Type to search

“Đòi lại Trái đất” lời kêu gọi từ các nghệ sĩ của triển lãm Palais de Tokyo tại Paris

Chia sẻ

Để kỷ niệm Ngày Trái đất năm 2022, hãy khám phá cuộc triển lãm nhóm mang tên ‘Đòi lại Trái đất’, một lời cảnh tỉnh cho con người về mối quan hệ với hành tinh.

‘Reclaim the Earth’ vừa là tiêu đề vừa là lời kêu gọi của một cuộc triển lãm nhóm mới tại Palais de Tokyo ở Paris. Vượt ra khỏi quy chuẩn truyền thống phương Tây về cách con người tồn tại, triển lãm hướng về nhiều nơi khác trên thế giới, nơi con người là một phần không thể thiếu của môi trường chứ không phải là một nhóm thống trị và hủy diệt. Giám tuyển của triển lãm Daria de Beauvais nói: “Tôi tin rằng các nghệ sĩ giống như những lính canh, cảnh báo chúng ta về các vấn đề của xã hội.”

Kate Newby, “Sẽ khiến một ngày của tôi tốt hơn rất nhiều nếu tôi được nói chuyện với tất cả các bạn”, 2022. Sứ, khoáng chất, thủy tinh (Paris). Sản xuất tại CRAFT (Limoges). Được sự cho phép của nghệ sĩ và Art : Concept (Paris)

De Beauvais giải thích rằng tiêu đề này xuất phát từ một bộ sưu tập các văn bản chủ nghĩa sinh thái được xuất bản vào năm 1983. Nó không phải là ám chỉ đến chiến binh nữ quyền, mà là ‘một thuật ngữ mà chúng tôi tìm thấy rất nhiều trong các cuộc đấu tranh khác nhau – để giành lại một lãnh thổ, một chủ quyền, một bản sắc – và đối với các loại dân cư khác nhau, đặc biệt là từ người bản địa gốc”.

Đòi lại Trái đất có nghĩa là trao cho tất cả các sinh vật và dạng sống khác nhau quyền được hành động như nhau.

Asinnajaq, “Mảnh đá” (ấn bản Ahuriri), 2018. Video, 4 phút 2 giây. Bản quyền cuả nghệ sĩ.

Sebastián Calfuqueo, “Kowkülen (Thể chất lỏng)”, 2020. Video, 3 phút. Bản quyền của nghệ sĩ và Patricia Ready (Santiago)

Chương trình có sự tham gia của 14 nghệ sĩ cá nhân và tập thể các nghệ sỹ, một nửa trong số họ là người bản địa. Trung tâm Palais de Tokyo đã cử hai cố vấn khoa học để đảm bảo tính chính xác của việc giám tuyển. Phù hợp với cam kết của chính trung tâm là trở nên bền vững hơn, 80% tài liệu vẽ phong cảnh đến từ các cuộc triển lãm trước đó.

‘Reclaim the Earth’ bắt đầu bên ngoài, trong môi trường đô thị, với hai tác phẩm của nghệ sĩ người New Zealand Kate Newby. Newby thực hiện tất cả các tác phẩm của mình tại chỗ, sử dụng các vật liệu và kỹ thuật địa phương, đồng thời là người quan sát cẩn thận môi trường xung quanh, bao gồm cả những chi tiết bị bỏ qua của những nơi cô trưng bày. Gần một đài phun nước ngoài trời, cô đã thay thế năm ô đất bị bỏ quên bằng những viên gạch in dấu vết như dấu tích tổ tiên và hóa thạch. Trên chính tòa nhà, Newby đã loại bỏ năm ô kính bị hư hỏng khỏi cửa trước của những năm 1930, chèn các ô kính màu và ấn vào các bộ phận của cơ thể – bàn tay, khuỷu tay, đầu gối – để tạo ra các họa tiết trừu tượng. (Chỉ có thể nhìn thấy cánh cửa khi bảo tàng đóng cửa) “Cô ấy nhận thấy những điều mà không ai khác nhận thấy, và chỉ cho tôi cách nhìn tòa nhà theo cách khác,” De Beauvais nói.

Yhonnie Scarce, “Shadow creeper”, 2022. Khoai lang bằng thủy tinh thổi, thép không gỉ, dây gia cố. Được phép của nghệ sĩ và This Is No Fantasy (Melbourne)

Newby đã tạo ra một tác phẩm nữa bằng cách yêu cầu nhóm Palais de Tokyo nhặt tất cả các mảnh thủy tinh mà họ tìm thấy trên đường phố Paris, sau đó nấu chảy các mảnh thành vỏ sò để bày rải rác trên sàn nhà như một chiếc giường phủ đầy những con hàu nhiều màu sắc.

Hai đoạn phim ngắn giới thiệu buổi triển lãm, cả hai đều cho thấy các nghệ sĩ đang hòa mình vào phong cảnh theo đúng nghĩa đen. Một, của nghệ sĩ Inuk người Canada Asinnajaq, mô tả cô ấy đang trồi lên từ một đống đá, trở lại vởi mảnh đất và  gợi nhớ đến các nghi thức tang lễ. Đoạn phim còn lại cho thấy Sebastián Calfuqueo, một người Mapuche đến từ Chile, ở trạng thái ‘lỏng’, khỏa thân và nửa chìm trong dòng sông.

Solange Pessoa, “Nhà thờ lớn”, 1990-2003. Tóc, da, vải. Video, 7 phút. Bộ sưu tập gia đình Rubell (Miami). Được sự cho phép của nghệ sĩ và Mendes Wood DM (Brussels, New York, São Paulo)

Huma Bhabha, (từ trái sang) “Người nhận”, 2019. Đồng sơn. “Quá khứ là nước ngoài”, 2019. Gỗ, nứa, xốp, acrylic, que dầu, dây kẽm, sọ hươu đuôi trắng, lốp gai. Được sự cho phép của nghệ sĩ và Salon 94 (New York). “God Of Some Things”, 2011. Đồng mạ

Trong tác phẩm “Shadow Creeper” của Yhonnie Scarce, một cơn mưa những mảnh thủy tinh rơi từ trần nhà xuống. Hình dáng được lấy cảm hứng từ khoai lang, một loại củ quan trọng đối với ẩm thực của thổ dân Úc. Mặc dù tuyệt đẹp, đám mây thủy tinh có ý nghĩa gợi lên ảnh hưởng của các vụ thử hạt nhân mà người Anh thực hiện trên sa mạc Australia từ năm 1956 đến năm 1963, kết tinh cát và để lại bức xạ tồn tại cho đến ngày nay.

Megan Cope, một người thuộc nhóm sắc tộc Quandamooka đến từ Úc, đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu, studio của cô bị phá hủy bởi những trận lũ lụt gần đây ở nước mình. Cô đã tạo tác phẩm sắp đặt của mình mang tên “Vô đề” (Bài ca Cái chết) trước sự kiện, vào năm 2020. Tác phẩm lắp ráp các công cụ và mảnh vỡ của quá trình khai thác và khoan: máy khoan đất, trống dầu, đá. Nhạc nền đi kèm gợi lên tiếng kêu thảm thiết đặc biệt của loài chim Úc có nguy cơ tuyệt chủng, loài chim bush stone-curlew.

Karrabing Film Collective, “The Family and the Zombie”, 2021. Video, 29 phút 23 giây. Được sự cho phép của các nghệ sĩ

Tiền cảnh, Abbas Akhavan, “Nghiên cứu về Tượng đài”, 2013-2014. Đúc bằng đồng, tấm bông trắng. Bộ sưu tập Art Jameel (Dubai). Bộ sưu tập Gia đình Servais (Brussels). Được sự cho phép của nghệ sĩ, Catriona Jeffries (Vancouver) & The Third Line (Dubai). Phía sau, Trần Thu Vân, “De Vert à Orange” – Các loài ngoại lai xâm lấn -, 2022. Ảnh in trên giấy Fuji, ép và đóng khung, cồn, thuốc nhuộm. Được sự cho phép của nghệ sĩ & Almine Rech (Paris)

Thuyết vật linh là một chủ đề lặp đi lặp lại của triển lãm, chẳng hạn như trong tác phẩm Catedral, của nghệ sỹ Solange Pessoa người Brazil. Cô lấy tóc người, được dùng làm lễ vật trong các nghi lễ ngoại giáo, rồi gắn vào một tấm lưng dài vài mét, cuộn thành những cuộn chỉ như một tấm thảm dài và mỏng. Nư xoè nở ra trong khắp không gian trưng bày, nó chui qua sàn nhà và lên tường như thể đang còn sống. Ba nhân vật vật tổ của Huma Bhabha đứng chắn lối vào một căn phòng nhỏ chiếu một bộ phim của Karrabing Film Collective, được thành lập bởi một nhóm thổ dân Úc và nhà nhân chủng học người Mỹ Elizabeth Povinelli. Với một chất được thoa lên da để khiến nó trắng hơn, Povinelli đảm nhận vai quái vật trong phim “Gia đình và xác sống”, một câu chuyện châm biếm về những đứa trẻ bản địa đang chơi trong một khung cảnh thiên nhiên ngày càng bị hư hỏng bởi các biểu tượng của chủ nghĩa tiêu thụ.

Daniela Ortiz, “The Rebellion of the Roots”, 2020 và tiếp tục. Acrylic trên gỗ. Được sự cho phép của nghệ sĩ & Laveronica Arte Contemporanea (Modica)

Amabaka x Olaniyi Studio, “Nono: Soil Temple”, 2022. Đất, kim loại, dây thép không gỉ, vải (bông hữu cơ, sợi nhựa đại dương tái chế, sợi rong biển). Bản quyền của các nghệ sĩ.

Trong tác phẩm “Study for a Monument”, một loại đài tưởng niệm chiến tranh, những nhánh cây bằng đồng mảnh của nghệ sĩ người Iran Abbas Akhavan nằm trên những tấm vải trắng trên sàn, giống như tàn tích của vũ khí hoặc xác chết đang chờ được xác định. Các loài thực vật này là những loài có nguy cơ tuyệt chủng hoặc đã tuyệt chủng từ bờ sông Tigris và Euphrates, một khu vực đã nhiều lần bị xung đột và xáo trộn sinh thái. Hai bên của tác phẩm này là hai tác phẩm khác, trong đó thực vật chiếm thế thượng phong. “Sự nổi dậy của rễ” là một loạt các bức vẽ ngây thơ của Daniela Ortiz đến từ Peru, ví dụ, quả dừa rơi xuống đầu bộ trưởng nội vụ của Bỉ.

D Harding, INTERNATIONAL ROCK ART RED, 2022. Len nỉ được làm với Jan Oliver, màu đỏ son, gôm arabicum, hematit. Được sự cho phép của nghệ sĩ và Phòng trưng bày Milani (Brisbane)

Đối mặt với nó, nghệ sĩ gốc Việt Nam Trần Thu Vân đã tạo ra một bức tranh toàn cảnh thực vật với màu sắc rực lửa, chồng ảnh các loài thực vật nhiệt đới trong nhà kính châu Âu lên hình ảnh các cây cao su ở Amazon, bình luận về cách con người can thiệp và củ nghĩa thực dân hoá trong tự nhiên có thể dẫn đến đột biến và các loài xâm lấn. Hàm ý rất rõ ràng: nếu chúng ta không đòi lại Trái đất, Trái đất có thể sẽ đòi lại chúng ta.

THÔNG TIN

  • Triển lãm ‘Reclaim the Earth’ kéo dài đến ngày 4 tháng 9 năm 2022 tại Palais de Tokyo, 13 Avenue du President Wilson, Paris 16e
  • Triển lãm có sự phối hợp của Đại sứ quán Australia tại Pháp, Đại sứ quán Pháp tại Australia, Trung tâm Văn hóa Canada (Paris), Ecole Normale Supérieure (Paris), E-WERK (Luckenwalde), Fondation Opale (Lens, Thụy Sĩ) , Phòng trưng bày Ikon (Birmingham), Phòng trưng bày Laboratoire Espace Cerveau (IAC, Villeurbanne), Madre (Naples), và Phòng trưng bày Serpentine (London).
Pocket
Tags: