Type to search

Phong cách sống Tin đời sống

Chưa quá muộn để khắc phục cuộc khủng hoảng lương thực

Chia sẻ

Cách chúng ta trồng trọt, mua sắm và ăn uống không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng ta mà còn ảnh hưởng đến xã hội, kinh tế và cả hành tinh này. Đó là công thức của một “món bánh” mang tên thảm họa. Sự thay đổi là điều cần thiết và nó cần được bắt đầu ngay từ thời điểm này.

Thực trạng lương thực

Hầu hết mọi người đều cho rằng hệ thống cung cấp lương thực của thế giới đang vận hành khá tốt, thậm chí phải nói là rất tốt, phụ thuộc vào nơi bạn đang sống và số tiền bạn có trong túi. London Food Board đưa ra báo cáo có 33 triệu bữa ăn được phục vụ mỗi ngày. Điều này có nghĩa gì? Hãy nghĩ tới toàn bộ các quy trình trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, chế biến, rồi lại vận chuyển, trưng bày trong các cửa hàng thực phẩm, mua về và cất trữ trong tủ lạnh, chế biến, nấu nướng và cuối cùng mới là dọn ra bàn ăn. Nếu tất cả chúng ta đều thấy việc nấu một bữa ăn cho 8 người là điều không hề đơn giản, vậy tại sao chúng ta lại cho rằng hệ thống lương thực của chúng ta đang ổn?

Thực phẩm công nghiệp – thứ bạn vẫn thấy trên các giá trưng bày của siêu thị, thứ đang trực tiếp giải quyết nhu cầu lương thực của thế giới nhờ áp dụng khoa học công nghệ để trở nên rẻ hơn, thu hoạch nhanh hơn – lại đang là thủ phạm giấu mặt của rất nhiều vấn đề mà nhân loại quan tâm. Đó là chứng béo phì, các bệnh liên quan tới chế độ ăn uống, phá vỡ cân bằng trong đa dạng sinh học, gây cạn kiệt nguồn nước sạch, làm ô nhiễm môi trường, khiến cho động vật mất môi trường sống và dẫn đến tuyệt chủng, xói mòn đất, phá rừng và rác thải. Tất cả những điều đó đều ảnh hưởng đến thế giới, sức khỏe, môi trường sống của chúng ta. Nhưng (rõ ràng) chúng ta không thể sống mà không ăn. Lúc này đây, nhân loại cần là những cơ quan chuyên trách, đảm bảo rằng chúng ta được ăn những loại thực phẩm tốt nhất, lành mạnh nhất trong cuộc đời.

Hệ thống cung cấp lương thực của nhân loại phản ánh các giá trị mà chúng ta nắm giữ như là một chỉnh thể xã hội. Ở đó, chúng ta đặt thương mại tự do lên trên lợi ích tốt nhất của cộng đồng.

Kết quả tất yếu là sự ra đời của một hệ thống lương thực mà ở đó thực phẩm có giá rẻ nhất (có thể) bất kể chúng được sản xuất bằng cách nào hoặc mang tới cho con người chất lượng dinh dưỡng ra sao. Tất cả những điều này chỉ để phục vụ mục tiêu duy nhất: Bán hàng càng nhiều càng tốt, giá càng rẻ càng tốt. Tuy nhiên, cái giá mà nhân loại phải trả cho điều này không hề nhỏ.

Hãy bắt đầu với sức khỏe và chứng béo phì. Số người thừa cân hoặc béo phì đang lớn hơn số người không có gì để ăn: 2,1 tỷ người thừa cân hoặc béo phì; cứ 12 người trưởng thành thì có một người bị tiểu đường; hơn 42 triệu trẻ em bị thừa cân. Ở đất nước tỷ dân Trung Quốc, một nửa số người trưởng thành hiện nay được chuẩn đoán tiền tiểu đường hoặc tiểu đường. Tại Anh, chế độ ăn uống là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới nguy cơ tử vong và bệnh tật. Cứ mỗi bảng mà cơ quan ý tế quốc gia Anh (NHS) thu khi thăm khám y tế cho người dân tới khám, trong đó có 15 xu là dành cho chứng béo phì và bệnh tiểu đường tuýp 2. Chỉ tính riêng ở Anh, năm ngoái hơn 7.000 ca phẫu thuật đoạn chi phải thực hiện do bệnh nhân tiểu đường. Lý do chính khiến trẻ em dưới 10 tuổi phải vào bệnh viện và bị gây mê là để nhổ răng, tất nhiên cũng liên quan tới vấn đề thực phẩm. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó.

Hệ thống ẩm thực của chúng ta đang “đóng góp”1/3 tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Nếu chúng ta không thay đổi, ước tính đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ chiếm tới 75% tổng lượng khí thải carbon toàn cầu.

