Type to search

Chia sẻ

Để nuôi dạy một đứa trẻ phát triển cả về thể chất lẫn tâm hồn vốn là hành trình không hề đơn giản. Các bậc cha mẹ thường quá lo lắng từ đánh giá từ những người xung quanh đã vô tình tạo nên những áp lực cho trẻ. Điều này cùng khiến cha mẹ không còn cảm thấy hạnh phúc trong hành trình nuôi dạy con của chính mình.

Hãy thôi áp đặt những suy nghĩ cũ kỹ và thật sự nghĩ cho tương lai của con” chính là lời cảnh báo mà tác giả Eiko Tajima chia sẻ trong cuốn sách “36 thói quen cần tránh để trẻ thực sự trưởng thành”. Khác với các phương pháp giáo dục trẻ từ trước đến giờ mà chúng ta vẫn thường thấy, những chia sẻ của tác giả được đánh giá là có phần khác biệt khi bắt đầu bằng việc nhìn nhận một đứa trẻ trưởng thành như thế nào thì được xem là người có ích. Từ đó, đưa ra những thói quen không nên được hình thành ngay từ khi con còn nhỏ.

Dưới đây là 3 thói quen thường thấy làm ảnh hưởng đến hạnh phúc và thành công trong tương lai của trẻ mà bố mẹ Việt vô tình tạo ra.

Không sẵn sàng để trẻ tự chịu trách nhiệm với hành động của mình

Trẻ con thường chỉ bắt đầu suy nghĩ và hành động khi bị cha mẹ đốc thúc thay vì chủ động hoàn thành công việc, như phụ cha mẹ dọn dẹp nhà cửa, tự giác làm bài tập, đi tắm, đánh răng,…. Cha mẹ nhiều khi cho rằng việc mình thường xuyên nhắc nhở con âu cũng là bình thường bởi con còn nhỏ. Thậm chí, một số phụ huynh quá bận rộn để nhắc nhở nên đã làm luôn thay phần việc của con.

Tác giả Eiko Tajima đã lý giải hành vi đó ở trẻ như sau: “Khi cha mẹ đốc thúc con và con làm theo lời cha mẹ, chúng ta tưởng như cha mẹ đang ở thế mạnh hơn, nhưng thực tế không phải vậy. Chính đứa trẻ đang “sử dụng” cha mẹ. Cha mẹ đang trở thành lý do cho hành động của con. Khi trẻ lựa chọn việc để cha mẹ nhắc nhở là trẻ đang chọn không tự mình tiến lên phía trước. Và khi kết quả không tốt, trẻ sẽ biện minh là do cha mẹ bắt làm, nghĩa là trẻ không chịu trách nhiệm cho hành động của mình”.

Chính vì vậy, thay vì đốc thúc hay nhắc nhở con, cha mẹ hãy để con tự quyết định và tự giác làm. Dù thất bại thì con cũng phải tự chịu trách nhiệm. Hãy giải thích cho con biết mỗi người phải tự mình chịu trách nhiệm cho mỗi hành động hay việc làm của bản thân. Con sẽ chẳng thể lớn nếu luôn được bố mẹ bảo bọc. Theo thời gian, thói quen dựa dẫm và ỷ lại được hình thành thì tương lai làm sao trẻ có thể có được một gia đình hạnh phúc khi chỉ chờ đợi sự nhắc nhở và giúp đỡ từ bố mẹ? Hãy giúp con từ bỏ thói quen bị động bằng cách trao ý thức tự lập cho trẻ, thay vì nhận gánh vác mọi việc.

Để con thỏa thích với những món ăn miễn phí trong siêu thị

Bản thân chúng ta cảm thấy được lợi khi có cơ hội thử những món ăn miễn phí. Tuy nhiên, theo phân tích hành vi người tiêu dùng thì người ta thấy rằng người mua hàng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn bình thường khi cảm thấy bản thân được lợi mà không tốn tiền. Đó là lý do mà những quầy mời ăn thử hay hàng mẫu được dùng miễn phí xuất hiện, và nó góp phần làm chúng ta hình thành thói quen chi tiêu vượt khỏi kế hoạch.

