Type to search

Cotton — Bài toán đạo đức của ngành công nghiệp thời trang

Chia sẻ

Áo thun, quần jeans, khăn bông…, chắc chắn ai trong chúng ta cũng đều sở hữu hoặc sử dụng sản phẩm làm từ cotton. Cotton, hay còn gọi là bông, là một loại cây và một chất liệu vải phổ biến. Cotton được ưa chuộng rộng rãi nhờ mang lại cảm giác nhẹ thoáng và mịn màng.

Nhưng đằng sau vẻ ngoài mềm mại của cotton là những bài toán nan giải lâu dài. Tuy là chất liệu tự nhiên, quá trình nuôi trồng và xử lý cotton gây ra nhiều vấn đề về ô nhiễm, bóc lột sức lao động và thậm chí tình trạng nô lệ trong xã hội hiện đại. Với những hệ quả nghiêm trọng, cotton vẫn còn là một vấn đề về đạo đức trong thời trang.

Những bài toán lớn về cotton:

Tiêu tốn và gây ô nhiễm nguồn nước

Cây bông cotton đòi hỏi rất nhiều nước nhưng lại được trồng phổ biến tại các vùng khí hậu nhiệt đới nóng khô. Thực tế, để làm ra một chiếc quần jeans, cần khoảng 1kg bông cotton thô, 1kg thuốc nhuộm và 2.630 lít nước, chưa kể gần 30.000 lít sử dụng để trồng sản xuất 1kg bông cotton kể trên.

Không chỉ tiêu tốn nước, sản xuất cotton còn gây ô nhiễm nguồn nước khi sử dụng hoá chất để nhuộm vải. Việc xử lý những hóa chất độc hại theo đúng quy chuẩn an toàn hết sức tốn kém. Với áp lực giảm chi phí sản xuất, chất thải thường được đổ ra hệ thống sông ngòi. Ước tính tại Trung Quốc, 70% hệ thống sông hồ đã bị ô nhiễm bởi 2.5 tỉ lít nước thải từ ngành công nghiệp thời trang.

Khi sử dụng một sản phẩm cotton, chúng ta đã gián tiếp tiêu thụ hàng nghìn lít nước. Trong khi đó, lượng nước khổng lồ này đủ để cung cấp 85% dân số Ấn Độ 100 lít nước mỗi ngày trong suốt một năm.

Bông biến đổi gen không thay đổi đời sống nông dân

Bông biến đổi gen, hay còn gọi là Bt cotton, chiếm 89% số bông được trồng ở Ấn Độ. Tính đến năm 2015, đã có hơn 12.500 vụ tự tử của nông dân trồng bông tại Ấn Độ.

Tuy không trực tiếp gây ra những cái chết thương tâm, bông biến đổi gen tạo ra nhiều món nợ cho người nông dân Ấn Độ. Bt cotton có khả năng kháng một số loại sâu bệnh nguy hiểm. Nhưng do cấu trúc của chúng không thể sản sinh lứa tiếp theo, người nông dân phải mua hạt giống mới mỗi năm.

Hơn nữa, do những chính sách nghiêm ngặt của chính phủ, nhiều nông dân đã phải vay lãi suất cao để mua hạt bông trên thị trường chợ đen với giá cao gấp 3 đến 5 lần. Khi không đủ khả năng trả nợ, nhiều người đã chọn cái chết, thông thường bằng cách uống thuốc trừ sâu.

Cản trở sự phát triển của tầng lớp lao động nghèo

Với lịch sử bóc lột nô lệ, ngành công nghiệp sản xuất cotton hiện đại vẫn bị cáo buộc sử dụng hình thức nô lệ trẻ em và lao động cưỡng bức trong nhiều công đoạn khác nhau, từ trồng, thu hoạch đến tinh chế, xử lý nguyên liệu thô.

Ở những nơi như Tây Phi, Trung Phi hay Brazil, nông dân trồng bông không thể cạnh tranh về giá với nguồn bông trợ cấp từ Mỹ. Hội nghị Tổ chức Thương mại Thế giới tại Nairobi năm 2016 đã thống nhất tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và loại bỏ trợ cấp xuất khẩu cho bông, nhưng quá trình này vẫn còn là chặng đường dài.

Cotton hữu cơ — Giải pháp cho những vấn đề đạo đức

Sự ra đời của cotton hữu cơ đã giải quyết nhiều mối lo ngại về sức khỏe và môi trường. Cotton hữu cơ không chứa hóa chất độc hại như dầu mỏ, kim loại nặng, chất chống cháy, amoniac và formaldehyde. Điều này có lợi cho sức khỏe của cả người trồng và người mặc.

Ngoài ra, chi phí của hạt bông hữu cơ thấp hơn hạt bông biến đổi gen, giúp nông dân thoát khỏi vòng xoáy nợ nần và nghèo đói. Họ cũng ít phải sử dụng thuốc trừ sâu hơn cho bông hữu cơ nên sẽ tốt hơn cho môi trường.

Tất nhiên, vẫn còn những vấn đề trong quá trình biến xử lý bông hữu cơ thành quần áo. Cần đảm bảo rằng các công ty sử dụng bông hữu cơ có chính sách lao động minh bạch và công bằng.

Những động thái từ doanh nghiệp

Năm 2018, 36 thương hiệu lớn bao gồm Adidas, ASOS, H&M và Burberry đã cam kết sử dụng 100% cotton bền vững vào năm 2025. Điều này cho thấy sự tăng trưởng trong nhu cầu về cotton bền vững, giúp giảm tác động xã hội và môi trường của sản xuất bông truyền thống.

Tập Đoàn H&M đứng đầu trong việc phát triển chất liệu cotton hữu cơ

Hơn nữa, ngày càng có nhiều giải pháp mới giúp các doanh nghiệp theo dõi cotton họ sử dụng, chẳng hạn như blockchain. Mục đích của các giải pháp này là mang lại sự minh bạch hơn cho chuỗi cung ứng cotton bằng cách cho phép doanh nghiệp xác minh nguồn gốc của nguyên liệu thô, vải và hàng may mặc mà họ mua.

Chúng ta có thể làm gì?

Nếu quan tâm đến cotton bền vững, các doanh nghiệp có thể sử dụng bộ hướng dẫn từ CottonUP, được phát triển bởi các tổ chức với mong muốn hướng đến các giải pháp thiết thực trong việc tìm kiếm nguồn cung cotton tốt hơn.

Trên phương diện người tiêu dùng, chúng ta có thể tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, giá trị xã hội và môi trường của sản phẩm cotton trước khi quyết định mua. Bạn có thể tham khảo các tổ chức như Fairtrade, Global Organic Textile Standard, hay Better Cotton Initiative để tìm hiểu về các loại vải và chất liệu thời trang bền vững đáng quan tâm. Hoặc, bạn có thể tham khảo 4 tips sau đây để trở thành người yêu thời trang có ý thức hơn.

Theo Good On You.

Pocket
Tags: