữ Hiện Đại Viết Lại Luật Thành Công

Cuốn sách trang bị cho phụ nữ hiện đại những kỹ năng hiệu quả nhất về nắm bắt cơ hội, chuyển đổi nghề nghiệp, phương pháp đàm phán, lãnh đạo nhóm, khởi nghiệp, quản lý công việc và gia đình, đồng thời giúp thay đổi cuộc sống tốt hơn vì quyền lợi của phụ nữ.

Tác giả mong muốn truyền cảm hứng cho những người phụ nữ nhằm định nghĩa lại khái niệm thành công phù hợp với mỗi người và khuyến khích họ tạo lập một cuộc sống tôn trọng những đam mê và ưu tiên riêng theo cách chỉ họ mới có thể làm.

Tôi Là Malala

Cuốn tự truyện ấn tượng và xúc động, về tinh thần nữ quyền mạnh mẽ, về cuộc đấu tranh cho quyền được giáo dục không ngừng nghỉ của một cô gái trẻ. Malala – Biểu tượng hòa bình lay động trái tim của tất cả chúng ta.

Malala Yousafzai mới mười tuổi khi Taliban chiếm quyền kiểm soát vùng quê cô. Chúng nói âm nhạc là một tội lỗi. Chúng nói phụ nữ không được phép ra chợ. Chúng nói con gái không được đến trường. Lớn lên ở một vùng đất từng có thời yên bình của Pakistan nay bị chủ nghĩa khủng bố làm thay đổi, Malala được dạy đứng lên đấu tranh vì những điều mình tin tưởng. Vậy nên cô đấu tranh cho quyền được học hành của mình. Và ngày 9 tháng 10 năm 2012, cô đã suýt mất mạng vì lí tưởng: Cô bị bắn ở cự li cực gần trên chuyến xe buýt từ trường về nhà.

Không ai nghĩ rằng cô sẽ sống sót. Ngày nay cô là một biểu tượng quốc tế cho sự phản kháng một cách hòa bình và là người trẻ tuổi nhất từng đạt giải Nobel Hòa bình.

Trong ấn bản dành cho thiếu niên này của cuốn hồi kí bán chạy nhất của cô, cùng với những bức ảnh và tư liệu độc quyền, chúng ta được nghe trực tiếp câu chuyện phi thường về một cô gái đã biết rằng mình muốn thay đổi thế giới từ khi còn nhỏ và cô đã làm được.

Câu chuyện có tác động mạnh của Malala sẽ mở ra trước mắt bạn một thế giới khác và sẽ làm bạn tin vào hi vọng, sự thật, phép màu cũng như khả năng rằng một người – một con người trẻ tuổi – có thể truyền cảm hứng tạo ra thay đổi trong cộng đồng mình sống và xa hơn thế nữa.

Người Tình

Người Tình là một tiểu thuyết dạng hồi ký của nữ nhà văn Pháp Marguerite Duras. Từ cuộc đời thơ ấu của mình, bà tái hiện lại bối cảnh đầy bi kịch của người Pháp trên đất thuộc địa Đông Dương một thuở.… là một cô gái đẹp, có một sức sống cuồng nhiệt tỏa ra từ sức quyến rũ lạ kỳ. Theo cha sang tham chiến ở Việt Nam với những giấc mộng xa hoa, cả gia đình cô đã sớm mang nỗi thất vọng câm lặng. Nỗi thất vọng đó trở thành vũng lầy khi cha cô chết và người mẹ đau khổ của cô trở nên điên loạn trong mọi cư xử thường nhật, cũng như trong nỗ lực bám trụ vùng thuộc địa. Cuộc sống gia đình là một địa ngục, nơi cô thậm chí không dám vùng vẫy thoát ra vì biết nếu những người thân còn hơi thở, thì sự khốn khổ của họ còn phả phất khôn nguôi trong tâm trí của cô.

Đối diện với cái chết, đói khát, tuyệt vọng, những linh hồn bị đọa đày, bệnh hoạn, cô gái trẻ 15 tuổi rưỡi đã ngột thở trong nỗi đau đầy ám ảnh. Một trí tuệ hơn người càng khiến cho sự ám ảnh đó bóp chặt trái tim non trẻ, đưa cô đến những tâm tưởng vượt qua thời thiếu nữ, những suy nghĩ khinh nạm trong bất lực, những mơ ước bị chôn vùi. Và khi gặp người đàn ông gốc Hoa trên bến phà Cửu Long đó, cô tức khắc hiểu được con đường duy nhất giải thoát linh hồn bằng bản năng thơ dại. Đó là một người tình. Tất cả chuyện yêu đương của họ nằm trong vòng tình dục. Tình dục lôi họ ra khỏi nỗi đau thực tại, xóa bỏ tất cả sợ hãi, khơi dậy mọi mặc cảm để rồi nhấn chìm nó trong niềm kiêu hãnh của thể xác…Cuộc tình đó có số phận hòa lẫn vào số phận cô gái trẻ. Và cũng như cái thực tại mong manh, vô vọng, cuộc tình của họ đã biết một ngày mai không hứa hẹn. Vết thương chia ly đó hàng chục năm sau cũng không lành. Người tình là tột cùng đau khổ của những số phận trong tác phẩm, nhưng cũng chính là chấm điểm hạnh phúc nhỏ nhoi duy nhất mà, bám vào đó, họ biết mình còn tồn tại.

