Type to search

Tin văn hóa Văn hóa

Tại sao phải dạy con về tài chính?

Chia sẻ

Tên gọi của chương thứ 4 trong cuốn “Dạy Con Làm Giàu” của bộ đôi tác giả Robert Kiyosaki và Sharon Lechter đã nhắc đến một trong những chủ đề được quan tâm đặc biệt trong cuộc sống hiện đại ngày nay: Liệu có hay không nên thay những cuốn truyện cổ tích bằng những cuốn sách dạy về tài chính cho thế hệ tương lai của mình?

Quan trọng hơn cả tiền là kiến thức về tiền, nói rộng hơn là kiến thức về tài chính. Từ việc học cách quản lý tiền, tiết kiệm tiền, tiêu tiền và kiếm tiền… tất cả đều là một loại kiến thức. Nó quan trọng chẳng kém gì các môn khoa học khác, thậm chí còn quan trọng hơn bởi bạn cần áp dụng nó hằng ngày, cho đến cuối cuộc đời. Là một người trưởng thành, làm chủ tài chính bản thân là một cảm giác vô cùng tuyệt vời! Kể cả khi không quá dư dả, việc kiểm soát được tài chính sẽ giúp bạn cảm thấy an toàn, tự tin và quyết đoán. Bạn biến đồng tiền làm việc cho bạn thay vì bạn phải làm việc cho đồng tiền. Đó là tư duy không dễ dàng thay đổi, đặc biệt khi bạn đã bị cuốn vào vòng xoáy của tài chính. Và do đó, cách quản lý tài chính nên được dạy dỗ sớm cho con trẻ, để chúng có thể hình thành tư duy này ngay từ nhỏ, tạo nên hành trang cần thiết trước khi chúng trưởng thành. Vậy bạn đã sẵn sàng bổ sung thêm cho tủ sách của con mình những cuốn sách dạy con làm giàu chưa?

Rich Dad, Poor Dad (Cha Giàu, Cha Nghèo) – Robert Kiyosaki

Nếu bạn có hai người cha cùng truyền dạy cho bạn một chủ đề về tiền bạc, bạn sẽ lựa chọn con đường nào? Một người là bố ruột, một giáo viên luôn xem học thức quan trọng hơn tiền bạc nhưng luôn chật vật với đồng tiền (cha nghèo). Người còn lại là bố của một người bạn thân, một nhà kinh doanh giỏi nhưng học thức thấp (cha giàu). Lớn lên với hai người bố có xuất phát điểm khác nhau, có cách nhìn về học thức và tiền bạc ngược nhau, tác giả buộc phải lựa chọn mình sẽ học và làm theo người bố nào. Còn bạn, bạn sẽ nghĩ gì khi nghe được những lời khuyên trái ngược như: Ham mê tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều xấu hay thiếu thốn tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều xấu? Phải học giỏi thì mới được làm việc ở những công ty tốt hay học cho giỏi thì mới mua được những công ty tốt? Ngôi nhà là khoản đầu tư nhiều nhất và tài sản lớn nhất của chúng ta hay ngôi nhà cũng chỉ là một khoản tiền trả? Rich Dad, Poor Dad khai sáng người đọc bằng việc phân biệt khái niệm tài sản và tiêu sản, giúp người đọc nắm rõ sự khác biệt của hai khái niệm này để ta hiểu hơn về sự đối lưu của dòng tiền. Cuốn sách nhấn mạnh những cách làm giàu bằng việc tập trung tăng lên phần tài sản của mình, mặc dù sẽ có rủi ro, nhưng thành quả sẽ lớn hơn việc tiết kiệm thông thường.

The Total Money Makeover (Thay Đổi Diện Mạo Tài Chính) – Dave Ramsey

Hãy thử tưởng tượng bạn là một triệu phú trẻ ngoài 30 tuổi, có nhà đẹp, xe đẹp, vợ và hai đứa con nhỏ. Nhưng rồi cuộc sống tưởng như viên mãn đó bỗng một ngày đổ sập. Các khoản đầu tư không thể thu hồi lại vốn, số tiền đi vay vượt ngưỡng cho phép… Bạn phá sản! Lúc đó bạn sẽ làm gì ở tận cùng của xấu hổ, tủi cực và bất mãn với cuộc đời? Đó chính xác là những gì mà Dave Ramsey, tác giả cuốn The Total Money Makeover, đã trải qua. Nhưng thay vì gục ngã, tác giả đã lấy lại sự kiểm soát tài chính, thay đổi hoàn toàn cách nhìn của mình về tiền và một lần nữa… trở thành triệu phú. Được viết bằng trải nghiệm phá sản kinh hoàng của tác giả, cuốn sách sẽ truyền cảm hứng để mọi người tìm được sự tự do cho chính mình.

The Total Money Makeover nhấn mạnh tầm quan trọng của tiết kiệm an toàn và quản lý tiền chặt chẽ trước khi muốn đầu tư rủi ro để kiếm thêm tiền. Đọc cuốn sách, bạn sẽ nhận thấy việc kiếm tiền nhanh chưa hẳn đã là quyết định chính xác. Thay vào đó, việc xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh dựa vào cách chi tiêu hợp lý, thay đổi quan niệm về tiền, và đầu tư dài hạn mới là cách tác giả khuyên người đọc nên làm theo. Trong đó, có 7 kế hoạch kiểm soát tài chính được tác giả gợi ý:

  • Bước 0 (chuẩn bị): Lên kế hoạch chi tiêu mỗi tháng.
  • Bước 1: Tiết kiệm $1.000 ban đầu cho Tài khoản Khẩn Cấp (Emgerency Fund).
  • Bước 2: Trả tất cả các khoản nợ, bắt đầu từ khoản nhỏ nhất đến khoản lớn nhất.
  • Bước 3: Tiết kiệm 3-6 tháng tiêu dùng hàng tháng, cho vào Tài Khoản Khẩn Cấp.
  • Bước 4: Đầu tư 15% thu nhập vào tài khoản lương hưu tiết kiệm.
  • Bước 5: Tiết kiệm tiền học đại học cho con cái.
  • Bước 6: Trả hết tiền trả góp nhà (nếu có) hoặc sở hữu hoàn toàn một ngôi nhà.
  • Bước 7: Xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh và giúp đỡ người khác.

Think and Grow Rich (Suy Nghĩ và Làm Giàu) – Napoleon Hill

Xuất bản từ cách đây hơn 80 năm nhưng Think and Grow Rich vẫn luôn được xem là cuốn sách “gối đầu giường” của rất nhiều doanh nhân thành đạt. Là sự đúc kết bài học từ những người đàn ông giàu có trong thời đại đó như Andrew Carnegie, Thomas Edison và Henry Ford, cuốn sách sẽ dạy con bạn “lối tư duy một người cần phải có để trở nên giàu có”. Trong đó, 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu trong cuốn sách sẽ chỉ dẫn ra những nguồn lực mà một người phải có để trở nên thành công. Ở đó, “Thành công cá nhân” và “Quan điểm tích cực” được xem như kim chỉ nam cho mọi nguyên tắc. Đặc biệt hơn, cuốn sách không những giúp bạn trở nên giàu có mà còn làm phong phú thêm cho cuộc sống của bạn.

Make Your Kid a Money Genius (Để Con Bạn Thành Thiên Tài Tiền Bạc) – Beth Kobliner

Make Your Kid a Money Genius đơn giản là cuốn sách dành cho cả cha mẹ và con cái. Beth Kobliner đã rất tinh tế trong việc lựa chọn các thuật ngữ và lối diễn đạt đơn giản khi đề cập đến các chủ đề tài chính khác nhau để con trẻ có thể dễ dàng tiếp thu và nhận những lời khuyên khác nhau. Theo đó, cuốn sách sẽ dạy trẻ cách quản lý tiền bạc và phù hợp với rất nhiều nhóm tuổi, từ những đứa trẻ mới chập chững biết đi tới những thiếu niên đang dần trưởng thành. Đây là một tài liệu tham khảo có giá trị hướng dẫn cha mẹ trong từng giai đoạn của cuộc đời con họ.

 

Pocket
Tags: