Type to search

Kiến trúc cổ tích và thiên nhiên: Ngôi nhà Hans Christian Andersen của Kengo Kuma

Chia sẻ

Bảo tàng “Ngôi nhà Hans Christian Andersen” do KTS nổi tiếng Kengo Kuma thiết kế tại vùng Odense, Đan Mạch đã mở cửa để mời công chúng khám phá thiên nhiên và những câu chuyện cổ tích.

Ngập tràn trong những tán cây xanh, với các cấu trúc tròn bằng gỗ mềm mại lấp ló đầy duyên dáng giữa những tán lá, ngôi nhà mới của Hans Christian Andersen’s House hiện đã mở cửa tại Đan Mạch. Nằm ở Odense và được thiết kế bởi bậc thầy kiến ​​trúc Nhật Bản Kengo Kuma, điểm đến văn hóa lớn này hứa hẹn sẽ là ngôi nhà mở ra thế giới cổ tích của tác giả vĩ đại được thiếu nhi khắp nơi yêu quý. Bảo tàng mới này kết hợp giữa kiến ​​trúc đậm nét cổ tích, thiết kế bằng gỗ và có tính bền vững, đưa du khách vào một cuộc hành trình xuyên qua thiên nhiên và cả trí tưởng tượng.

Dự án lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích nổi tiếng The Tinderbox (Chiếc bật lửa thần) của Andersen, trong đó một cái cây tiết lộ ra cả một thế giới dưới lòng đất. Có diện tích khoảng 5.600 m2, bảo tàng được bố trí ở nhiều tầng khác nhau – những phần lớn nhất nằm dưới lòng đất – và nhằm mục đích tạo ra một ‘vũ trụ thần tiên cho trẻ em’. Kiến trúc bền vững, thanh lịch, lấy cảm hứng từ thiên nhiên của Kuma được tạo dáng thêm bởi những khu vườn tươi tốt của các kiến ​​trúc sư cảnh quan từ văn phòng thiết kế MASU Planning. Kết quả là tạo ra một môi trường tự nhiên, phong phú, có tính thiên nhiên hoang dã hơn là một khu vườn được cắt tỉa cẩn thận. Đồng thời, bên trong, các công nghệ hiện đại giúp trí tưởng tượng trở nên hào hứng, với sự sắp đặt của các nhà thiết kế triển lãm Event đã biến vũ trụ huyền diệu của Andersen trở nên sống động.

‘Andersen cho chúng ta thấy rằng thế giới sâu sắc hơn và phong phú hơn những gì chúng ta nhận thấy ngay từ cái nhìn đầu tiên khi nhìn xung quanh. Ông cho chúng ta một cơ hội để trở nên được mê hoặc với thế giới hoàn toàn mới lại từ đầu này. Với bảo tàng mới, điểm khởi đầu của chúng tôi sẽ là những câu chuyện cổ tích mà mọi người biết – nhưng chúng tôi sẽ để những câu chuyện cổ tích tự kể lại theo cách mà mọi người chưa từng trải nghiệm trước đây” Henrik Lübker, giám tuyển của bảo tàng nói.

Một đoạn đường dốc dài 110m đưa du khách đi qua bảo tàng, qua các sảnh khác nhau và trải nghiệm liên quan đến những câu chuyện và cuộc đời của Andersen. Nhà ăn hình tròn, có trần cao và một trung tâm giáo dục và học tập dành riêng cho trẻ em, hoàn thiện trải nghiệm thông qua kiến ​​trúc đầy mạch lạc và tự tin nhưng nhạy cảm của Kuma. Công trình tôn vinh thiên nhiên và gỗ, đồng thời hướng tầm mắt ra quang cảnh xanh tươi qua những ô cửa sổ lớn bao quanh.

Kuma nói: “Có những thông điệp sâu sắc trong tác phẩm của Hans Christian Andersen phản ánh cuộc đời của tác giả và hành trình cả đời của ông. Tác phẩm của Andersen phản ánh tính hai mặt của điều ngược lại xung quanh chúng ta; thực và ảo, thiên nhiên và nhân tạo, con người và động vật, ánh sáng và bóng tối. Mục đích của chúng tôi là phản ánh bản chất công trình của ông ấy dưới dạng kiến ​​trúc và cảnh quan. Ý tưởng đằng sau thiết kế kiến ​​trúc giống với phương pháp kể chuyện của Andersen, nơi một thế giới nhỏ đột nhiên mở rộng ra một vũ trụ lớn hơn. Trong vũ trụ này, không có thứ tự thứ bậc, không có phương hướng xác định. Chúng tôi đã nhân rộng khái niệm này và tạo ra một bảo tàng được tập hợp bởi một chuỗi các trải nghiệm không gắn liền.”

Giới thiệu của Bảo tàng:

Hans Christian Andersen là một trong những tác giả nổi tiếng nhất và được đọc nhiều nhất trên thế giới, nổi tiếng với những câu chuyện cổ tích tuyệt vời của ông. Giờ đây, những câu chuyện của ông trở thành nền tảng của một bảo tàng sáng tạo.

Là công trình đầu tiên thuộc loại này trên thế giới, Ngôi nhà H.C. Andersen mới không cho chúng ta biết về cuộc đời và thời đại của tác giả Hans Christian Andersen. Nó mô tả thời đại của chính chúng ta. Triển lãm dành riêng tất cả để nói về bạn và tôi. Ngôi nhà H.C. Andersen không phải về Hans Christian Andersen – mà nó kể chuyện cho chúng ta nghe giống như khi ông kể chuyện với chúng ta.

Những câu chuyện cổ tích của Hans Christian Andersen dành cho ngày nay cũng đầy ý nghĩa và phù hợp như vào những năm 1800 khi ông viết chúng.

Pocket
Tags: