Type to search

Thời trang Xu hướng

#Fashion’s Story: Khi đám đông tạo ra thời trang

Chia sẻ

Thời trang luôn cần tiếng nói của đám đông, đấy là điều không thể phủ nhận.

Khi Nicole Kidman tạo dáng trên thảm đỏ trong chiếc váy của Dior vào năm 1997 cũng là lúc cánh cổng với tới tột đỉnh vinh quang của John Galliano chính thức được khai mở. Tương tự, Renee Zellweger đã làm nên tên tuổi cho Carolina Herrera vào năm 2004 khi diện chiếc váy của bà trong lễ trao giải Oscar. Và Kristen Stewart tiếp tục phủ ánh hào quang lên thương hiệu này khi chiếc váy cưới của bộ phim Twilight: Breaking Dawn. Nhưng điều gì đã làm nên điều này? Thực tế, sự thành công của các thương hiệu tới từ chính nhân tố mà các thương hiệu hướng tới: Đám Đông.

Nicole Kidman tạo dáng trên thảm đỏ trong chiếc váy của Dior vào năm 1997

Trong quá khứ, những bức ảnh của các ngôi sao sẽ được in hình trên tờ báo phương Tây – dưới dạng độc quyền. Những bức ảnh này sau đó sẽ được sử dụng ở các nước thứ ba khi được những tờ báo nhỏ của các quốc gia này scan thủ công lại và đăng tải trên báo mình. Những tờ báo này sau đó sẽ xuất hiện trên đầu giường của hàng triệu triệu cô gái, trên kệ báo của triệu triệu quán cà phê và các venue lớn nhỏ khác nhau trên mọi ngóc ngách thế giới.

Tôi dám cá rằng không ít cô gái đã ôm cuốn tạp chí có mẫu thiết kế đó vào lòng và ao ước: Giá mình được như cô ấy! Hay tôi cũng dám cá rằng, không ít người sẽ cầm cuốn báo tới một nhà may và yêu cầu được thực hiện một mẫu váy tương tự như thế – dù rằng điều này chẳng bao giờ có thể trở thành hiện thực. Như vậy, giống như một nghịch lý khi thứ mà đám đông hướng tới là thời trang. Nhưng quyết định số phận của một trào lưu thời trang hay số phận của một thương hiệu lại chính là đám đông. Các nhà thiết kế tạo ra những mẫu thiết kế bằng trí tuệ và khả năng sáng tạo của mình. Nhưng để các thiết kế sàn diễn đó có thể thực sự sống thì cần phải có đám đông.

Renee Zellweger đã làm nên tên tuổi cho Carolina Herrera vào năm 2004 khi diện chiếc váy của bà trong lễ trao giải Oscar

Vậy nên, nếu một trào lưu nào đó có thể “nổ tung sàn diễn” nhưng không được tiếp nhận bởi các con phố, trào lưu đó sẽ tự biến mất. Bất kỳ bộ trang phục dù lộng lẫy cỡ nào nhưng thiếu đi sự tán tụng của đám đông cũng bằng thừa. Một món đồ trang sức dù sang trọng tới thế nào nhưng nếu thiếu đi sự lấp lánh từ những ánh đèn flash nơi thảm đỏ cũng sẽ trở thành vô nghĩa. Chính từ đây mà mối quan hệ giữa thời trang và những bữa tiệc cũng được thiết lập. Một anh thợ may quèn sau một đêm bỗng trở thành nổi tiếng trở thành câu chuyện thường thấy của các thương hiệu đang nổi tiếng và được xem là danh giá nhất hiện này.

Hãy quay trở lại lễ trao giải Oscar lần thứ 74, nghĩa là năm 2002. Tất nhiên, khi đó nhà hát Kodak vẫn là tâm điểm để cả thế giới hướng về, sôi động nhưng không kém phần hồi hộp. Ở góc này, người ta thấy sự lấn lướt của đầm Chanel. Ở góc kia, các paparazzi không thể không hướng ống kính tới bởi sự sang trọng, đắt tiền của chiếc váy Dior Haute Couture cầu kì. Ở một góc khác, lại là sự quyến rũ của đầm Versace. Nhưng đến khi người dẫn chương trình xướng tên người phụ nữ da đen trong Monster’s Ball ở hạng mục Nữ Diễn Viên Chính Xuất Sắc Nhất và miêu nữ Halle Berry vừa run vừa bước lên sân khấu nhận giải thưởng thì cũng là lúc tại Kodak, các paparazzi choáng ngợp trước vẻ gợi cảm và quyến rũ của chiếc váy cô đang mặc. Trong một khoảnh khắc, chiếc đầm được Elie Saab thiết kế phủ kín các mặt báo và các phương tiện truyền thông khắp thế giới.

Miêu nữ Halle Berry vừa run vừa bước lên sân khấu nhận giải thưởng, cùng lúc đó các paparazzi choáng ngợp trước vẻ gợi cảm và quyến rũ của chiếc váy Elie Saab cô đang mặc.

