Kể từ giữa thế kỷ 20, không có loại đá quý nào đóng vai trò quan trọng trong văn hóa đại chúng như kim cương. Từ nhẫn đính hôn và quà tặng kỷ niệm cho đến các nỗ lực hòa giải nhằm mang lại nụ cười và niềm hạnh phúc của người được nhận, trang sức kim cương đã trở thành loại trang sức bán chạy nhất trên thế giới. Nhưng làm thế nào mà kim cương lại trở nên phổ biến như vậy?
Đã có nhiều niềm tin khác nhau về kim cương. Người La Mã tin rằng kim cương là mảnh vỡ từ các vì sao. Người Ấn Độ tin rằng chúng là bùa may mắn xua đuổi bệnh tật, trộm cắp và thế lực ma quỷ. Đối với người Hy Lạp, chúng còn là những giọt nước mắt của những vị thần.
Vòng cổ kim cương mang tên Nữ Hoàng Kalahari của Chopard
Những niềm tin và ý tưởng này là điều khiến kim cương được những người giàu có và quyền lực nhất thế giới săn lùng ráo riết. Các vị vua hùng mạnh xưa kia thường tin rằng đeo một viên kim cương khi ra trận sẽ bảo vệ được chính mình.
Từ “kim cương” bắt nguồn từ từ “Adamas” trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “không thể chế ngự được”. Kim cương là chất cứng nhất được biết đến trên trái đất. Vì đặc điểm này, ban đầu kim cương được sử dụng cho các mục đích như khắc các loại đá quý khác và khoan lỗ trên đá cứng. Kim cương không được sử dụng làm đồ trang sức cho đến tận cuối thế kỷ 13 ở châu Âu.
Đến thế kỷ 15, chiếc nhẫn kim cương đã trở thành biểu tượng nổi tiếng của lòng chung thủy, tình yêu và sự cam kết trong hôn nhân. Vào thời kỳ này kim cương được sử dụng trong cấu trúc tinh thể dạng tự nhiên – tám mặt ghép lại với nhau, giống như hai kim tự tháp ghép lại ở đáy. Nửa dưới được gắn vào nhẫn được cho là tượng trưng cho một nửa xấu xa, trong khi phần lộ ra bên kia tỏa sáng với tất cả sự rực rỡ của nó.
Kim cương cắt hình trái tim nặng 26 ct của Chopard
Vào cuối thế kỷ này, một số kỹ thuật đánh bóng kim cương đầu tiên đã được phát hiện, những thiết kế tinh xảo và phức tạp hơn đã được chế tác. Một chiếc nhẫn kim cương bắt đầu không chỉ trở thành biểu tượng của tình yêu, mà còn trở thành một thứ tinh tế của vẻ đẹp. Những lời yêu thương thầm kín được trang trí bằng hệ thực vật làm tăng những cử chỉ lãng mạn.
Các biểu tượng tình yêu, trái tim vĩnh cửu và hoàng gia của kim cương được tiếp nối từ thế kỷ trước sang thế kỷ 19. Những viên kim cương tiếp tục tỏa sáng như một món quà tối thượng của tình yêu. Nữ hoàng Victoria của Anh đã trang trí những viên kim cương trong ngày cưới của mình với Hoàng tử Albert của Saxe-Coburg, người đã can đảm để tỏ tình với một phụ nữ trẻ đã là Nữ hoàng Anh.
Cục diện của thế giới thay đổi khi cuộc Cách mạng Công nghiệp bùng nổ mang lại sự giàu có ngày càng lan rộng và kim cương không còn chỉ giới hạn trong giới hoàng gia và tầng lớp quý tộc. Lần đầu tiên, biểu tượng mạnh mẽ của tình yêu này được tiếp cận rộng rãi hơn với công chúng.
Tất cả chúng ta đều đã nghe những câu nói nổi tiếng như: “Viên kim cương là người bạn tốt nhất của phụ nữ” của Marilyn Monroe, “Những cô gái lớn cần có kim cương” của Elizabeth Taylor, hay thậm chí “Một viên kim cương là mãi mãi” của Mary Frances Gerety.
Nếu bạn chưa quen với câu nói thứ ba trên, thì “Viên kim cương là mãi mãi” trên thực tế là khẩu hiệu của một trong những chiến dịch quảng cáo đầu tiên để quảng bá kim cương.
Vòng cổ kim cương của Cartier
Câu chuyện bắt đầu ở Mỹ sau cuộc Đại suy thoái. Trong nhiều thế kỷ, kể từ khi được thương mại hóa vào thế kỷ 14, kim cương được coi là biểu tượng của sự giàu có và sang trọng, nhưng phải đến giữa những năm 1930, những viên đá lấp lánh này mới trở nên đồng nghĩa với tình yêu và hôn nhân.
Mối liên hệ hiện đại giữa kim cương và tình yêu đã xảy ra khi nước Mỹ chỉ mới bắt đầu phục hồi sau cuộc Đại suy thoái.
Doanh số bán kim cương đã liên tục tăng cao khi nắm được nhóm khách hàng mới vào cuối những năm 1920 và đầu những năm 30 trong khi những khối gia sản lớn nhất của nhiều gia đình giàu có bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Ngày nay, thị trường kim cương trị giá khoảng 65-70 tỷ đô la trên toàn cầu, nhưng vào năm 1939, doanh số bán buôn kim cương chỉ là 20 triệu đô la.
Kim cương De Beers
Năm 1938, De Beers, công ty quốc tế khi đó nắm độc quyền thiết yếu về sản xuất và cung cấp kim cương, quyết định quảng cáo để tăng doanh số bán hàng. Tuy nhiên, nghiên cứu được thực hiện bởi một công ty quảng cáo đã chứng minh rằng kim cương vẫn chủ yếu được coi là dành cho giới siêu giàu.
Mãi đến cuối những năm 1940, De Beers và công ty đại diện truyền thông của mình mới tìm ra khẩu hiệu nổi tiếng nhất của mình. Cụm từ “Kim cương là mãi mãi” của Mary Frances Gerety được kết hợp với một chiến dịch nhắm vào những người nổi tiếng Hollywood. Chiến dịch này đã được khẳng định là một trong những thành công lớn. Khẩu hiệu này đã trở thành phương châm chính thức của De Beers trong khoảng năm mươi năm.
Chỉ trong vòng vài năm, doanh số bán trang sức kim cương đã tăng lên 55%. Một nghiên cứu được công bố vào năm 1951 bởi công ty quảng cáo đại diện cho De Beers đã chỉ ra rằng “ Xu hướng sử dụng kim cương cho nhẫn đính hôn đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các nhà kim hoàn hiện đã quảng bá cho mọi chàng trai rằng với một cô gái chỉ đồng ý khi được cầu hôn với một chiếc nhẫn kim cương”.
Nhẫn Tiffany Metro và nhẫn Tiffany Soleste V bằng bạch kim đính kim cương
Phong tục đeo nhẫn như một dấu hiệu của sự cam kết và tình yêu bắt nguồn từ người Ai Cập cổ đại. Họ tin rằng “vena amoris” (tĩnh mạch của tình yêu) chạy trực tiếp từ ngón tay thứ tư của bàn tay trái đến trái tim. Từ đó xuất hiện truyền thống đeo nhẫn ở ngón tay trái này.
Trong ba mươi năm tiếp theo, tổng doanh số bán kim cương đạt 2,1 tỷ đô la tại Mỹ, khiến chiến dịch này trở thành một trong những chiến dịch thành công nhất trong lịch sử quảng cáo hiện đại. “Kim cương là mãi mãi” được Advertising Age, ấn phẩm hàng đầu của ngành quảng cáo, đặt tên là Khẩu hiệu của Thế kỷ.
Sự huyền bí, sức quyến rũ và ý nghĩa của viên kim cương liệu có thật sự duy trì với thời gian và các xu hướng tiêu dùng hiện đại hay không cũng chính là câu hỏi mà Style muốn đưa ra tới các bạn đọc.
Ngày nay, khoảng 26.000 kg kim cương được khai thác mỗi năm và khoảng 100.000 kg được tổng hợp nhân tạo. Kim cương tổng hợp được tạo ra trong phòng thí nghiệm bằng các quy trình hóa học. Các vấn đề đạo đức và chính trị liên quan đến khai thác mỏ và nhu cầu công nghiệp gia tăng đối với kim cương đã rất ủng hộ việc sử dụng kim cương tổng hợp, thường được coi là có chất lượng tương đương hoặc gần tương đương với kim cương tinh chế.
Năm 2016, Giám đốc điều hành của De Beers thông báo rằng nguồn cung kim cương toàn cầu đã đạt mức cao nhất do chi phí khai thác tăng. Kim cương thật, dù mới được phát hiện hay được tìm thấy trong đồ trang sức được chế tạo trước khi phát minh ra kim cương nhân tạo tổng hợp, do đó ngày nay được coi là quý giá hơn bao giờ hết.
BST Kim cương mang tên Hoa sen của De Beers
Kim cương là một nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, có nghĩa là chúng sẽ cạn kiệt. Chính vì điều này mà kim cương vô cùng quý giá. Một ví dụ về sự quý hiếm của chúng là mỏ kim cương argyle ở Tây Úc. Tại đây, hầu hết tất cả các viên kim cương hồng quý hiếm trên thế giới đều đã được tìm thấy và mỏ hiện sắp đóng cửa.
Tóm lại, kim cương vẫn có nhu cầu cao trên toàn cầu. Và trong khi nhẫn đính hôn kim cương vẫn thúc đẩy doanh số bán hàng, thì xu hướng hiện nay cho thấy phụ nữ có xu hướng mua trang sức kim cương cho riêng mình hơn bao giờ hết. Rốt cuộc, một người phụ nữ sẽ luôn luôn biết rõ mình thực sự muốn gì.
Đối với các nhà sưu tập và thợ kim hoàn, những xu hướng này cho thấy kim cương là một khoản đầu tư tuyệt vời, bất kỳ món đồ nào được mua (dù mới hay cũ) sẽ chỉ tăng giá trị theo thời gian.
FOLLOW US