Bảo Tàng Ngây Thơ

Mùa xuân tuyệt đẹp năm 1975. Xã hội trưởng giả Âu hóa Istanbul háo hức với lễ đính hôn của Kemal và Sibel dòng dõi thế gia. Nhưng cuộc tái ngộ tình cờ cùng cô em họ xa nghèo, xinh đẹp Fusun dường như đã dứt lìa Kemal khỏi thế giới anh đang thuộc về. Suốt 8 năm đeo đuổi Fusun, Kemal miệt mài sưu tập các đồ vật níu giữ thời gian, lập nên Bảo tàng thơ ngây như một biên niên sử tin cậy về Fusun – tình yêu sầu muộn của anh. Ở đó, Kemal đắm đuối trong quá khứ đau đớn khôn nguôi, hạnh phúc tột cùng, giữa các hiện vật thấm đẫm hoài niệm, lùi sâu vào một Istanbul đa dạng bản sắc và biến động trong dòng lịch sử dần xuôi chảy đến phương Tây…

Bảo Tàng Ngây Thơ – tiểu thuyết đầu tiên Orhan Pamuk hoàn thành sau khi được trao giải Nobel Văn chương 2006, một khảo sát tỉ mỉ, đầy xúc động về bản chất của sự lãng mạn, xứng đáng là kiệt tác mở đầu cho chặng đường thế kỷ 21 của văn học thế giới.

Nàng Anna Xanh Xao

Nàng Anna xanh xao và những truyện ngắn trong tập được Heinrich Böll viết sau Thế chiến II, rất có thể là trên chiếc bàn gỗ rệu rã đã qua dăm đời chủ, chiều cao 78,5 cm, mặt bàn dọc 111 cm, ngang 69,5 cm, bị đạn pháo đục thủng, và bằng chiếc máy đánh chữ Remington cổ lỗ sĩ.

Heinrich Böll đã không miêu tả trực tiếp chiến tranh, mà chậm rãi quét ống kính qua các mảnh hiện thực rạn vỡ của nước Đức hậu chiến. Suốt tập truyện thấp thoáng nhân dáng những người lính hồi hương, đã thấy, ngửi, chạm vào cái chết ở chiến trường, tê dại nhìn mảnh máng xối bám chênh vênh trên góc mái ngôi nhà cũ; phảng phất tiếc nuối về ký ức sống yên bình, với một người con gái, hay bên dòng Rhein tăm tối u buồn vẳng tiếng còi báo mù sương; và đây đó là những tâm thế hoang mang trước sự suy đồi của con người trong cuộc mưu sinh…

Tập truyện như nét phác khởi đầu “dòng văn học hoang tàn”, nơi chủ đề tính vô nghĩa của chiến tranh sẽ xuyên suốt toàn bộ sáng tác của Heinrich Böll về sau, gợi nỗi khắc khoải, trầm tư sâu lắng về bản chất con người.

Cánh Cửa – Szabó Magda

Khép kín cực độ, hành vi dị thường, Szeredás Emerenc, người đàn bà kiếm sống nhờ quét dọn, nấu nướng, quản gia, bằng cách nào đó đã bước vào cuộc đời của nữ nhà văn Szabó Magda trong một vai kỳ lạ.

Tình bạn của hai tính cách khó tương đồng ấy cứ nghiêng ngả giữa đôi bờ thương yêu sùng kính, bực tức lồng lộn, đôi khi còn căm hận. Phải chăng là bởi Emerenc vẫn luôn đặt giữa họ, hoặc giữa bà với thế giới con người, một cánh cửa đóng chặt? Và khi cánh cửa đó hé lộ thoáng nhìn vào quá khứ thương tổn, soi thấu tâm hồn và số phận một con người giữa những trang sử bi thương của Hungary, nỗi day dứt lại càng trở nên ám ảnh.

Cánh cửa, tiểu thuyết có sức ám ảnh lớn nhất của Szabó Magda, đã được dịch ra gần bốn mươi thứ tiếng, cũng là một trong những tác phẩm được nhiều thế hệ người đọc Hungary say mê, là niềm tự hào của văn học đương đại Hungary.

“Tài liệu quý giá về một mối quan hệ sống.” – (Guardian)

Ba Phụ Nữ Can Đảm

Ba câu chuyện về trực diện đương đầu với cuộc đời này được viết ra không để tạo tâm trạng dễ chịu cho độc giả, vì cứ qua mỗi trang kế tiếp, sự cay nghiệt và tàn độc của cõi đời lại tăng thêm một mức nữa. Các hình dung ban đầu của độc giả còn kém xa những gì diễn tiến của hư cấu bày ra.

Cuộc đời những người phụ nữ châu Phi có chút dính dáng với phương Tây, không bao giờ mang màu hồng, nhưng phải có cái nhìn thấu suốt, “từ bên trong”. Như tác giả ba câu chuyện trong cuốn sách này thì toàn bộ sự thảm khốc mới được lột tả đầy đủ và cùng lúc là sức sống mãnh liệt của con người bị đẩy tới đường cùng. Cái nhìn ấy và sức mạnh ngôn từ đặc biệt ấy, Marie Ndiaye sở hữu với một dung lượng lớn đến kinh ngạc.

Nguồn: Tổng hợp / Ảnh: Pinterest

Pocket
Tags:

You Might also Like