Type to search

Pop Art: Vẻ đẹp trần trụi và rực rỡ

Chia sẻ

Pop Art mang lại một ý nghĩa mới cho những nghệ sỹ của thời đại mới. Khai trừ những bóng mờ của nghệ thuật trừu tượng, Pop Art mở ra một lối sống thực tế và rực rỡ, minh chứng qua sự sung túc và phóng khoáng của thời hậu chiến.

Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Pop Art cũng là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Bảo Tàng Mỹ Thuật Tân Thời của San Francisco (SFMOMA) vào năm 2007 với triển lãm “Andy Warhol and The Factory”. Ban đầu, Pop Art hoàn toàn không giống như tôi mong đợi. Sự thể hiện của nó quá khác biệt với nghệ thuật truyền thống bởi cảm giác thô ráp và trần trụi. Nhưng càng xem, càng tìm hiểu, tôi bỗng thấy tự lúc nào mình bị thứ nghệ thuật này gây mê và cuốn hút một cách đầy ma lực. Tôi tò mò tự hỏi vì sao Pop Art lại có khả năng dẫn dắt người xem chìm đắm trong những xúc cảm đa chiều, đan xen giữa mâu thuẫn, bất cân bằng, đồng thời lại kích thích tò mò khám phá đến thế?

KHÁI NIỆM MỸ THUẬT ĐẠI CHÚNG

Pop Art là từ viết tắt của “Art for popular culture” (hay mỹ thuật đại chúng). Điều đặc biệt của Pop Art là dù không có kiến thức sơ đẳng về mỹ thuật, người xem vẫn có những phản ứng và cảm xúc rất rõ rệt. Các tác phẩm Pop Art đẩy cảm xúc của người xem đến cao trào, đôi khi lạc lõng, rồi thả trôi họ giữa một thế giới vật chất tưởng như thân quen, nhưng hoàn toàn xa lạ về tư duy. Đấy là đặc điểm khiến cho Pop Art đầy cuốn hút, dù vẻ ngoài có đơn giản hay thậm chí là “tầm thường”.

Andy Warhol

Pop Art xuất phát từ Anh Quốc giữa thập niên 50, sau lan rộng sang Hoa Kỳ và thật sự làm bùng nổ cuộc tranh cãi về ý niệm “Thế nào là nghệ thuật cao cấp và chính thống?” Xuyên suốt thế kỷ 17,18, những nghệ sĩ ở Châu Âu, điển hình là Hà Lan, như John Vermeer hay Frans Hals đã mở đầu cho việc đưa nghệ thuật đến gần hơn với đại chúng. Nghệ thuật bấy giờ không chỉ phụ thuộc vào quyền lực của tôn giáo nữa mà mở rộng đến tầng lớp trung lưu, mang lại cho họ những sự thật trần trụi nhưng đồng thời là những mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng phải đến thế kỷ thứ 20, người nghệ sĩ mới được hoàn toàn làm chủ và tự do truyền tải các tư tưởng tân thời. Đặc biệt với sự ra đời của máy ảnh, nghệ thuật đã thực sự giải thoát nghệ sĩ ra khỏi chức danh “người ghi chép lịch sử qua tranh.” Từ đó, họ chìm đắm trong những ý niệm trừu tượng, đối lập về tư duy và thế giới quan của mỗi cá nhân.

Thiết kế của Pierre Cardin

Như một lời thách thức đối với mỹ thuật truyền thống vốn trau chuốt những giá trị cổ điển và lịch sử, Pop Art là một bước ngoặt lớn của nghệ thuật tân thời. Xuất thân trong thời đại công nghiệp, Pop Art kết hợp một cách ngẫu nhiên những nguyên liệu của truyền thông đại chúng như tờ rơi, tin tức, tranh ảnh… để ca ngợi cái đẹp đời sống thường ngày. Tuy nhiên, sự ngẫu nhiên của Pop Art là một sự ngẫu nhiên có trật tự. Nghệ sĩ Pop Art, cũng như những nghệ sĩ trong các trào lưu nghệ thuật tân thời khác, đều có khả năng sáng tác theo mọi tiêu chuẩn hàn lâm chính quy nhưng họ chọn cho mình một lối rẽ mang tên Tự Do.

Họ tách biệt vật chất ra khỏi ngữ cảnh thông thường, chắp nối chúng thành những mảnh ghép với nhiều bất ngờ khó đoán. Pop Art cũng không còn giới hạn trong tranh vẽ, kiến trúc hay điêu khắc mà mở rộng ra đa chất liệu, phản ánh xã hội thịnh vượng tân thời.

CUỘC NGẪU HỨNG CỦA NHỮNG SẮC MÀU

Một đặc điểm dễ nhận dạng của Pop Art là màu sắc. Nghệ sĩ thường dùng nhiều khối màu sáng có sắc độ tương phản để thu hút người xem. Không thể không nhắc đến Andy Warhol với loạt chân dung vẽ cô đào Marilyn Monroe hay khả năng sáng tạo đặc biệt của ông khi bất cứ một sản phẩm thông thường nào như lon súp Campell’s hay hộp xà phòng Brillo cũng có thể mang đậm dấu ấn nghệ thuật. Những bức tranh khổ to của ông với hàng loạt lon súp Campell’s chồng chất lên nhau, lên án vấn nạn đồng hoá của thời đại công nghiệp.

Tác phẩm nỏi tiếng của Andy Warhol vẽ cô đào Marilyn Monroe

Tuy nhiên, với những khác biệt nhỏ nhặt giữa những lon súp, đòi hỏi cái nhìn và tìm hiểu sâu, ông ám chỉ một khía cạnh tự nhiên—sự khác biệt và duy nhất trong bản chất của mỗi con người. Điểm bứt phá hơn cả của Pop Art là có thể mang tinh thần nghệ thuật từ viện bảo tàng ra đến đường phố và chốn công cộng. Đây cũng là một trong những giai đoạn mà người nghệ sĩ có thể chuyển tài năng là ý tưởng cá nhân thành tiếng tăm và quyền lực. Và cũng bắt đầu từ Pop Art, người ta biết đến những buổi tiệc thâu đêm, những cuộc gặp gỡ giữa những nghệ sĩ, và khái niệm “social butterfly” hình thành.

Triển lãm của Andy Warhol

Pop Art mang lại một ý nghĩa mới cho những nghệ sĩ của thời đại mới. Khai trừ những bóng mờ của nghệ thuật trừu tượng, Pop Art mở ra một lối sống thực tế và rực rỡ, minh chứng qua sự sung túc và phóng khoáng của thời hậu chiến. Mặc dù Pop Art về nhiều mặt bị xem như một hình thức nghệ thuật vô cảm và quá đối lập với những triết lý của thế hệ cũ, những nghệ sĩ Pop Art như những nhà tiên tri, có thể dự đoán về tương lai của thời đại công nghiệp, nơi mà giá trị của con người hầu như được định đoạt dựa vào những vật dụng họ sở hữu.

ẢNH HƯỞNG CỦA POP ART

Tư tưởng hiện đại của Pop Art cũng lan rộng sang nhiều lĩnh vực như âm nhạc, thời trang, thiết kế và trở thành lối sống của thập niên 50, 60. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, sức ảnh hưởng toàn cầu của ông hoàng nhạc Pop Elvis Presley hay nhóm nhạc huyền thoại The Beatles với các ca khúc về tình yêu, hoà bình, con người, và những giấc mơ đương đại làm cho cuộc sống cởi mở hơn. Con người bấy giờ gửi gắm khát khao và hi vọng vào Pop Art với một tinh thần tự do, phóng khoáng, và tràn đầy tích cực. Pop Art trở thành cầu nối cho những ước mơ trẻ, nơi con người không cần ẩn mình trong những hoài nghi về những hình thức cầu kỳ.

Nhà thiết kế Pierre Cardin

Những bộ váy áo của Pierre Cardin, hay Yves Saint Laurent với những khối hình học màu sáng, bắt mắt, và đầy tương phản, cùng với những đường cắt cúp tối giản trở thành khuynh hướng thời trang phản ảnh cái nhìn của Pop Art. Sự thăng hoa của Pop Art đặt một bước tiến mới vào nền công nghiệp và sản xuất. Con người trở nên năng động và đầu tư vào cuộc sống vật chất hơn để khoả lắp những mất mát trong chiến tranh.

Trong những năm tháng của thập niên 60 và 70, cuộc chiến khốc liệt tại Việt Nam và sự khốn khổ của loài người trong vòng tranh chấp quyền lực đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho Pop Art. Nghệ sĩ trong và ngoài nước dùng Pop Art vẽ nên bức tranh thực trạng của chính trị cũng như chỉ trích sự vô nghĩa của chiến tranh. Những tác phẩm Pop Art của nghệ sĩ Việt Nam phần lớn công khai phản đối chiến tranh và được dùng như một phương tiện tuyền truyền. Một số nghệ sĩ Việt khác như Dinh Q. Le (Lê Quang Đỉnh) lại dùng Pop Art để để dệt nên sự thương cảm xen kẽ với nỗi buồn về thời chiến qua những vật dụng thương mại đa dạng vể màu sắc như bao bì, vỏ chai, hộp ngũ cốc. Những tác phẩm mới của Dinh Q. Le hay một số nghệ sỹ khác vào thời kỳ này là những minh hoạ điển hình cho sự thay đổi về văn hoá Việt Nam nói chung, khi thời đại mới dần dần đẩy lùi hình ảnh của chiến tranh vào quá khứ.

Tác phẩm của Dinh Q. Le

Khác với chủ nghĩa trừu tượng biểu hiện, nơi người nghệ sĩ bỏ rơi thế giới bên ngoài để chìm đắm trong nội tâm và khám phá tâm tư của chính mình, Pop Art mở rộng cánh cửa để mỗi tâm hồn có thể kết nối với nhân sinh và môi trường vật chất xung quanh, rồi từ đó tìm kiếm giá trị thực. Cho đến nay, Pop Art đã sinh trưởng và hoà mình và thế giới của nghệ thuật đương đại. Nghệ sĩ thời nay vẫn tiếp tục mang linh hồn và chất liệu của Pop Art cộng hưởng với những đổi mới trong tư duy để vẽ lên những đường nét khắc hoạ cuộc sống.

Riêng tôi, nhận thấy rằng dù đến một thời điểm, Pop Art có thể bị thay thế bởi những trào lưu mới, điểm giá trị nhất vẫn nằm ở tầm ảnh hưởng để đời của Pop Art đến nhận thức của công chúng. Đó là một giá trị lịch sử không thể lưu mờ.

Pocket
Tags:

You Might also Like