Dầu cọ ở Indonesia và ngũ cốc ở Nam Mỹ là nguyên nhân dẫn tới nạn phá rừng nguyên sinh nhiệt đới. Một sự thật đáng báo động là trên 50% các loại hạt và ngũ cốc không được trồng để phục vụ cho con người. Thay vào đó, chúng được trồng để nuôi động vật để lấy thịt và nuôi chúng ta. Đó là một quy trình thiếu hiệu quả trong một thế giới quá hỗn loạn. Hãy làm thử một phép tính đơn giản: để sản xuất 1kg thịt bò bạn cần tới 7kg ngũ cốc. Nghĩa là một con bò trưởng thành, đủ cân nặng để lấy thịt (khoảng 750kg) , sẽ ăn hết hơn 5,2 tấn ngũ cốc.

Hậu quả của những hành động này là gì? Là chúng ta đang đánh mất đi những “tác nhân thụ phấn tự nhiên. Các báo cáo cho biết nông dân nuôi ong ở Mỹ mất 30% ong mỗi năm kể từ năm 2006. Theo Tổ chức Lương Thực và Nông Nghiệp Liên Hiệp Quốc, 90% lượng lương thực trên thế giới đến từ khoảng 100 loài cây trồng, và 71 loài trong số đó (đặc biệt là rau quả) dựa vào ong để thụ phấn. Tại các vùng ở Trung Quốc, nông dân đang buộc phải dùng tay để thụ phấn cho cây trồng (nhờ một cây chổi lông) vì không có ong tự nhiên để làm điều này. Theo giáo sư Tim Benton, nếu chúng ta phải chịu hạn hán trong vài năm tới, khu vực East Anglia, nơi cung cấp ½ số khoai tây của Anh, có thể trở thành cát bụi – một tác động song hành của biến đổi khí hậu và đất khô cằn do khai thác quá mức.

Mặc cho những dự đoán đó, ở tất cả các hội nghị quốc tế liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh lương thực vẫn chỉ là một ghi chú nhỏ và không được nhiều người quan tâm. Với việc biến thực phẩm hàng ngày trở thành một mặt hàng công nghiệp, nhân loại đang tự tước bỏ đi tầm quan trọng và giá trị của mỗi bữa ăn. Thay vì một loại thực phẩm nào đó bổ dưỡng và lành mạnh, những bữa ăn của chúng ta đang chất đầy những đồ ăn nhanh được chế biến từ những con gà cả đời không được một lần “đi dạo” và chỉ nuôi trong 20 ngày. Các loại rau, ngô và khoai là kết quả của những quá trình biến đổi gien. Các bữa ăn vốn được xem là một chất kết dính của xã hội, bị biến thành những bữa ăn nhanh và đơn lẻ. Thay vì dùng bữa cùng bạn bè hay gia đình, giờ đây bạn chọn ăn một mình trong phòng ngủ và xem tivi.

Làm thế nào để thay đổi điều đó?

Tin tốt là chế độ ăn uống lành mạnh đang là động lực chính thúc đẩy nhân loại vượt qua các thách thức mới hiện nay. Những gì nhân loại cần hiện nay là một cuộc cách mạng. Đó là cuộc cách mạng phải được thực hiện ở mọi cấp độ. Các quy định phải được thay đổi. Song song với đó, chúng ta cần duy trì và mở rộng các quán ăn nhỏ, bán thực phẩm tự chế biến từ các sản phẩm nông nghiệp địa phương và thừa nhận rằng chính họ đang thay đổi hệ thống ẩm thực của chúng ta – chứ không chỉ của một nước nào đó.

Hãy lấy Anh Quốc làm ví dụ, Brexit có thể là động lực thay đổi họ. Khi Anh tách ra khỏi EU, họ không phải chịu những ràng buộc từ các quy định của Châu Âu và khi đó, họ có thể áp dụng quyền bảo vệ động vật cũng như thuốc trừ sâu trong nông nghiệp của mình. Nhưng nhân loại không chỉ cần có thế!

Liệu có phải đã đến lúc các quốc gia nên có những đạo luật nghiêm khắc hơn về thực phẩm? Và nếu có, nó sẽ thế nào?

Trước hết là chính sách liên quan đến nông nghiệp. Thay vì các giải thưởng dựa trên diện tích đất trồng, chính phủ các quốc gia có thể xem xét đến việc khuyến khích nông dân thống kê các khoản chi cho nông nghiệp và quản lý đất trồng. Đó là cách vừa giúp những người nông dân có thể bảo vệ “sức khỏe” cho đất, vừa bảo vệ sự đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên. Độ phì nhiêu của đất, quá trình thụ phấn, bảo vệ nguồn nước và lũ lụt. Bên cạnh đó, chúng ta có thể tìm cách mang tới sự trung thực và minh bạch cho chuỗi cung ứng và tăng chi phí bán lẻ trong các siêu thị.

Luật khai thác thủy sản bền vững cần phải được đẩy mạnh, đảm bảo việc đánh bắt của ngư dân phải được thực hiện theo cách khoa học nhất. Người mua cũng cần ý thức hơn trong việc tự bảo vệ bản thân và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thay vì ra chợ/siêu thị hỏi mua con cá này giá bao nhiêu hãy hỏi xem nó đã được đánh bắt như thế nào hoặc nuôi theo cách nào? Có theo cách bền vững hay không?

Sức khỏe của trẻ em cũng là một vấn đề lớn, và không chỉ có bệnh béo phì. Theo thống kê nếu một đứa trẻ ăn uống không đảm bảo trong những ngày nghỉ vì cha mẹ chúng quá nghèo và không thể cung cấp cho chúng những bữa ăn đầy đủ dưỡng chất, chúng sẽ chậm phát triển hơn so với các bạn đồng trang lứa. Nghiên cứu ở Mỹ ước tính đến năm 10 tuổi, một đứa trẻ được nuôi dưỡng không đảm bảo bị chậm hơn về mặt nhận thức so với một đứa trẻ được ăn uống đầy đủ khoảng 18 tháng và nếu điều này xảy ra, sẽ không có gì có thể giúp bạ sửa chữa lỗi lầm với con cái.

Rõ ràng chúng ta phải giảm lượng đường, chứng ta phải thực hiện hoặc đưa ra những điều luật giới hạn về quảng cáo đồ ăn cho trẻ em. Chúng ta phải cho thấy một ý thức trách nhiệm đối với việc cho trẻ em tiếp xúc các loại nước ngọt, thậm chí là cổ vũ chúng qua các loại quảng cáo. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Một phần tư trẻ em ở Anh không ăn bất kỳ loại rau nào; một bữa ăn miễn phí, đủ chất có lẽ là bước tiền kế tiếp mà một quốc gia nên nghĩ đến.

Còn bệnh viện thì sao? Khi tôi đến gần bệnh viện nhi Great Ormond Street, London để ăn sáng, tôi đi qua một hành lang với những chiếc máy bán đồ uống có ga, các cửa tiệm ăn vặt và các cửa hàng socola. Chủ cửa hàng chiếc máy này giải thích rằng, với mỗi máy bán hàng tự động họ phải trả cho bệnh viện £8.000 một năm để được hưởng quyền ưu tiên đặt trong sảnh. Tuy nhiên, có rất nhiều trẻ em mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Và đó chính là vấn đề. Chúng ta có thể bằng luật pháp thiết lập cùng một tiêu chuẩn cho thức ăn ở bệnh viện như chúng ta thiết lập cho trường học. Ở Scotland, các nhà bán lẻ đồ ăn vặt bị cấm xuất hiện ở các bệnh viện.

Chúng ta có thể làm gì để giải quyết nạn đói . Chúng ta cần một cam kết thông qua tất cả các bên để kiểm tra điều này để xem xét chi phí và kinh tế của con người và để tìm ra cách chúng ta kết thúc nó. Một cam kết quyết đoán của chính phủ sẽ là một khởi đầu hoàn hảo, cộng với một loạt các biện pháp để đảm bảo các trẻ em – dù ở bất kỳ nơi nào – không bị bỏ đói trong những kỳ nghỉ, rằng chúng được cung cấp bữa ăn sáng ở trường, và rằng các thẻ voucher Healthy Start được phát đầy đủ để người cần chúng có thể có được.

Chúng ta cũng cần xem xét ngay cả những vấn đề khác. Suy dinh dưỡng hiện là lý do chính khiến người cao tuổi ở London phải vào bệnh viện. Thực tế đó khiến chúng ta phải rùng mình. Chúng ta tiết kiệm tiền từ những bữa ăn lành mạnh và chúng ta đối mặt với việc chi tiền cho thuốc men và các dịch vụ từ bệnh viện.

Bất kỳ hoạt động vì môi trường mới nào cũng nên đưa lương thực vào trong các mục tiêu của nó. Hiện nay “khí thải carbon từ thực phẩm nhập khẩu” là tài sản cả nhà sản xuất chứ không phải từ người tiêu dùng. Liệu có công bằng không khi hóa đơn carbon cho những trái bơ mà dân London ăn được “thanh toán”bởi các nước trồng bơ? Không! Chúng ta cũng phải giảm số lượng thịt mà chúng ta ăn và thức ăn chúng ta chế biến. Cả 2 đều có “hóa đơn carbon”! Nhưng tin tốt là chế độ ăn uống lành mạnh cũng là chế độ ăn với lượng khí thải carbon ở mức thấp nhất.

Liệu chúng ta có thể làm được điều này? Liệu chúng ta có thể thay đổi được hệ thống khổng lồ này, để thực phẩm trở lại với bản chất tự nhiên, bổ dưỡng có ý nghĩa? Điều đó sẽ không dễ dàng nhưng kết quả là tuyệt vời. Thực phẩm là đầu nối hoàn hảo của thế giới – nó kết nối chúng ta với đất đai, sự phát triển và những bí ẩn của cuộc sống. Trên tất cả nó kết nối chúng ta với nhau. Đó thực sự là một thách thức nhưng đáng giá.

Pocket
Tags: