Type to search

Phong cách sống Tâm lý

Cha mẹ nên làm gì với trẻ ở nhà trong mùa dịch Corona?

Chia sẻ

Thời gian nghỉ học kéo dài bất thường nhưng không ai biết được đến khi nào gây nhiều xáo trộn trong tâm lý và cả sinh lý của trẻ em. Cha mẹ có thể làm những việc cụ thể gì để cùng con vượt qua tình trạng này?

Ảnh hưởng do dịch virus Corona gây ra không chỉ là cơn ác mộng với người lớn, mà cả với trẻ em – những măng non chưa thể hiểu chính xác virus là gì. Một kỳ nghỉ bất đắc dĩ, bất ngờ và bất thường khiến nhiều bậc cha mẹ hoang mang, lo lắng. Nó gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng và cả đời sống tinh thần của trẻ. Trên góc độ giáo dục, liệu có giải pháp nào giảm thiểu sự ảnh hưởng này?

Ảnh hưởng từ kỳ nghỉ bất đắc dĩ

Nhiều người lạc quan ví đây là một kỳ nghỉ hè sớm cho trẻ. Trên thực tế, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Lý do là bởi vào kỳ nghỉ hè, trẻ được giải phóng khỏi việc học sau một chu trình học với hàm lượng học thuật đã được các chuyên gia tính toán tỉ mỉ. Ngoài ra, trẻ có thể tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, vui chơi thỏa thích trước khi đón chào một năm học mới với nhiều hân hoan. Nhưng trong thời gian dịch, câu chuyện lại hoàn toàn khác. Ngoài việc trẻ bị giữ hoàn toàn trong nhà với chỉ cha mẹ, ông bà thì các bài học online vẫn diễn ra. Do không có các hoạt động ngoài trời, nhiều trẻ đối diện với lịch sinh hoạt chỉ gồm ăn, ngủ, giải trí bằng tivi và thiết bị điện tử. Điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý và sự phát triển thể chất của trẻ. Nói cách khác, ảnh hưởng tiêu cực thứ hai là sự phát triển thể chất thiếu cân đối khiến năng lực vận động thô lẫn sức khỏe nói chung của trẻ có thể giảm sút.

Bên cạnh đó, các vấn đề về hành vi của trẻ trong gia đình bắt đầu phát sinh khiến phụ huynh đau đầu hơn như chạy nhảy, la hét, đá bóng trong nhà và làm trái yêu cầu người lớn, dễ khóc lóc và ăn vạ. Việc thiếu hụt hoạt động phù hợp với lứa tuổi, hạn chế giao tiếp xã hội với bạn đồng tuổi làm nảy sinh các vấn đề cảm xúc mà nếu tiếp tục kéo dài, sức khỏe tinh thần của trẻ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người lớn trong gia đình không thể thay thế được bạn cùng độ tuổi với trẻ. Do đó, kỳ nghỉ dài trong nhà khiến trẻ có thể thấy buồn bã và đơn độc.

Chưa kể, việc cha mẹ cũng đang rất căng thẳng trong những ngày gần đây vì vừa phải đi làm, vừa phải lo lắng chăm sóc và bảo vệ con khiến bầu không khí trong gia đình có thể thiếu tích cực và sự ấm áp, các cơn giận dữ vô cớ dễ bùng nổ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của trẻ.

Cha mẹ nên làm gì?

Dưới đây là một số gợi ý mà cha mẹ có thể cân nhắc để áp dụng với con và cùng con đi qua mùa dịch Covid-19 mà ảnh hưởng tiêu cực của nó trên trẻ ở mức tối thiểu.

  • Duy trì lịch sinh hoạt ổn định, tương đương với thời gian trẻ phải đi học ở trường, đặc biệt là giờ ăn và giờ ngủ. Cha mẹ luôn nhớ rằng giấc ngủ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trí não và năng lực học tập của trẻ, cũng như hoạt động của các cơ quan bên trong cơ thể trẻ.
  • Dành thời gian cho con nhiều nhất có thể: Hiện nhiều tổ chức, cơ quan đã tạo điều kiện cho cha mẹ có con nhỏ được có thời gian làm việc linh hoạt hơn để đảm bảo việc trông giữ con ở nhà trong khi trường học đóng cửa. Khi ở bên con, cha mẹ nên gác lại công việc, tập trung tâm trí để chơi và học cùng con. Xin lưu ý, thời gian chất lượng thì quan trọng hơn số lượng. Do đó, dù chỉ dành 1-2 giờ mỗi ngày cho con thì thời gian đó nhất định phải toàn tâm toàn ý cho con. Sự quan tâm, bầu không khí yêu thương, ấm áp có thể xoa dịu các cảm xúc tiêu cực đang tích luỹ mỗi ngày ở trẻ.
  • Trò chuyện về Covid-19: Hãy cởi mở và lắng nghe suy nghĩ của con trẻ về dịch Covid-19. Sau đó, bạn có thể dễ dàng chia sẻ cùng con cách phòng tránh và rất nhiều vấn đề liên quan đến đại dịch.
  • Cùng con xây dựng lịch trình trong ngày và động viên, hướng dẫn con cam kết thực hiện: Lịch trình những ngày này nên bao gồm giờ thức giấc, giờ ăn, giờ ngủ, giờ vận động cơ thể và giờ học (ôn tập bài cũ hoặc học bài mới nếu trường cung cấp chương trình online), tránh việc con ngồi triền miên trước máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác.
  • Hãy trở thành hình mẫu của con: Hãy dọn vệ sinh và rửa tay thường xuyên bởi bạn chính là hình mẫu để các con học tập cách ứng phó với đại dịch.
  • Dành nhiều thời gian hơn để tâm sự: Hãy xem đây là quãng thời gian quý báu để bạn có thể ở gần con nhiều hơn. Hãy trân trọng và giành nhiều thời gian để có thể hiểu thêm về tâm lý và suy nghĩ của con nhỏ.
  • Cố gắng giữ bình tĩnh: Trong thời gian nghỉ làm ở nhà, có thể bạn sẽ gặp phải một chút rắc rối và những điều khiến bạn cảm thấy khó chịu. Trong những tình huống như vậy, các chuyên gia khuyên bạn nên giữ bình tĩnh và tránh làm điều gì có thể khiến con nhỏ bị tổn thương.

Dịch bệnh đến nằm ngoài ý muốn của tất cả mọi người. Việc sợ hãi, căng thẳng không làm tình hình tốt hơn và có thể ảnh hưởng sâu sắc đến trẻ, nhất là khi chúng ta không biết tình trạng đóng cửa trường học và hạn chế hoạt động sẽ kéo dài bao lâu. Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm đó là thay đổi một số hoạt động cùng con để thích ứng với giai đoạn này.

Bài viết dựa trên chia sẻ của Nguyễn Thị Thu Huyền, Tiến sĩ giáo dục học, Phó hiệu trưởng trường Quốc tế Việt Nam – Phần Lan (TP. HCM)

Pocket