Type to search

Chọn yêu thương thay vì phán xét bản thân

Chia sẻ

Chấp nhận và nhìn rõ hoàn cảnh của mình là một việc không hề dễ dàng, nhưng có hành động ứng phó hiệu quả với hoàn cảnh đó thậm chí còn khó hơn. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn không quá hào hứng về những gì đang diễn ra.

Hãy bao dung với chính mình. Lòng trắc ẩn và sự bao dung với bản thân đóng vai trò như cầu nối giữa việc chấp nhận những gì đang diễn ra và hành động một cách không ngoan. Nếu tiếng nói nội tâm của bạn chỉ toàn những lời phán xét và chỉ trích, bạn sẽ có khuynh hướng mắc kẹt một chỗ, hay tệ hơn là bị thụt lùi. Bạn cần bao dung với bản thân. Nếu chưa quen với việc này, có vẻ bạn sẽ cảm thấy nó yếu đuối và uỷ mị, nhưng tôi mong bạn hãy xem xét lại những định kiến của mình. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi gặp thử thách, những người có tình yêu thương và bao dung với bản thân thường giải quyết vấn đề tốt hơn so với những người phán xét bản thân một cách hà khắc. Lời giải thích cho hiện tượng này khá đơn giản: khi phán xét bản thân, nhiều khả năng bạn sẽ cảm thấy xấu hổ hoặc tội lỗi, và thường thì chính cảm giác xấu hổ hoặc tội lỗi đó sẽ khiến bạn bị mắc kẹt trong những tình huống không mong muốn, cản trở bạn thực hiện những hành động hiệu quả. Ngược lại, khi có thể bao dung và yêu thương bản thân, bạn sẽ tìm được sức mạnh để tiến lên phía trước. Tình yêu thương bản thân luôn mang lại hiệu quả tích cực bất kể bạn là một đứa trẻ tám tuổi yêu truyện cổ tích, một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp ở tuổi ba mươi hay một người vừa về hưu ở tuổi sáu mươi lăm.

Bao dung với bản thân không hề dễ thực hiện, đặc biệt là với những người có tham vọng và tính cạnh tranh cao – những người được dạy phải nghiêm khắc với bản thân. Hãy xem đây như một bài thực hành đặt niềm tin vô điều kiện ở bản thân mình mà bạn phải thường xuyên thực hiện. Điều này không có nghĩa là bạn bỏ qua tính tự kỷ luật, mà là kết hợp hài hoà tinh thần tự kỷ luật với tình yêu thương bản thân. Khi làm được như vậy, bạn sẽ có thể đối mặt bất cứ việc gì xảy đến với mình một cách mạnh mẽ và sáng suốt hơn. Không những vậy bạn còn có thể trở thành chỗ dựa vững chắc cho người khác. Cách đây khoảng hai ngàn năm, nhà triết học theo chủ nghĩa khắc kỷ Seneca đã viết: “Tôi đã được tiến bộ gì? Tôi đang bắt đầu làm bạn với chính mình. Đây thật sự là một tiến bộ. Một người bạn như thế sẽ không bao giờ cô đơn, và bạn có thể chắc chắn anh ta là một người bạn tốt với tất cả mọi người”.

Ngừng tự nói mình phải hoặc không phải làm gì

Hãy chuyển các cuộc đối thoại nội tâm từ kiểu “Mình phải thoát khỏi tình cảnh này” sang “Mình mong mình không bị rơi vào tình cảnh này”, từ “Mình phải làm khác đi” sang “Mình muốn làm khác đi”. Ngôn ngữ định hình hiện thực, và những điều chỉnh nhỏ trong cách diễn đạt như thế này có thể mang lại hiệu quả rất lớn trong việc triệt tiêu cảm giác tội lỗi, xấu hổ và sự phán xét, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu thương bản thân. Khi nhận thấy mình đang tự nói bản thân phải hoặc không phải làm gì, hãy thử thay đổi cách diễn đạt và quan sát xem chuyện gì sẽ xảy ra.

Hãy đối xử với bản thân như với một đứa trẻ đang khóc

Nếu từng bế một đứa trẻ đang khóc, có thể bạn đã biết rằng việc lớn tiếng với đứa bé vào lúc đó chỉ càng khiến tình trạng thêm tệ hại mà thôi. Có hai cách hiệu quả để dỗ một đứa trẻ đang khóc:

  • Ôm đứa bé vào lòng, đung đưa đứa bé trên tay và thể hiện tình yêu thương với nó.
  • Để đứa bé khóc cho thoả lòng.

Việc can thiệp hiếm khi hiệu quả trong tình huống này. Giải pháp tốt nhất bạn có thể làm là tạo cho đứa trẻ một không gian an toàn để nó khóc cho đến khi mệt thì thôi. Sẽ thật khôn ngoan nếu chúng ta đối xử với bản thân theo cách như vậy.

Khi phạm sai lầm chúng ta có khuynh hướng mắng nhiếc bản thân vì đã thất bại và tự phán xét chính mình vì bị tụt lại phía sau. Nhưng phản ứng đó gần như chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Cách hiệu quả hơn là hãy cưỡng lại thôi thúc tự trách móc và thay vào đó, hãy bắt đầu thể hiện tình yêu thương với bản thân. Nếu cách này vẫn không hiệu quả, chúng ta cần ngừng đắm chìm trong tình huống đó và cho bản thân có không gian để làm việc tương tự như việc khóc thoải mái của đứa trẻ.

“Đây là những gì đang xảy ra. Mình đang cố gắng hết sức.”

Đây chính là một trong những ‘câu thần chú’ yêu thích nhất của tôi. Khi đối diện với một tình huống khó khăn và nhận thấy bản thân đang tự bắn ra mũi tên thứ hai, thứ ba, thứ tư, bạn chỉ cần dừng lại và nói với bản thân: Đây là những gì đang xảy ra. Mình đang cố gắng hết sức. Nghiên cứu đã cho thấy những câu tự nhủ như vậy thật sự có tác dụng trong việc xoá bỏ những phán xét tiêu cực và đưa bạn quay lại với hiện tại để có thể hành động hiệu quả thay vì kháng cự hoặc gặm nhấm nỗi đau. Hồi mới có con, tôi rất thường xuyên sử dụng ‘câu thần chú’ này. Khi con quấy rối nhiều lần trong đêm, tôi phát hiện mình thường bị cuốn vào những luồng suy nghĩ tiêu cực: ‘Không được rồi. Mình sẽ không thể ngủ được chút nào. Ngày mai mình sẽ rất thê thảm. Mình sẽ không thể nào ngủ lại được. Có lẽ vợ chồng mình đã sai lầm khi muốn có con’. Khi thay thế những lời tiêu cực này bằng câu nói nhẹ nhàng nhưng kiên định: ‘Đây là những gì đang xảy ra. Mình đang có gắng hết sức’, tôi có thể quay về với khoảnh khắc hiện tại để chấp nhận hoàn cảnh đúng như bản chất của nó và có những hành động hiệu quả (thường chỉ đơn giản là thay tã cho con rồi đi ngủ lại). Thứ khiến tôi mất ngủ và suy nhược không phải là đứa bé mà chính là những câu chuyện tôi tự nói với bản thân – những mũi tên thứ hai, thứ ba và thứ tư. Chuyện này có xuất hiện ở nhiều thử thách khác chứ không chỉ dừng lại vở việc nuôi dạy con.

Trích từ cuốn “Nghệ thuật sống vững vàng” của tác giả Brad Stuberg.

Pocket
Tags:

You Might also Like