Nếu bạn không tự xây dựng cho mình thói quen đánh giá và lựa chọn điều gì thật sự cần thiết, thì bản thân sẽ tiêu tốn thời gian và tiền bạc cho những thứ vô bổ. Và chắc chắn, bạn sẽ không muốn trong tương lai, con mình cũng y như vậy. Nên bài học về quản lý chi tiêu một cách hiệu quả cũng có thể được truyền dạy cho trẻ thông qua những quầy ăn miễn phí ta thường thấy trong siêu thị.

Lời khuyên của tác giả dành cho bố mẹ là: “Hãy thay đổi hành vi để bạn “có lợi” đúng nghĩa! Hãy dừng những hành vi do tác động từ bên ngoài và dùng tiền một cách có kế hoạch. Bạn cũng đừng quên siết chặt hầu bao hơn thường lệ mỗi khi đưa các con đến các quầy mời ăn thử”.

Quá kỳ vọng vào thành tích học tập của con

Không chỉ thầy cô mà cha mẹ đều quá chú trọng đến thành tích của trẻ. Điều này khiến trẻ luôn mang theo áp lực và tự nhủ bản thân phải không ngừng cố gắng. Tuy nhiên, học tập trong tâm thế không thoải mái khiến trẻ chậm tiếp thu và mất đi niềm say mê đối với việc học.

Đáng lo ngại hơn, khi trẻ không đạt được thành tích như kỳ vọng, bố mẹ thường sẽ đi so sánh trẻ với “con nhà người ta”, khiến trẻ hình thành tâm lý tự ti, nhút nhát không dám bày tỏ quan điểm của bản thân. Tất nhiên những kỳ vọng để con có được một tương lai tươi sáng hơn là điều cần thiết, nhưng quan trọng hơn cả là bố mẹ cần giúp trẻ hiểu rằng, không phải khi nào đạt được thành tích tốt thì trẻ mới được yêu thương.

Vì vậy, Eiko Tajima khuyên các bố mẹ hãy giúp con trẻ hiểu “dù thành tích ở trường không như mong muốn thì khi trở về nhà, con vẫn được ăn bữa cơm ngon, được ngủ trên chăn êm nệm ấm. Chỉ cần con cảm thấy hạnh phúc thì thành tích ở trường dù có thế nào cũng không phải là chuyện lớn. Chỉ cần chúng ta vẫn còn đang sống khỏe mạnh thì dù thành tích trong học tập, hay trong công việc chưa được như ý cũng không sao”.

Để làm được điều này, bố mẹ cần vượt qua những cảm xúc của riêng mình để thấu hiểu, khích lệ và động viên trẻ. Hành động đó sẽ giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương và ấm áp từ gia đình. Từ đó trẻ có thêm năng lượng tích cực để đối mặt với thế giới bên ngoài.

Trên đây là 3 hành động thường thấy của bố mẹ góp phần tạo cho trẻ những thói quen xấu, cần phải khắc phục từ bây giờ. Để làm được điều đó, bản thân cha mẹ trước tiên phải tự nhận ra và điều chỉnh hành vi của chính mình, như ông bà ta thường nói “Lá vàng là bởi đất khô, nhìn cây sửa đất nhìn con sửa mình”.

Ngoài ra, còn rất nhiều thói quen chưa tốt đi kèm với những lời khuyên hữu ích đã được chia sẻ trong cuốn sách “36 thói quen cần tránh để trẻ thực sự trưởng thành”. Trên cương vị của một người mẹ, đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, tác giả Eiko Tajima hy vọng cuốn sách của mình sẽ mang đến những thông tin hữu ích, giúp hành trình nuôi dạy con của cha mẹ được trọn vẹn và hạnh phúc hơn.

STYLEMAGAZINE / LYN

Pocket
Tags:

You Might also Like