Type to search

Featured Người nổi tiếng Văn hóa

Lại Thị Hải Lý: Người phụ nữ với khát vọng ươm mầm tài năng

Chia sẻ

Được biết đến trong vai trò tiên phong trong lĩnh vực phát triển não bộ tại Việt Nam, chị Lại Thị Hải Lý đã đưa về Việt Nam các tinh hoa nuôi dạy trẻ nhỏ cũng như các phương pháp “lập trình thiên tài từ sớm” là thai giáo, kích hoạt não bộ và dạy con theo phương pháp của người Do Thái. Chính điều này đã đưa STYLE đến với cuộc trò chuyện thú vị cùng chuyên gia giáo dục sớm này với mong muốn chia sẻ để bạn đọc có được những hiểu biết tốt nhất cho hành trang chuẩn bị làm mẹ, làm vợ trong tương lai.

Chào chị Lại Thị Hải Lý. Là một người phụ nữ đã đi tới rất nhiều quốc gia trên thế giới, chị có thể chia sẻ đôi chút về những điều một người phụ nữ Việt Nam hiện đại cần là gì?

Chào STYLE, chào quý vị độc giả. Đúng là Hải Lý may mắn có được cơ duyên đi tới nhiều quốc gia trên thế giới và gặp gỡ nhiều người phụ nữ nổi tiếng, cùng họ học tập và chia sẻ. Là một người phụ nữ hiện đại và hơn hết là một người mẹ, Hải Lý luôn tâm niệm rằng: “Phúc đức tại mẫu”, tức là người mẹ nên là người tích phúc, tích đức và là khuôn mẫu chuẩn mực cho con. Một trong những cuốn sách vô cùng nổi tiếng của Nhà giáo, thạc sĩ Doãn Tiến Lợi đó là: “Người mẹ tốt hơn người thầy tốt” cũng đề cập đến vấn đề này. Như các bạn cũng biết, trong những năm đầu đời, đứa trẻ của chúng ta như một tờ giấy trắng và người dìu dắt con không ai khác chính là bố mẹ. Chính vì vậy, ngoài việc yêu con bằng bản năng của người mẹ, phụ nữ chúng ta còn cần phải có hiểu biết nuôi dạy con một cách khoa học theo thực tế phát triển của xã hội thời công nghiệp 4.0 nữa.

Chị nghĩ sao về hình tượng của người phụ nữ Việt Nam hiện nay và người phụ nữ Việt Nam trong quá khứ. Và nếu so sánh hình tượng một người phụ nữ Việt Nam hiện đại điển hình với một người phụ nữ toàn cầu hiện nay, có điều gì được và chưa được?

Bạn biết không, khi Hải Lý trò chuyện với các bạn bè người nước ngoài, họ vô cùng thần tượng người phụ nữ Việt Nam. Dù cho là trong quá khứ hay hiện tại, phụ nữ Việt Nam vẫn vô cùng tuyệt vời. Nếu như ngày xưa chúng ta có phụ nữ “công, dung, ngôn, hạnh” thì phụ nữ ngày nay là “đảm việc nước, giỏi việc nhà”. Phụ nữ tham gia vào hầu hết các công việc và quản lý nhà nước. Trong số các đại biểu của Quốc hội Việt Nam, tổ chức quyền lực cao nhất, phụ nữ chiếm 27,3% và được Liên Hiệp Quốc đánh giá là: “Phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới”. Phụ nữ xưa đóng vai trò “nội tướng”, và có phần lép vế, cam chịu hơn so với đàn ông. Quan niệm “tam tòng, tứ đức” là quan niệm phổ biến để đánh giá phẩm chất của phụ nữ xưa. Ngày nay, sự hiểu biết, năng động, chủ động và quyền bình đẳng đã tạo điều kiện cho họ mở mang tri thức, tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động xã hội và chính trị. So với một người phụ nữ toàn cầu hiện nay, phụ nữ Việt Nam vẫn giữ gìn được nét đẹp vốn rất riêng cho họ mà hiếm quốc gia nào có được. Xã hội ngày càng phát triển, con người càng văn minh nhưng những đức tính truyền thống của người phụ nữ vẫn nguyên giá trị, đó chính là những vẻ đẹp trong gia đình, xã hội; vẻ đẹp người làm vợ, làm mẹ; vẻ đẹp nữ doanh nhân, ca sĩ, thi sĩ, diễn viên, hoa hậu, tri thức; vẻ đẹp ý nhị, lịch sự… Chắc chắn, phụ nữ Việt Nam hiện đại sẽ tuyệt vời hơn nữa khi họ biết kiềm chế những cảm xúc bùng nổ trong quá trình nuôi dạy con cái và họ được trang bị những kiến thức khoa học về giáo dục con trước khi thực hiện thiên chức làm mẹ.

Chị từng nói: “Với người Do Thái, phụ nữ khi đang mang thai là đang mang sứ mệnh cho dòng tộc, gia đình và quốc gia và họ rất được tôn trọng.” Chị nghĩ sao về điều này đối với người Việt Nam chúng ta?

Đúng vậy, ở đất nước của những người Do thái, phụ nữ mang thai được ưu tiên và chăm sóc đặc biệt. Họ để ý rất kỹ đến chế độ ăn uống và thai giáo cho con ngay từ trong bụng mẹ vì họ cho rằng những người phụ nữ mang thai là những người đang mang cả sứ mệnh sinh ra và nuôi dưỡng những thiên tài cho dân tộc, gia đình và quốc gia của họ.

Người Việt Nam bây giờ cũng vậy, ở các tỉnh thành lớn, những người phụ nữ khi chuẩn bị mang bầu hoặc trong thai kỳ đều để ý khá kỹ đến việc bổ sung dinh dưỡng, ăn uống, thai giáo và đặc biệt là các kỹ năng dạy con. Bằng chứng là các khóa học thai giáo và giáo dục sớm ngày càng tăng. Sự xuất hiện của các ông bố trong lớp học “Cha mẹ thông thái” cũng chứng minh rằng người phụ nữ Việt Nam được trân trọng và nâng niu hơn rất nhiều. Tuy nhiên, việc này vẫn là tự phát từ ý thức mỗi gia đình, chưa đồng bộ cả nước. Việt Nam chúng ta có 54 dân tộc nên ở các vùng sâu, vùng xa hay ở các vùng nông thôn, việc mang thai và nuôi dạy con vẫn theo bản năng, kinh nghiệm và chưa được hướng dẫn cụ thể.

Chị có nói Việt Nam cũng có những tinh hoa riêng. Vậy, chị có thể chia sẻ thêm về những tinh hoa đó và ích lợi của việc ứng dụng những tinh hoa này vào cuộc sống hiện đại và giáo dục con trẻ cũng như tìm ra phương pháp để hoàn thiện bản thân?

Thực tế những khám phá và kích hoạt não bộ của thế giới đã phát triển rất mạnh mẽ trong thế kỷ 21 nên Việt Nam chúng ta chỉ cần thừa hưởng là nhanh nhất. Bên cạnh đó, chúng ta biết ứng dụng Trí tuệ của các bậc thánh nhân, vĩ nhân và tập trung vào cái gốc tinh hoa văn hóa truyền thống của Việt Nam thì dù chúng ta có đi sau nhưng chúng ta chắc chắn về đích trước. Cách đây 6 năm, Hải Lý may mắn được biết đến “Lớp vĩ nhân tương lai” tại Chi hội Chữ thập đỏ Tình người, nơi mà các bậc phụ huynh và các bạn nhỏ đang được học nền tảng Trí tuệ và ứng dụng Trí tuệ vào cuộc sống. Ai cũng thấm thía chân lý: “Cho con một núi vàng không bằng cho con một hướng đi”. Trong Lớp Vĩ nhân tương lai, các con không học kiến thức Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa như ở trường, mà các con chỉ học ba từ đó là “Học làm người” với đúng ý nghĩa sâu xa nhất của khái niệm. Trong nội dung “Học làm người” có nhiều điều mới lạ. Hải Lý đã đi nhiều quốc gia, tìm hiểu nhiều phương pháp dạy con nhưng chưa nơi đâu có lớp “dạy làm người” tinh túy đến như vậy! Trong bài giảng có rất nhiều nội dung cho các con học, rất nhiều câu tinh hoa cổ học. Các con được hiểu gia đình là 1 điểm tựa vô cùng quan trọng của mỗi người, do đó tập trung quan tâm đến gia đình, tròn chức năng và vai trò của mình. Các con được học thế nào là Phúc, Tâm, Trung, Hiếu, Tín, Lễ, Nghĩa… Các con được học những nguyên tắc trí tuệ trong cuộc sống, tình yêu thương với con người và vạn vật để biết đối nhân xử thế, học tập và làm việc theo trí tuệ. Ngoài ra, các con được học tư tưởng lớn của các bậc thánh nhân, vĩ nhân để từ đó cống hiến cho cộng đồng, đất nước. Nhiều cha mẹ không thể tin nổi khi thấy được sự xoay chuyển vượt bậc của các con ngoài sức mong đợi.

Cũng được biết, chị là người tiên phong áp dụng, quảng bá và giới thiệu phương pháp giáo dục của người Do Thái vào Việt Nam. Chị có thể chia sẻ thêm về cơ duyên nào đã đưa chị đến với phương pháp giáo dục này?

Cơ duyên để Hải Lý đến với giáo dục Do thái chính là khi Hải Lý mang bầu bạn thứ hai, bạn ấy có tên là Bella. Hải Lý bắt đầu nghiên cứu và tìm tòi về các phương pháp thai giáo và giáo dục sớm và quyết cùng đoàn ngoại giao Việt Nam đàm phán 7 ngày 7 đêm để đưa được phương pháp này về Việt Nam.

Chị có thể chia sẻ thêm về lợi ích của “thai giáo” và phương pháp giáo dục của người Do Thái với trẻ em Việt Nam? Trong trường hợp của gia đình chị là gì?

Phải nói rằng, “thai giáo” là điều tuyệt vời nhất mà các mẹ dành cho con ngay khi còn trong bụng mẹ. Những đứa trẻ được thai giáo thì vô cùng đặc biệt. Bạn Bella được mẹ Hải Lý thai giáo ngày từ khi còn trong bụng mẹ nên khi ra ngoài nhận thức vô cùng nhanh, đặc biệt Hải Lý có dùng 1 phương pháp là thai giáo ánh sáng đối với Bella nên khi ra đời mắt Bella rất sáng và không bao giờ bị ghèn mắt, Bella 13 tháng đã biết đọc tiếng Việt, 15 tháng đã có thể nói được 200 từ tiếng anh. Và khi các chuyên gia người Mỹ của trường tiểu học Quốc tế Gateway kiểm tra đầu vào lớp 1 thì bạn ấy đã đạt trình độ nhận thức tương đương học sinh lớp 3 và nhận được học bổng trị giá hàng tỷ đồng.

Chị có thể chia sẻ những cách áp dụng phương pháp giáo dục của người Do Thái với các con của mình? Và chị có lời khuyên nào trong việc áp dụng phương pháp giáo dục của người Do Thái với các phụ huynh khác?

Lời khuyên của Hải Lý là: kiên trì, bất cứ một phương pháp nào đều cần các bạn kiên trì và thực hiện nó lặp đi lặp lại mới mong nhận được kết quả tốt nhất. Và “chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”, chính vì thế hãy bắt tay vào đào tạo đứa trẻ thiên tài của bạn ngay từ trong bụng mẹ. Đó mới là món quà tuyệt vời nhất bạn dành cho con, chứ không phải nhà lầu, xe hơi hay những thứ tài sản hữu hình khác.

Chị nghĩ sao về quan hệ hôn nhân của giới trẻ hiện nay? Liệu có phải mọi người đến với nhau dễ dàng và cũng chia tay nhau dễ dàng, và điều này làm ảnh hưởng đến những đứa trẻ trong gia đình?

Giới trẻ hiện nay suy nghĩ và hành động rất hiện đại và phóng khoáng nhưng tiến tới hôn nhân với nhiều lý do khác nhau, thậm chí có những bạn mới rời khỏi ghế nhà trường nên cách nghĩ của các bạn ấy về hôn nhân và khái niệm giữ gìn nó cũng khác so với thời trước. Những đứa trẻ bị thiếu thốn tình cảm của gia đình hay có bố mẹ li hôn thì đôi khi cũng bị ảnh hưởng, tuy nhiên, đấy không hẳn là vấn đề trong việc nuôi dạy trẻ, nhiều bà mẹ đơn thân hay ông bố đơn thân vẫn nuôi dạy con rất tốt mà bố mẹ vẫn thành công trong công việc. Quan trọng nhất là cách dạy con như thế nào và thái độ của bạn đối với con và vấn đề đó ra sao.

Với tỷ lệ ly hôn cao như hiện nay, chị có cho rằng, khi cha mẹ không còn hợp nhau, họ vẫn nên tiếp tục cuộc sống để dạy dỗ các con tốt nhất? Hay chị có đề xuất nào khác?

Câu hỏi của bạn rất đắt giá. Tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam nhất là giới trẻ hiện nay và rất nhiều các nghiên cứu về vấn đề này rồi. Còn về phía Hải Lý, Hải Lý cho rằng cha mẹ cần phải học làm vợ chồng trước khi làm cha mẹ, để làm sao có thể chia sẻ giải quyết được các mâu thuẫn với nhau trước khi nghĩ đến chuyện ly hôn. Các cụ nhà ta có câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời. Cơm sôi bớt lửa thì đời nào khê” nhưng đa số những đôi ly hôn đều chưa làm được điều này. Đứa trẻ sống trong gia đình bố mẹ thường xuyên không hòa thuận cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tâm lý rất nhiều, nên theo Hải Lý nếu cha mẹ không còn duy trì được cuộc sống hôn nhân hạnh phúc thì nên dừng lại và làm bạn để cùng nuôi dạy con theo một cách khác hạnh phúc hơn.

Chị nghĩ sao về việc làm mẹ đơn thân – đặc biệt khi có những phụ nữ chọn cách này bởi chưa tìm hoặc không tìm ra được người đàn ông thực sự phù hợp với mình!

Đó cũng là một cách hay nếu họ không tìm thấy người thực sự phù hợp với họ. Hải Lý hay thấy trên các diễn đàn, chị em cổ vũ nhau “thà muộn còn hơn lấy nhầm” hoặc “chỉ phụ nữ mới mang lại hạnh phúc cho nhau”, tư tưởng này có phần hơi tiêu cực nhưng thực tế cho thấy nếu bạn đau khổ với cuộc sống hôn nhân thì con bạn cũng không có một tuổi thơ hạnh phúc được. Tất nhiên là mỗi người có một suy nghĩ khác nhau, nhưng tôi vẫn khuyên các bạn rằng hãy chín chắn để lựa chọn người yêu hay bạn đời của mình, như vậy cuộc sống hạnh phúc sẽ đến với bạn dễ dàng hơn. Phụ nữ chúng ta mạnh mẽ đến đâu cũng cần một bờ vai đúng không?

Là một chuyên gia giáo dục sớm, chị có thể chia sẻ thêm về những điều chị thực sự muốn gửi gắm đến các bậc phụ huynh trong việc giáo dục con cái?

Điều Hải Lý muốn gửi gắm tới các bạn đó là tuổi thơ của con là thứ không thể lấy lại được, hãy dành thời gian cho con nhiều hơn và trọn vẹn hơn. Ngoài ra các bậc phụ huynh nên tìm hiểu các kiến thức về nuôi dạy con ngay từ khi lên kế hoạch sinh con. Mọi đứa trẻ đều có thể trở thành thiên tài nếu biết dạy đúng phương pháp.

Được biết chị là một người tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện? Chị có thể chia sẻ thêm về các hoạt động thiện nguyện mà chị đang tham gia? Và các hoạt động thiện nguyện mà chị đang tham gia khác biệt với các hoạt động của những người khác là gì?

Hải Lý và ông xã Nhữ Mạnh Hải cùng hai con vốn rất yêu thích hoạt động từ thiện và thường xuyên cho các con tham gia các hoạt động từ thiện ngay từ khi còn rất nhỏ để các con biết thấu hiểu và yêu thương mọi người nhiều hơn nữa. Nếu nói là khác biệt thì không hẳn, nhưng Hải Lý làm từ thiện bằng cái tâm của mình, bằng trái tim của mình để mong may mắn và hạnh phúc đến với mảnh đời kém may mắn hơn mình.

Cũng được biết, chị là một tình nguyện viên của Chi Hội Tán Trợ Chữ Thập Đỏ Tình Người Hà Nội. Chị có thể chia sẻ thêm về các giá trị cũng như những điều mà Chi Hội Tán Trợ Chữ Thập Đỏ Tình Người Hà Nội mang đến cho xã hội.

Hải Lý may mắn có cơ duyên biết đến Chi Hội Tán Trợ Chữ Thập Đỏ Tình Người Hà Nội và trở thành một thành viên của hội, được tham gia các hoạt động từ thiện, gặp gỡ rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn chúng ta rất nhiều. Điều đó khiến cho Hải Lý càng thêm động lực làm việc và cống hiến để góp một phần sức lực nhỏ bé của mình đến với mọi người. Hoạt động nhân đạo mà Hải Lý đang tham gia khác với những chuyến đi từ thiện nhân đạo mà mọi người hay nghe thấy. Ờ đó ngoài các chuyến đi từ thiện, bạn còn được dạy chữ Hiếu, chữ Tình, chữ Nhân, chữ Đức, dạy cách sống sao cho hạnh phúc và bình an.

Xin cám ơn chị!

Pocket
Tags:

You Might also Like