Năm 1911, nhà thiết kế thời trang nổi tiếng của Pháp, Paul Poirrt, trở thành nhà thiết kế đầu tiên tạo ra một mùi hương liên quan đến thời trang cao cấp. Mười năm sau, Chanel đã làm nên lịch sử với nước hoa biểu tượng No.5, đến nay vẫn đứng đầu trong các bảng xếp hạng nước hoa của hiện tại. Sự thành công của Chanel No.5 đã thúc đẩy một loạt các thương hiệu cao cấp khác tạo ra mùi hương của riêng họ, từ Karl Lagerfeld, Missoni, Versace, Tommy Hilfiger, Prada, Gucci cho đến Burberry hay Marni, See by Chloé…Khi sở hữu nước hoa từ những hãng này, bạn không chỉ mua một mùi hương. Quan trọng hơn, đây là cánh cửa nghỏ để bước vào một thế giới khác.
Hãy thử tưởng tượng, một ngày nọ, Miuccia Prada quyết định sẽ có một loại nước hoa cá nhân mang tên bà. Tất nhiên Miuccia chẳng phải nhúc nhích dù chỉ một ngón tay để làm điều đó. Thay vào đó, bà (hoặc phòng PR) sẽ gửi thẳng đến một trong tám công ty chuyên sản xuất nước hoa của thế giới, còn được gọi là Big Right một thông điệp ngắn, được xem như ý tưởng chung cho loại nước hoa mới. “Tôi thích mùi táo trong tuyết Trung Quốc”, “Tôi thích cảm giác như một cô gái trẻ bơi trong biển Đại Tây Dương và tôi cần bán hết 1 triệu chai trong năm đầu tiên”. Đội ngũ PR sẽ đưa yêu cầu đó tới các chuyên gia của mùi hương và để họ tự giải nghĩa những thông điệp này theo một cách hoàn hảo nhất.
Tuy nhiên, nếu Miuccia Prada quyết định sẽ có một loại nước hoa mới dành cho thương hiệu Prada, câu chuyện hẳn sẽ phức tạp hơn nhiều. Mùi hương mới giờ đây không đơn giản là sự tổng hòa của những hương liệu theo một trật tự nào đó, mà còn phải phản ánh tinh thần và linh hồn của thương hiệu dưới hình thức khứu giác. Mùi hương phải là sự kết nối với toàn bộ lịch sử, phong cách và câu chuyện mà thương hiệu thời trang đã tạo ra trong những tháng năm tồn tại của nó. Cụ thể hơn, đó sẽ là các tài liệu tham khảo lịch sử, các bản phác thảo, các chất liệu vải truyền cảm hứng cho nhà thiết kế khi tạo ra những bộ sưu tập làm nên danh tiếng cho thương hiệu.
Trong khi Marni lấy cảm hứng từ các bộ sưu tập cho nước hoa đầu tay thì See by Chloé lại có một cách tiếp cận khác: đó là những cô gái của See by Chloé, như cách người mẫu Hà Lan Bette Franke nói: “Tôi là cô gái See by Chloé”. Không giống như mùi hương của Marni sẽ đổi thay theo cá tính của mỗi người dùng nó, nước hoa See by Chloé bản thân mình đã mang theo một cá tính. Và Bette Franke là hiện thân cho cá tính đó, một cô gái hiện đại, sang trọng, năng động và tươi mới. Tất cả những nét cá tính này đã được chưng cất thành công vào nước hoa See by Chloé, ngay từ phiên bản đầu tiên. “Hãy nhìn chiếc váy Chloé này, tôi có thể mặc nó ban ngày với một chiếc áo khoác da, tôi cũng có thể mặc nó đi thẳng đến tiệc đêm với giày cao gót. Chai nước hoa này cũng y như vậy. Bạn có thể mang nó đi mọi nơi”, Franke nói.
Trong khi các thương hiệu thời trang khác đã đến với nước hoa từ rất sớm thì cuộc dạo chơi của Bottega Veneta chậm rãi hơn nhiều. Đến tận năm 2011, thương hiệu này mới ghi dấu ấn đầu tiên của mình trong thế giới hương thơm với “Bottega Veneta for women”. Nàng thơ của mùi hương lại đến từ chất liệu nổi tiếng: chất liệu da. Để tỏ lòng tôn kính những nghệ nhân đồ da – một di sản của Bottega Veneta, giám đốc sáng tạo Tomas Maier đã tạo ra một hương thơm lấy mùi da thuộc làm yếu tố trung tâm, xoay quanh nó là các ghi chú gợi nhắc đến mùa hè mù sương của Venetian. Kết quả là một hương thơm có sự sang trọng vô hình, đúng chất Bottega Veneta. Ra mắt năm 2011, Bottega Veneta được tạo ra từ hương cam bergamot, hạt tiêu hồng Brazil, nhài Ấn Độ, rêu sồi, hoắc hương, hoắc hương Ấn Độ và da thuộc. Đầu năm 2013, một phiên bản nhẹ nhàng của Bottega Veneta được ra mắt, Bottega Veneta Eau Legere, với sự pha trộn các yếu tố nguyên bản với sự tươi mát của nước.
“Quá trình tạo ra một loại nước hoa chính xác như khi tạo ra một bộ sưu tập thời trang”, Carolina Castiglioni – nữ thừa kế của Marni giải thích về dòng sản phẩm nước hoa đầu tay của thương hiệu danh tiếng này. “Phần vỏ chai được thiết kế như khi chúng tôi tạo ra một phụ kiện. Nó phải có đường nét đơn giản, và chúng tôi thêm vào đó những yếu tố thường thấy trong phụ kiện Marni: sự tung hứng với tỷ lệ, một hình dáng mạnh mẽ, và chắc chắn phải có những chấm bi- dấu ấn của thương hiệu”. Nhưng phức tạp hơn nhiều là thứ chất lỏng ở bên trong – điều hầu như nằm ngoài tầm tay của những nhà thiết kế vốn chỉ xuất sắc trong việc tạo ra những thứ xinh xắn, nhỏ bé. Là một công ty gia đình, Marni có phương pháp tiếp cận mọi khía cạnh của kinh doanh theo một phong cách rất cá nhân. Và, theo Castiglioni, đây là một mùi thơm rất riêng. “Mẹ tôi không thích hoa, trái cây hoặc nước hoa ngọt ngào. Tôi bắt đầu bằng cách ngửi hơn 100 thành phần. Hương thơm cuối cùng mất gần hai năm để tạo ra bởi chúng tôi muốn một cái gì đó thực sự là ‘Marni đóng chai’”. Kết quả là một loại nước hoa nữ tính nhưng không ngọt ngào với các thành phần của gừng, hạt tiêu và lớp hương gỗ chìm đắm.
Lâu nay, tôn chỉ của Marni là không áp đặt thẩm mỹ của mình lên các tín đồ thời trang, đó là lý do vì sao họ không quảng cáo cho các bộ sưu tập. Nhưng nước hoa thì khác. “Nước hoa cho phép chúng tôi chạm đến cả những người chưa từng đặt chân vào thế giới của Marni”. Castiglioni đã thành công trong việc tạo ra một quảng cáo tinh tế, thể hiện được tinh thần của Marni và hoàn toàn không tạo ra sự áp đặt nào về gu hay các quy chuẩn thẩm mỹ.
Không thể không nói tới nước hoa Florabotanica được xem như một trong những mùi hương thú vị nhất ra mắt cuối năm 2012 của các thương hiệu thời trang. Dường như mọi chi tiết của Florabotanica đều nhắc người ta nhớ đến một dấu ấn thời trang nào đó: những vạch đen trắng cổ điển trên nắp và ống hút như một lời chào hỏi tới nhà sáng lập Cristóbal Balenciaga, những họa tiết hoa mỹ trên hộp lấy từ bộ sưu tập Balenciaga mùa thu năm 2011. Và bản thân mùi hương cũng lấy cảm hứng từ những họa tiết hoa của Balenciaga từ mùa xuân năm 2008, theo ý tưởng của Giám đốc sáng tạo Nicolas Ghesquière. “Những bông hoa trong sưu tập năm 2008 không lãng mạn cũng không ngây thơ mà mang dấu ấn của kiến trúc đương đại. Tôi muốn Florabotanica phải thể hiện ý tưởng tương tự”. Để tạo ra mùi hương rất đặc biệt này, Ghesquière đã phải cậy nhờ đến hai nghệ sỹ mùi hương Jean-Christophe Héraul và Olivier Polge (con trai của chuyên gia mùi hương Jacques Polge nhà Chanel). Và kết quả là một tác phẩm “chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tầm nhìn đương đại của Nicolas Ghesquière, được thể hiện qua sự độc đáo của cấu trúc pha trộn kiến trúc, hình dạng sáng tạo và vật liệu công nghệ”. Florabotanica có thành phần chính là cỏ vetiver, lá caladium, bạc hà, cẩm chướng và hổ phách – sự kết hợp lạ cho một mùi hương đẹp lạ nhưng cũng không kém phần “nguy hiểm” với chất nam tính ẩn giấu trong đó.
Cũng trong giai đoạn mùa thu năm 2012, Chanel cho ra mắt Coco Noir. Nếu phải xếp hạng những tác phẩm mang trong nó sự nối kết sâu sắc giữa lịch sử thời trang và hương thơm thì Coco Noir ắt hẳn phải xếp vị trí đầu tiên. Coco Noir của năm 2012 cũng như Coco (1984) và Coco Mademoiselle (2001) đều lấy cảm hứng từ phương Đông, thành Venice, nghệ thuật Baroque…- những dấu ấn không thể nào quên trong cuộc đời người đàn bà lừng danh Gabrielle Chanel. Nếu Coco khai thác những mùi hương gia vị nồng ấm truyền thống đến từ phương Đông thì Coco Mademoiselle tràn ngập hương hoa trái nồng nàn của một phương Đông hiện đại, tươi mát. Coco Noir lại như một người đàn bà trưởng thành với nét táo bạo lộng lẫy của thời kỳ Baroque và sự thanh lịch cổ điển đầy tinh tế. “Với Coco Noir, tôi đã nghĩ đến Coco và Coco Mademoiselle, bởi vì chúng đều là một phần của quá khứ. Tôi muốn tiếp tục khám phá toàn bộ thế giới thẩm mỹ của nước hoa CHANEL, một thế giới khác những mùi hương hoa như Bois-des-Iles và Cuir de Russie… Quan điểm ‘Phương Đông bắt đầu và kết thúc ở Venice” về đêm như nhập vào tôi và đó là nơi tôi muốn đến”. (Jacques Polge)
FOLLOW US