Type to search

Tin văn hóa Văn hóa

Lý giải hiện tượng showbiz Hàn chinh phục cả thế giới

Chia sẻ

Chẳng phải ngẫu nhiên làn sóng văn hóa đại chúng của Hàn Quốc (còn được biết đến với cái tên: K-Pop) lại được đông đảo thế giới đón nhận!

Tháng 2 vừa qua, thế giới điện ảnh chứng kiến một cơn chấn động khi bộ phim Ký Sinh Trùng của đạo diễn Bong Joon-ho chiến thắng ở 04 trên 06 đề cử tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 92. Cùng với giải thưởng danh giá nhất Best Picture, Ký Sinh Trùng cũng trở thành tác phẩm ngoại ngữ kiêm phim châu Á đầu tiên đoạt danh hiệu này. Kỷ lục ấy không chỉ mang lại thành công cho ekip làm phim mà còn là sự khẳng định không thể ngọt ngào hơn về việc showbiz Hàn đang thực sự chinh phục cả thế giới. Tất cả thành công ấy đến từ một kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng của chính phủ nước này!

Bộ phim Ký Sinh Trung tạo nên kỷ lục ấn tượng tại Oscar 2020

Lịch sử văn hóa đại chúng Hàn Quốc chinh phục thế giới

Trên thực tế, câu chuyện thành công của showbiz Hàn hoàn toàn không hề ngẫu nhiên. Kể từ năm 1980, sau quá trình dân chủ hóa, đất nước xứ kim chi đã thực hiện việc nới lỏng kiểm duyệt, giảm bớt hạn chế đi lại và nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế. Điều đó đã giúp nền văn hóa đại chúng có cơ hội phát triển. Từ lâu, “hallyu” hay “Làn sóng Hàn Quốc” đã chứa đựng nội hàm về chủ nghĩa dân tộc văn hóa và trở thành công cụ xây dựng sức mạnh mềm của chính phủ nước này. Hàn Quốc hiện cũng nằm trong Top 10 nước “xuất khẩu văn hóa” hàng đầu thế giới.

Có thể nói, nền văn hóa đại chúng hiện đại Hàn Quốc đã xuất hiện từ vài chục năm trước. Vào đầu những năm 1990, các nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc bắt đầu nở rộ trong nước. Nhóm nhạc Seo Taiji & Boys ra mắt khán giả lần đầu tiên trong chương trình Tìm kiếm tài năng Hàn Quốc năm 1992. Đây được xem là sự khởi đầu cho thế hệ các nhóm nhạc thần tượng hiện đại sau này. Đến giữa những năm 1990, làn sóng K-pop đã lan tỏa khắp Hàn Quốc.

Nhóm nhạc Seo Taiji & Boys

Năm 1998, ông Kim Dae-jung tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc. Chính quyền của ngài “Tổng thống Văn hóa”, chủ nhân giải Nobel Hòa Bình năm 2000, đã bắt đầu thực hiện chính sách nới lỏng lệnh cấm sản phẩm văn hóa nhập khẩu từ Nhật Bản. Những cuốn manga được cấp phép trở lại. Sau đó, chính phủ đưa ra luật cơ bản về Quảng bá kỹ nghệ văn hóa đồng thời cấp gần $150 triệu cho kế hoạch này.

Tuy nhiên, mục tiêu của chính phủ Hàn Quốc là muốn đưa văn hóa nước này ra khắp thế giới. Trong cuốn sách “South Korean Popular Culture and North Korea” (Tạm dịch: Ảnh hưởng của văn hóa đại chúng Hàn Quốc và Triều Tiên), tác giả Youna Kim có viết: Chính phủ Hàn Quốc “lấy mục tiêu xuất khẩu văn hóa truyền thông đại chúng làm công cụ phát triển kinh tế, một trong những nguồn doanh thu từ nước ngoài mang tính sống còn, giúp nền kinh tế tồn tại và phát triển.” Và mọi chuyện bắt đầu từ mảng nghệ thuật họ không ngờ tới: Phim truyền hình nhiều tập (K-drama). Ban đầu, loại phim này chỉ dành cho khán giả trong nước. Nhưng sau đó, những bộ phim như Trái Tim Mùa Thu, Bản Tình Ca Mùa Đông, Nàng Dae Jang Geum, … dần trở thành hiện tượng tại nhiều quốc gia châu Á. Thậm chí, Bản Tình Ca Mùa Đông (2002) còn trở thành hiện tượng toàn cầu nhờ chính phủ Hàn Quốc đạt được thỏa thuận với các đài truyền hình ở những điểm chiến lược, như Iraq và Ai Cập, chiếu bộ phim này để người dân ở đó có thêm cảm tình với Hàn Quốc.

G-Dragon – trưởng nhóm nhạc Big Bang

Thành công của K-drama giúp Hàn Quốc dễ dàng tính toán hơn trong việc đưa K-pop ra thế giới. Vậy là hệ thống đào tạo ngôi sao được ra đời. Trong đó, các thiên tài âm nhạc được tuyển chọn kỹ lưỡng và được huấn luyện viên trong nhiều năm. Phương pháp này giúp thế hệ của những Big Bang, TVXQ, Super Junior,… được ra mắt và gặt hái những thành công vang dội. Trong số này, Big Bang được xem là nhóm nhạc toàn cầu, mở đường cho thế hệ ca sĩ thần tượng lứa sau chinh phục thế giới. Năm 2012, video ca nhạc Gangnam Style của nghệ sĩ PSY trở thành video đầu tiên đạt một tỷ lượt xem trên YouTube. Ông Ban Ki-moon, người Hàn Quốc, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thời điểm đó, hết lời ca ngợi Gangnam Style, xem đây là con đường dẫn đến sự hiểu biết văn hóa.

Nhóm nhạc BTS

Theo Liên đoàn Công nghiệp thu âm quốc tế (IFPI), boy-band BTS của Hàn Quốc là nhóm nhạc có doanh thu cao thứ hai thế giới năm 2018, và là nghệ sĩ duy nhất không hát tiếng Anh lọt vào bảng xếp hạng này. Tính đến năm 2019, BTS chiếm $4.65 tỷ trong GDP của Hàn Quốc, và là nhóm nhạc Châu Á đầu tiên vượt qua mức năm tỷ lượt nghe trên Spotify. BTS cũng là ban nhạc đầu tiên sau The Beatles có ba album đứng đầu các bảng xếp hạng ở Mỹ trong chưa đầy một năm.

Gangnam Style của PSY là video đầu tiên đạt một tỷ lượt xem trên YouTube.

Sự thành công của âm nhạc và điện ảnh giúp văn hóa Hàn Quốc được mọi người yêu thích và tìm kiếm. Điều này đã kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác như du lịch, ẩm thực, dạy và học tiếng Hàn. Ngoại hình bắt mắt cùng làn da trắng hồng của các nghệ sỹ cũng giúp ngành công nghiệp mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da Hàn Quốc phát triển đột phá nhờ lượng fan đông đảo trên toàn cầu. Năm 2015, ngành mỹ phẩm giúp Hàn Quốc thu về $2.64 tỷ nhờ xuất khẩu. Năm 2017, Tổng thống Moon Jae-In công bố mục tiêu đưa điện ảnh, truyền hình và âm nhạc của nước này đến 100 triệu người trong vòng năm năm.

 

Pocket
Tags: