Type to search

Ẩm thực Phong cách sống

Ăn gì, ăn thế nào để bớt gây hại cho môi trường? (phần 2)

Chia sẻ

Nhắc đến lối sống bền vững thì không thể không lưu tâm đến vấn đề chế độ ăn uống. Các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về tác hại của sản phẩm nhựa dùng một lần, hay rác thải sinh hoạt không được phân loại đúng cách, nhưng lại đang bỏ quên một vấn đề nhức nhối không kém – ngành nông nghiệp phục vụ bữa ăn hàng ngày của con người.

Liệu chế độ ăn của bạn có đang gây ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường?

7. Chế độ ăn Whole30

Whole30 được coi là phiên bản tổng hợp khoa học của các chế độ ăn low carb, detox và cleaning-eat (ăn thực phẩm sạch). Chế độ ăn 30 ngày này khuyến khích tiêu thụ một lượng vừa phải các sản phẩm động vật, rau quả, hải sản, và thịt chưa qua chế biến, loại bỏ thực phẩm chế biến, bao gồm đường, sữa, và bánh mì trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Ưu điểm

Việc loại bỏ thực phẩm chế biến, bao gồm thực phẩm đóng hộp và các sản phẩm từ sữa khỏi chế độ ăn uống sẽ giúp tác động tích cực lên môi trường.

Nhược điểm

Tuy nhiên chế độ ăn Whole30 vẫn cho phép tiêu thụ một lượng vừa phải các sản phẩm động vật, chẳng hạn như thịt, hải sản, thịt gia cầm và trứng. Đây đều là những thực phẩm góp phần gây ra các vấn đề về môi trường.

8. Chương trình giảm cân từ các cửa hàng

Hiện nay có nhiều dịch vụ tính toán lượng calo vừa đủ và lên thực đơn ăn uống lành mạnh cho khách hàng.

Ưu điểm

Các phần ăn đã được căn chỉnh phù hợp giúp khách hàng có được một thực đơn ăn uống điều độ, đồng thời giảm lượng thức ăn lãng phí. Khách hàng cũng không cần phải tự tay chuẩn bị thức ăn, phù hợp với những người bận rộn.

Nhược điểm

Tuy nhiên, các dịch vụ này tạo ra một lượng lớn thực phẩm đóng gói và bao bì hộp đựng sử dụng một lần. Yếu tố vận chuyển cũng là một nhân tố gây ảnh hưởng đến môi trường đáng kể.

9. Chế độ Keto và Atkins

Cả hai chế độ ăn này đều rất ít carbohydrate, nhưng có một điểm khác biệt chính giữa hai chế độ: Keto khuyến khích mọi người theo chế độ ăn nhiều chất béo trong khi Atkins có hàm lượng protein cao hơn.

Ưu điểm

Chế độ Keto sử dụng các sản phẩm nhiều chất béo từ thực vật, chẳng hạn như các loại hạt và bơ trong chế độ ăn hàng ngày, đây là một điểm tích cực cho môi trường.

Nhược điểm

Cả hai chế độ này vẫn nặng về chất béo động vật và protein, hai nhân tố có thể gây tác động tiêu cực đến môi trường. Theo một bài báo được đăng tải trên tạp chí Science năm 2018, các sản phẩm từ thịt là nguyên nhân gây ra nguồn khí metan lớn nhất, góp phần làm nóng lên toàn cầu.

Nhưng điều đó không có nghĩa là sản phẩm từ thực vật nào cũng tốt cho môi trường. Chẳng hạn như việc sản xuất dầu cọ, một thành phần giàu chất béo thường được sử dụng trong chế độ Keto và Atkins, cũng là một tác nhân gây ra nạn phá rừng nhiệt đới trên khắp thế giới.

10. Chế độ ăn Paleo

Nếu bạn vừa muốn duy trì chế độ dinh dưỡng vừa muốn giảm tác động lên môi trường thì Paleo chính là giải pháp dành cho bạn. Paleo được xem là sự nỗ lực để tái tạo một “chế độ ăn uống tối cổ” bằng cách ưu tiên sử dụng trái cây, rau, hải sản tự đánh bắt và thịt từ các loài động vật ăn cỏ.

Ưu điểm

Nếu nơi bạn sống không có điều kiện thuận lợi để tự đánh bắt hải sản, tốt nhất là sử dụng các sản phẩm địa phương hoặc các khu vực lân cận theo mùa, bởi việc vận chuyển thực phẩm cũng gây ra một số tác động nhất định lên môi trường. Việc tận dụng tối đa các phần thịt của động vật cũng giúp hạn chế số lượng thịt bị lãng phí.

Nhược điểm

Chế độ ăn này chỉ là bước khởi đầu để bạn đến gần hơn với chế độ ăn uống “xanh” vì nguồn thực phẩm chính vẫn bao gồm thịt, đặc biệt là thịt đã qua chế biến chẳng hạn như thịt xông khói. Những sản phẩm này đòi hỏi rất nhiều năng lượng hơn để sản xuất.

11. Chế độ ăn thịt

Đây là chế độ ăn thông thường, các thành phần chính có nguồn gốc từ động vật như thịt, cá, trứng, và cả từ thực vật như bơ, sữa chua, phô mai,…

Ưu điểm

Do chế độ ăn này gồm các thành phần có nguồn gốc từ động vật nên về cơ bản không có bất kỳ lợi ích nào cho môi trường cần lưu tâm.

Nhược điểm

Chế độ ăn này không được khuyến khích bởi luôn đi kèm với nhiều tác động tiêu cực lên môi trường. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Climatic Change, trung bình một người ăn thịt góp gấp đôi lượng carbon dioxide mỗi ngày so với người theo chế độ ăn chay hoặc thuần chay.

Các sản phẩm từ thịt cũng gây ra hàng loạt vấn đề cho môi trường như tăng lượng khí thải nhà kính, ô nhiễm nguồn nước và nạn phá rừng cho mục đích chăn nuôi,…Chế độ ăn này được xem là một thảm họa cho môi trường trong tương lai gần.

Bài viết này được thực hiện bởi Moira Lawler trên Everyday Health, chuyển ngữ bởi Eira.

Pocket
Tags:

You Might also Like