Type to search

Cùng Style khám phá cửa hàng bán ô lâu đời nhất London, James Smith & Sons

Chia sẻ

Thương hiệu James Smith & Sons ở London được thành lập vào năm 1830 và đã bán những chiếc ô sang trọng trên mặt tiền của phố New Oxford Street từ năm 1857.

Hàng triệu người đã đi qua mặt tiền của James Smith & Sons mỗi ngày, tò mò nhìn vào các cửa sổ ốp gỗ với những chiếc ô và hầu hết mọi kiểu mẫu mà ta có thể hình dung được. Một số người khác thì quyết định bước qua những cánh cửa chắc nịch, bị hấp dẫn bởi phía trong cửa hàng, nơi có những tủ bày hàng phân loại giống như bảo tàng bày bán những món đồ thủ công. Ngay cả những người tài xế lái chiếc xe taxi màu đen nổi tiếng của London khi thi phần thi Kiến thức để lấy bằng lái xe cũng hiểu rằng họ sẽ phải biết rõ cửa hàng này nằm ở đâu trên bản đồ. 

Những điều trên không có gì đáng ngạc nhiên cả khi bạn biết cửa hàng mang tính biểu tượng nằm trên phố New Oxford này đã chứng kiến cả ​​hai cuộc chiến tranh thế giới cũng như tận mắt chứng kiến dân cư bùng nổ ở trung tâm London trong khi chính bản thân cửa hàng thì phần lớn vẫn không thay đổi so với thiết kế ban đầu vào năm 1857.

Năm 1830, Mr Smith thành lập công ty nổi tiếng hiện nay của James Smith and Sons (Umbrellas) tại Foubert’s Place, ngay gần Phố Regent ở London’s West End. Ô dù được làm trong một xưởng nhỏ ở phía sau cửa hàng và sau đó bán cho khách hàng ở phía trước.

Ẩn mình giữa trung tâm London, cửa hàng chuyên bán ô giờ đây được coi như một di tích hưng thịnh của ngành thương mại và nghề thủ công thời Victoria – phần lớn là do gia đình không nghĩ rằng cửa hàng này sẽ tồn tại lâu đến thế và do đó đã từ chối đầu tư vào việc cải tạo. Toàn bộ bầu không khí của cửa hàng dường như bước thẳng ra từ các trang tiểu thuyết của Dickens, hoàn chỉnh với cả phong tục lịch sự mà mọi người trong cửa hàng vẫn được gọi bằng họ của mình chứ không phải tên riêng như những quý ông thực sự. Một xưởng ở tầng dưới vẫn hoạt động, sản xuất những chiếc ô làm bằng tay mà thương hiệu đã tạo ra đầy tiên phong để từ đó đã tạo dựng được danh tiếng nổi tiếng thế giới. Trong khi đó ở tầng trên, các dấu hiệu của những chuyến du hành quanh địa cầu của nhà Smith trang trí nửa trên của các bức tường – gạc hươu vùng Tasmania, tác phẩm điêu khắc từ tre của đảo Sumatra và cả những món trang sức từ Borneo khiến không gian trở nên lộn xộn một cách vui mắt. 

Từ nhiều góc nhìn, nhà sản xuất ô James Smith & Sons như thuộc về quá khứ, đối nghịch với những mặt tiền cửa hàng hiện đại và những chiếc ô tô đi ngang qua chính nó.

Gần một thập kỷ trước khi Nữ hoàng Victoria lên ngôi, thị trường ô dù ở London đã bùng nổ (đó là giải pháp duy nhất cho thời tiết đầy mưa gió rất riêng của nước Anh) và James Smith đã thành lập cửa hàng ở khu Fouberts Place, London, ngày nay nằm sau khu Liberty. Con trai của người sáng lập nhanh chóng tiếp quản và chuyển cửa hàng đến gần Savile Row, nơi nó phục vụ cho những tên tuổi lừng lẫy như cựu bộ trưởng tài chính của Anh quốc từ thế kỷ 19, ngài  Gladstone, cựu thủ tướng vương quốc Anh Bonar Law trong thập niên 1920 và George Curzon, Hầu tước Curzon thứ nhất của Kedleston, cựu toàn quyền Ấn Độ. Vào thời kỳ đó, khoảng năm 1857, cửa hàng chật hẹp đến mức để mở một chiếc ô ra thì khách hàng phải đi ra ngoài. Khi cửa hàng ở Saville Place bị phá bỏ để nhường chỗ cho một con đường mới, một cửa hàng khác đã được mở ở Phố Burlington, gần Piccadilly Circus. Sau đó thương hiệu đã định cư trên phố New Oxford vào năm 1857 như một phần trong kế hoạch của chính phủ nhằm tái tạo khu vực này để thúc đẩy thương mại.

Gia đình Smith sống ở tầng trên của tòa nhà, trong khi cửa hàng – một cửa hàng sữa trước đây (khu vực này trước đây được biết đến với các tiệm sữa và tiệm bánh) – bán ô qua cửa sổ mở ra cho khách hàng trên phố ghé vào. Bên dưới sàn cửa hàng là một xưởng vẫn đang âm thầm sản xuất trục gỗ và khung kim loại, với gần 20 nhân viên ở nhiều độ tuổi khác nhau. Ngoài ra còn có một cánh cửa mở ra một vòm nằm bên dưới mặt đường, vọng lại tiếng bước chân và tiếng trò chuyện của những người qua đường. Ngày nay, các bức tường của cửa hàng được treo kín một cách ngẫu hứng đầy độc đáo những bức ảnh có liên quan đến ô dù được đóng vào khung.

Phil đã phụ trách cửa hàng ở Trung tâm London được bảy năm và nhận thức rõ về danh tiếng gây tò mò của cửa hàng. “Nhiều người cho rằng cửa hàng đũa thần Ollivander trong phim Harry Potter đã được xây dựng trên mô hình cửa hàng này”, anh nói trước khi thêm vào một cách bí ẩn “ít nhất đó là những gì tôi đã nghe thấy.”

Có thể đối với nhiều bạn đọc của Style, một chiếc ô hầu như không phải là một món đồ thiết kế xa xỉ. Nhiều người hoàn toàn không sử dụng ô, chứ chưa nói đến việc mua một chiếc ô sang trọng, vậy James Smith thu hút khách hàng bằng cách nào?

Phil giải thích: “Chúng tôi sản xuất nhiều loại ô để phù hợp với mọi người, từ những loại ô có giá cạnh tranh đến tầm trung và sau đó là ô làm bằng tay có thể đắt hơn.”

Ông Harvey Smith thế hệ thứ năm của gia đình hiện đang điều hành doanh nghiệp cho biết: “Chúng tôi luôn được biết đến như một tiệm ô dành cho quý ông. “Phải đến khoảng 50 năm trước, chúng tôi mới bắt đầu phục vụ cho các quý cô”. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Harvey đã giới thiệu nhiều hơn những chiếc ô dành cho phụ nữ – hiện có một loạt các kiểu dáng hiện đại, từ những chiếc ô hàng ngày có thể gấp gọn, đến những chiếc ô độc lạ được chế tác từ da đà điểu và da rắn. Khi ông Smith đầu tiên thành lập doanh nghiệp, gậy chống là một phụ kiện thiết yếu của quý ông và ô dù vốn dĩ lớn hơn và nặng hơn đáng kể, bởi chúng có cấu tạo làm từ xương cá voi và đồng thau. Những mẫu ô nặng đó hầu như chỉ được xách bởi người đánh xe và người gác cửa hay những người phục vụ. Jonas Hanway, tín đồ thời trang của thế kỷ 18, đã gây náo động khi ông là người London đầu tiên tự mình mang ô – một đám đông đã ngăn cản ông vì họ cho rằng điều này sẽ khiến họ thất nghiệp. 

Như bạn có thể biết, rất nhiều công sức cần có để tạo ra một chiếc ô xa xỉ được làm thủ công và điều này thể hiện qua giá cả. Nhiều chiếc ô được bán trong cửa hàng với giá hàng trăm bảng Anh, với một số ít được chọn lọc làm từ gỗ quý hiếm và có thể có giá lên tới hàng nghìn bảng Anh.

Phil cho biết mọi chiếc ô được sản xuất trong cửa hàng đều được đánh giá dựa trên ba chỉ số quan trọng. Anh nói: “Đồ thủ công đều được làm tại xưởng trong tòa nhà. Một người dùng ô lâu năm luôn nói rằng bạn có thể phát hiện ra một chiếc ô tốt bằng cách nó được làm cẩn thận như thế nào, các bộ phận cấu thành ra sao và cảm giác khi bạn cầm và sử dụng chiếc ô đó.”

Hầu hết mọi mẫu ô có thể tưởng tượng được đều có tại thương hiệu James Smith & Sons. Từ những chiếc có cán tạo hình từ đầu động vật kỳ quặc, đến những chiếc có cổ bằng ngà voi và ‘chiếc ô đồng quê’ dài đáng kể có tay cầm bằng gỗ thô mộc mạc. Ông Harvey nói: “Chúng tôi được biết đến với mẫu nổi tiếng nhất, đó là chiếc ô London: một chiếc ô mỏng màu đen có cán cong như gậy chống.” Phong cách này trở thành mốt trong những năm 1870, phổ biến trên các đường phố thành thị cho đến cuối những năm 1950. Kể từ đó, nhu cầu về các phong cách nhiều màu sắc hơn – đặc biệt là ở phụ nữ dần xuất hiện. Ông Harvey chỉ ra rằng chiếc ô PVC trong suốt của Nữ hoàng, thường được hoàn thiện với màu sắc phù hợp với trang phục đơn điệu của bà, được thiết kế bởi Mary Quant – đồng thời cho phép bà nhìn thấy mọi người và mọi người đều nhìn thấy bà.

Tại trung tâm của những bộ sưu tập ô, bên cạnh một tủ kính lớn, bạn có thể gặp Phil Naisbitt, người quản lý hiện tại của cửa hàng.

Việc duy trì một chiếc ô cũng cần rất nhiều sự quan tâm. Nó phải luôn được cuộn để các cánh tà không bị kẹt; nếu bạn mang nó trên cánh tay của mình, hãy hướng nó ra xa bạn để bạn không bị ướt chân và luôn giữ nó trước gió. Phil cũng cho biết rằng ý tưởng rằng thói quen mê tín rằng việc mở ô trong nhà gây ra xui xẻo là một huyền thoại không đáng tin do một người bán ô dù phát minh ra. Hóa ra, cách tốt nhất để làm khô ô là để ô thoáng trong nhà. Khi bị ướt và đóng lại, ô rất dễ bj ẩm mốc và có thể hỏng. Mặc dù vậy, một chiếc móng ngựa lớn trang trí trần nhà của James Smith & Sons như một bùa chú may mắn để đề phòng  những người khách mở ô trong nhà. Theo lời của Phil, “Chúng tôi cũng đã tồn tại được một thời gian, vì vậy có lẽ cũng không thể xui xẻo đến như vậy.”

Pocket
Tags:

You Might also Like