Thực ra, trước đó Elie Saab vẫn là một cái tên rất vô danh ở Los Angeles. Chính xác hơn lúc đó Elie Saab chỉ là một tay thợ may gốc Liban vô danh mang những kĩ thuật may đo bí truyền có được từ quê nhà tới đây để thực hiện giấc mộng chinh phục thành phố của các thiên thần. Không phải trước đó cái tên Elie Saab không phải không có ai nhắc đến. Người ta vẫn biết tới Elie Saab với vị trí của một khách mời không chính thức tại một vài mùa thời trang Haute Couture. Tuy nhiên, ngay sau Oscar thứ 74, Liên đoàn thời trang cao cấp Paris đã mời Elie Saab tham gia lịch diễn Haute Couture với vai trò của một thành viên chính thức. Còn hiện nay hiếm có một sự kiện thảm đỏ nào mà thiếu sự xuất hiện của những chiếc váy thướt tha, lãng mạn do Elie Saab thiết kế. Và nếu có hỏi 10 minh tinh màn bạc thì đến cả 10 đều thú nhận, họ mê cái cách chiết eo rất khôn khéo của Elie Saab, cái cách ông để lộ phần lưng để khoe sự gợi cảm dù nhà thiết kế này đã chuyển tổng hành dinh về hẳn Beyrouth, quê hương ông. Vậy sự thành công của Elie Saab là tới từ đâu? Đó là bởi khi số đông đứng về ông – mặc dù thời trang của Saab chẳng dành cho số đông.

Một ví dụ điển hình khác minh chứng cho sự thành danh nhờ mối tương quan giữa thời trang và đám đông phải kể đến ở đây là cái tên Jason Wu. Sòng phẳng mà nói nếu không có bà chủ toà Bạch ốc Michelle Obama và bữa tiệc mừng ông Obama đắc cử tổng thống thì Jason Wu chưa chắc đã có ngày hôm nay. Bởi trước bữa tiệc đó, giới sành sỏi New York gần như không biết đến sự tồn tại của Jason Wu. Lúc đó, Jason Wu vẫn chỉ là một tay thợ may quèn gốc Đài Loan nhập cư Mỹ. Nhưng sự nghiệp của Jason Wu đã đột rẽ sang một hướng khác khi đệ nhất phu nhân của nước Mỹ: Obama rạng ngời sánh bước bên chồng với chiếc váy trắng muốt, vai lệch của Wu. Đánh giá một cách khách quan, chiếc váy này không phải quá ấn tượng nhưng chính sự mới mẻ và phong thái mà bà Obama mang đến đã khiến nó không chỉ toả sáng trong bữa tiệc mừng ông Obama trở thành ông chủ mới của Nhà trắng mà nó còn chinh phục cả giới thời trang khó tính. Kate Betts, cây phê bình thời trang lão làng trên CNN phải thừa nhận một điều đây là một làn gió mới mẻ cho Lầu Năm Góc. Còn Anna Wintour, người đàn bà quyền lực của làng thời trang đã phát hiện ra một nhân tài mới cho thời trang New York. Tất nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, Jason Wu đã hoàn toàn lột xác. Gã thợ may quèn thuở nào giờ đã có hẳn một cơ đồ bề thế với một nhãn hiệu thời trang của riêng mình, những bộ sưu tập gây ấn tượng từ New York đến Paris. Nhưng đặc biệt nhất, Jason Wu đang là nhãn hiệu được các hãng bán lẻ săn lùng.

Michelle Obama trong bữa tiệc mừng ông Obama đắc cử tổng thống đã mặc một chiếc váy trắng lệch vai của Jason Wu.

Tuy nhiên, nói vậy nhưng không phải lúc nào cũng là như vậy. Thực tế, tôi tin rằng điều thực sự làm nên thành công của Jason Wu là sự tò mò của đám đông. Như chúng ta đều biết, câu hỏi cô/anh/bà/ông ấy (mỗi chữ ấy tương ứng với tên của một người nổi tiếng) đang mặc gì đang rất phổ biến trong kỷ nguyên know-alls, tell-alls. Trong kỷ nguyên này, mọi thông tin mang tính đời tư nhất đều được chia sẻ. Và đám đông không ngừng học hỏi theo. Như vậy, thực tế, Michelle Obama không phải là vị cứu tinh của ngành công nghiệp thời trang của nước Mỹ. Mà thực tế chính sự tò mò của đám đông, thị hiếu và ước vọng muốn được giống vị đệ nhất phu nhân của nước Mỹ mới là cứu tinh đích thực của ngành công nghiệp thời trang vốn được gọi là ứng dụng này.

Các nhà thiết kế tạo ra các mẫu thiết kế, nhưng sự thành công của các mẫu thiết kế phụ thuộc vào sự “bỏ phiếu” của đám đông qua những cái cà thẻ!

Pocket
Tags:

You Might also Like