Type to search

Nội thất/Kiến trúc Phong cách sống

Bên trong những thư viện đẹp nhất thế giới

Chia sẻ

Không chỉ là không gian lưu trữ nguồn tri thức vô giá của nhân loại, những thư viện này còn là hình mẫu hoàn hảo về nội thất và kiến trúc.

Thư viện Trinity College – Dublin

Mở cửa: 1592

Số sách: 6 triệu

Nếu phải gợi ý một địa điểm nhất định phải đến trong chuyến du lịch Dublin, đó chắc chắn sẽ là thư viện Trinity College – thư viện lớn nhất Ireland và thuộc sở hữu chung của trường Cao đẳng Trinity College và trường Đại học Dublin. Không gian nội thất được trang trí công phu và bắt mắt này là “nhà” của cuốn Book of Kells (hay Phúc âm Kells) – cuốn sách nổi tiếng nhất Ireland với niên đại từ 1.200 năm trước. Ngoài ra, có rất nhiều bản thảo viết tay cổ trong tổng số 6 triệu cuốn sách được lưu trữ ở đây. Ấn tượng nhất trong toàn bộ không gian thư viện chắc chắn phải là Long Room (dài 65m, có niên đại từ thế kỷ 18) – nơi lưu trữ 200.000 cuốn sách lâu đời nhất của thư viện và được trang hoàng bằng những bức tượng bán thân (tất cả đều là nam giới) đẹp nhất của thế giới phương Tây.

Thư viện Tu viện Kremsmünster – Áo

Mở cửa: 1689

Số sách: 160.000

Được thành lập từ năm 777 bởi Tassilo III, đây là thư viện lớn nhất và lâu đời nhất nước Áo. Các cuộc nội chiến đã khiến tu viện bị tổn thất nặng nề trước khi nó được xây dựng lại bởi kiến trúc sư Carlo Antonio Carlone – sứ giả của trường phái Baroque – trong vòng 9 năm (1680 – 1689). Bốn phòng sách mà các du khách có thể tham quan gồm: Phòng của người Hy Lạp, Phòng của người Latin, Phòng đọc và Phòng Benedictine. Mỗi phòng được đặt theo tên các bức bích họa được tạo ra bởi danh họa Melchior Steidl – người sử dụng những sáng tạo đầy màu sắc của mình để vinh danh các sử gia, học giả và các nhân vật nổi tiếng trong văn học. Trong số này có thể kể tới Plato, Aristotle và Hoàng hậu của Sheba. Ngoài 160.000 cuốn sách và 1.700 bản thảo viết tay, Codex Millenarius là cuốn sách nổi tiếng nhất thư viện. Đó là cuốn sách cổ, chứa tất cả 4 quyển Phúc âm bằng tiếng Latin và được viết vào khoảng năm 800 SCN tại tu viện Mondsee.

Thư viện Cung điện quốc gia Mafra – Bồ Đào Nha

Mở cửa: 1771

Số sách: 36.000

Thư viện này không chỉ gây ấn tượng bởi những cuốn sách cổ mà còn là nơi lưu trú vĩnh viễn của những con dơi nhỏ. Vào ban đêm, đàn dơi này có nhiệm vụ bắt mối mọt và côn trùng để chúng không thể làm hỏng bộ sưu tập của thư viện. Bên cạnh đội ngũ “thiên địch” sáng tạo này, thư viện (nằm trong khuôn viên cung điện quốc gia Mafra) còn sở hữu lối kiến trúc Rococo độc đáo. Đây là phong cách kiến trúc và nghệ thuật nổi tiếng vào thế kỷ 18.

Được xây dựng bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Bồ Đào Nha, Manuel Caetano de Sousa, thư viện Mafra dài 88m, rộng 9,5m và cao 13m. Sàn nhà sáng bóng được bao phủ bằng gạch hoa hồng, đá cẩm thạch màu xám và trắng. Giá sách bằng gỗ theo phong cách Rococo nằm bên hông, được ngăn cách bởi lan can bằng gỗ. Thư viện lưu trữ 36.000 cuốn sách, được bọc da cẩn thẩn, ghi chép thành tựu kiến thức của phương Tây từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19. Trong số đó, có nhiều cuốn sách incunabula (sách in trước năm 1501) có giá trị tham khảo lớn.

Thư viện Tòa thánh Vatican – Thành phố Vatican

Mở cửa: 1475

Số sách: 1,1 triệu

Thường được biết đến với cái tên Thư viện Vatican hay Vat (tên gọi tắt), thư viện đầy màu sắc này là thư viện chính thức của Tòa thánh Vatican và được sử dụng cho mục đích nghiên cứu. Thư viện mở cửa tự do cho bất kỳ ai có thể chứng minh được trình độ và nhu cầu nghiên cứu thực sự. Đây là không gian lưu trữ những cuốn sách vô cùng giá trị về lịch sử, luật, triết học, khoa học và thần học, cũng như 75.000 bản thảo viết tay và 8.500 cuốn incunabula.

Bibliotheca Alexandrina – Alexandria, Ai Cập

Mở cửa: 2002

Số sách: Chưa có số liệu chính thức

Alexandria là một trong những thư viện lớn nhất và quan trọng nhất của thế giới cổ đại. Tuy nhiên, các cuộc nội chiến đã khiến thư viện mãi mãi không thể trở lại ánh hào quang xưa. 700.000 văn bản đã bị đốt và không bao giờ có thể khôi phục lại. Đó mãi mãi là vết nhơ trong lịch sử đối với một trong những địa điểm văn hóa thiêng liêng nhất mọi thời đại.

Mãi đến đầu những năm 2000, chính quyền Ai Cập mới phát động phong trào khôi phục lại thư viện. Bibliotheca Alexandrina chính thức mở cửa vào năm 2002 và phục vụ như một trung tâm văn hóa toàn cầu, với sự giúp sức từ khắp nơi trên thế giới: Nước Ý giúp bảo tồn các bản thảo viết tay, Hy Lạp cho mượn các cổ vật, người Mỹ giúp thiết lập hệ thống công nghệ quản lý, và thư viện quốc gia Pháp quyên tặng 500.000 cuốn sách để biến nó trở thành thư viện Pháp ngữ lớn thứ 6 thế giới. Bibliotheca Alexandrina, tự xưng là “trung tâm học tập, nghiên cứu, đối thoại và trí tuệ”, thường xuyên tổ chức các buổi triển lãm nghệ thuật, hội thảo và đang lên kế hoạch sưu tập 5 triệu cuốn sách.

Thư viện Bodleian – Oxford, Anh

Mở cửa: 1602

Số sách: 12 triệu

Bodleian thực chất là một chuỗi gồm các thư viện nhỏ. Đây là thư viện quan trọng nhất của Vương quốc Anh. “Bod” (như các sinh viên vẫn thường gọi) là một trong những thư viện lâu đời nhất ở châu Âu và trong vòng 400 năm qua, đây là nơi lưu trữ tất cả các cuốn sách được xuất bản tại Anh. Thư viện hiện đang sở hữu khoảng 12 triệu cuốn sách, trải rộng khắp các tòa thư viện nhỏ và các hành lang ngầm xung quanh thị trấn với chiều dài kệ sách lên tới 190 km. Thư viện có 29 phòng đọc và 2.490 bàn đọc (năm 2013).

Bên cạnh số lượng sách khổng lồ, Bodleian còn gây ấn tượng nhờ không gian nội thất được trang trí vô cùng độc đáo. Đây thường xuyên là nơi được sử dụng làm bối cảnh trong các bộ phim, trong đó phải kể tới phần đầu tiên trong series phim Harry Porter.

Thư viện Raza – Uttar Pradesh, Ấn Độ

Mở cửa: 1774

Số sách: 30.000

Raza, được đăng ký là khu tích quốc gia, là kho lưu trữ di sản và các nghiên cứu quan trọng về văn hóa Ấn-Hồi kể từ khi Nawab (nhà cai trị Hồi giáo bán tự trị) đầu tiên của Rampur, Faizullah Khan, thành lập vào năm 1774. Thư viện Raza, ban đầu, hoạt động như một thư viện cá nhân của Nawab. Sau đó, rất nhiều cuốn sách đã được bổ sung, gồm cả các bản thảo viết tay và các cuốn sách cổ được viết trên lá cọ, và trở thành nơi tham quan, nghiên cứu cho các du khách và các học giả.

Bên trong thư viện lưu trữ rất nhiều bản thảo cực hiếm và có giá trị nghiên cứu, các tài liệu lịch sử, các bức thư pháp Hồi giáo, dụng cụ xem thiên văn và các tác phẩm cổ bằng tiếng Ả Rập và tiếng Ba Tư. Thêm nữa, thư viện cũng lưu trữ các tác phẩm được in bằng tiếng Phạn, tiếng Hin-di, tiếng Urdu, tiếng Pashtun (trong đó có bản thảo gốc bản dịch đầu tiên của Kinh Koran), tiếng Tamil, và khoảng 30.000 cuốn sách in bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Thư viện Laurentian – Florence

Mở cửa: 1571

Số sách: Khoảng 170.000

Laurentian được lên kế hoạch vào năm 1523 dưới sự bảo trợ của gia đình Medici và bắt đầu xây dựng vào năm 1525. Kiến trúc sư đại tài Michelangelo là người chịu trách nhiệm dự án này. Tuy nhiên, khi ông rời Florence vào năm 1534, mới chỉ có những bức tường trong phong đọc được hoàn thành. Sau đó, thư viện tiếp tục được xây dựng bởi Tribolo, Vasari và Ammannati dựa trên thiết kế và hướng dẫn (bằng miệng) của Michelangelo. Thư viện mở cửa vào năm 1571. Nó mang vẻ đẹp tổng hòa của tinh hoa Michelangelo và các kiến trúc sư khác. Chính bản thân Michelangelo cũng phải thừa nhận Laurentian là một cuộc cách mạng về kiến trúc.

Laurentian hiện đang lưu trữ khoảng 11.000 bản thảo viết tay, 2.500 sách bằng giấy cói, 43 bản thảo trên đá, 566 cuốn incunabula, 1.681 cuốn sách in trong thế kỷ 16, 592 tạp chí về các chủ đề liên quan và 126.527 cuốn sách có niên đại từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX. Nếu so sánh với các thư viện khổng lồ khác của nước Ý, Laurentian có phần thua kém hơn về số lượng. Tuy nhiên, điều khiến thư viện này trở nên đặc biệt đó là giá trị thời đại của các cuốn sách. Trong đó, có 3.000 bản thảo được lập chỉ mục bởi Giovanni Rondinelli và Baccio Valori năm 1589. Các cuốn sách chép tay thuộc bộ sưu tập cá nhân của gia đình Medici, với 63 cuốn sách nổi tiếng thuộc sở hữu của Cosimo de’ Medici.

Thư viện Admont Abbey – Admont, Áo

Mở cửa: 1776

Số sách: 200.000

Admont Abbey, nằm dưới chân dãy Alps, còn được biết đến là thư viện tôn giáo lớn nhất thế giới. Đây là một trong những sứ giả tiêu biểu của trường phái kiến trúc Baroque, với những bức tranh tường tuyệt đẹp và các đại sảnh ngập tràn ánh sáng. Đây là không gian lưu trữ của 200.000 đầu sách. Trong số đó, có hơn 1.400 bản thảo viết tay (văn tự cổ xưa nhất có niên đại từ thế kỷ thứ 8) và 530 cuốn incunabula.

Thư viện Klementinum – Prague, Cộng Hòa Czech

Mở cửa: 1722

Số sách: Khoảng 200.000

Klementinum hay Thư viện quốc gia Cộng Hòa Czech là một trong những kiệt tác kiến trúc ấn tượng nhất ở thủ đô Prague. Đây là đại diện tiêu biểu cho phong cách Baroque, với các cột gỗ xoắn ốc mạ vàng và các bức tranh trần ấn tượng, mang đến cảm giác choáng ngợp và mê mẩn. Đây được xem là báu vật nghệ thuật của người Czech.

Mở cửa vào năm 1722, thư viện Klementinum ban đầu là một phần của trường dòng Prague danh giá lớn thứ 3 thế giới. Thời gian đầu, nơi đây chỉ cho phép sinh viên Công giáo theo học và đọc sách trước khi mở cửa tự do cho người dân và du khách khắp nơi trên thế giới. Hiện nay, thư viện Klementinum là một trong những địa điểm nhất định phải tới của các du khách và các học giả khi đến Prague.

 

Pocket
Tags: