Type to search

Thời trang Thương hiệu

Hubert de Givenchy – Tượng đài Couture

Chia sẻ

Với những đóng góp không thể xóa nhòa trong nền văn hóa và thời trang hiện đại, nhà thiết kế đến từ Paris, Hubert de Givenchy, xứng đáng được mệnh danh là Tượng đài của phong cách Couture!

Với nữ diễn viên huyền thoại Audrey Hepburn, Hubert de Givenchy không những là người nghệ sỹ tài năng mà còn là một người bạn, một nhà thiết kế tài năng, hiểu rõ gout thời trang của bà và là người “tuyệt vời” (như cách gọi của cố diễn viên). Với cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, Jackie Kennedy, Hubert de Givenchy là bí mật nhỏ của nước Pháp, người đã mang tới cho bà sự tươi mới thông qua những chiếc đầm và những bộ trang phục mang đậm phong cách Paris lãng mạn. Với các nghệ sỹ thử nghiệm như Kanye West và Young Tug, các trang phục của Hubert de Givenchy đã thổi một làn gió mới và tạo ra cuộc cách mạng mới trong thời trang hip-hop.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuộc dòng dõi quý tộc giàu có ở Pháp vào năm 1927, khi mới 15 tuổi, chàng thanh niên Hubert de Givenchy đã lên đường tìm đến Paris để theo học thời trang tại ngôi trường danh giá L École des Beaux-Arts. Sau Thế chiến thứ II, Givenchy đã hợp tác cùng những người bạn của ông là Pierre Balmain và Christian Dior (trước đó vẫn là những nhà thiết kế vô danh) để thiết kế các trang phục. Năm 1952, sau khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, Givenchy ra mắt nhà mốt mang tên mình tại một trong những kinh đô lớn nhất của thời trang thế giới – Paris. Khác với những Christian Dior hay Balmain, các thiết kế của Givenchy là sự tổng hòa của nét lãng mạn của người Pháp, sự sang trọng đẳng cấp từ dòng máu quý tộc và tài năng thiên bẩm của nhà thiết kế.

Một năm sau khi thành lập nhà mốt, Givenchy tình cờ gặp nữ diễn viên người Anh, Audrey Hepburn, trên phim trường khi bà đang thực hiện bộ phim sabrina. Có thể xem đây là một cuộc gặp gỡ định mệnh, là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử thời trang và điện ảnh. Givenchy và Hepburn trở thành bạn bè ngay sau cuộc gặp gỡ đó. Họ dành cho nhau những cảm tình đặc biệt và tình bạn lâu bền của họ đã được duy trì kể từ đó. Nhà thiết kế huyền thoại Edith Head là người đã thiết kế trang phục và giành giải thưởng Oscar cùng bộ phim sabrina. Nhưng chính Givenchy và các thiết kế của ông mới mang tới cho Hepburn sức hút mãnh liệt thay vì Edith Head. Audrey Hepburn đã “trung thành” với những thiết kế của Givenchy trong suốt 04 thập kỷ (cho tới khi bà trút hơi thở cuối cùng vào năm 1993). Còn với cá nhân Givenchy, Hepburn mãi mãi là nàng thơ và là niềm cảm hứng để ông tạo ra những chiếc đầm huyền thoại.

Hepburn & Hubert de Givenchy

Trước khi thực hiện bộ phim Funny Face năm 1957 (một bộ phim yêu cầu nữ diễn viên phải mặc những chiếc đầm couture trong toàn bộ thời gian phim), Hepburn đã công khai bày tỏ sự kính trọng của mình dành cho Givenchy. Sau thành công vang dội của Funny Face, cùng với Edith Head (nhà thiết kế trang phục chính cho phim và đã giành giải Oscar cùng Funny Face), cái tên Givenchy đã được thừa nhận trong thế giới thời trang cao cấp.

Rất nhiều thiết kế ấn tượng đã được Givenchy thực hiện trong Funny Face nhưng có lẽ chiếc đầm màu đỏ mà Hepburn đã mặc là thiết kế ấn tượng nhất. Cảnh cuối phim (khi Hepburn đứng lệch một bên và bước xuống cầu thang, trong chiếc đầm đỏ và cầm trên tay chiếc khăn chiffon của Givenchy giơ qua đầu) vẫn được xem là một trong những cảnh quay ấn tượng nhất.

Váy baybydoll & phong cách “Kinderwhore” của Courtney Love

Ai là người đầu tiên sáng tạo ra chiếc váy babydoll đến tận nay, vẫn là câu hỏi gây nhiều tranh cãi trong thế giới thời trang. Babydoll ra đời với niềm cảm hứng từ chiếc váy dành cho những con búp bê, với phần xòe của váy được nâng lên sát ngực và thường hở vai hoặc váy hai dây. Từ năm 1956, Balenciaga đã ra mắt một bộ sưu tập gồm những chiếc váy có hình dáng tương tự, lấy cảm hứng từ nghệ thuật cổ điển Tây Ban Nha. Nhưng phải tới 02 năm sau, khi những cô người mẫu bước trên đường băng trong những chiếc váy babydoll của Givenchy, babydoll mới chính thức tạo thành xu thế mạnh mẽ trong làng thời trang.

Đến nay, nhiều người vẫn cho rằng chính Givenchy mới là người đã phát minh ra mẫu váy babydoll – phong cách vẫn còn phổ biến hàng thập kỷ sau đó. Vào những năm 1990, váy babydoll trở thành xu hướng phong cách chung của những nhà nữ quyền theo chủ nghĩa nổi loạn. Courtney Love, linh hồn và cũng là người sáng lập ban nhạc Hole, là người đã khơi nguồn xu hướng phong cách này – kinderwhore – với cảm hứng từ những thiết kế ban đầu của Balenciaga và Givenchy.

“Little Black Dress” – Đầm đen đơn giản

Vào những năm 1920, Coco Chanel và Jean Patou giới thiệu mẫu đầm dáng lửng, suông, và một vài đường cắt chéo mang tên: Little Black Dress (LBD). Kinh thánh thời trang, Vouge, đã dự đoán mẫu đầm này sẽ trở thành trang phục thịnh hành của mọi phụ nữ trên thế giới. Và lời tiên đoán đó đã ứng nghiệm khi LBD xuất hiện trong từ điển thời trang và là hình mẫu chuẩn mực cho sự sang trọng, thanh lịch và quyến rũ của người phụ nữ

Nếu Coco Chanel là người có công tạo ra LBD thì Hubert de Givenchy là người đã giúp LBD trở nên nổi tiếng toàn cầu. Năm 1961, trong bộ phim Breakfast at Tiffany’s, Audrey Hepburn đã mặc chiếc đầm LBD do Givenchy thiết kế và biến nó trở thành niềm khao khát của nhiều phụ nữ ở Pháp và Mỹ. Hình ảnh nàng Holly Golightly (do Hepburn thủ vai) mặc chiếc đầm đen mỏng bó sát cơ thể, đeo găng tay dài quá khuỷu, cổ đeo chuỗi ngọc trai màu trắng và miệng ngậm chiếc tẩu thuốc dài vẫn được xem là hình ảnh kinh điển trong lịch sử điện ảnh và thời trang. Vào thời điểm đó, câu quote: Mỗi người phụ nữ đều phải có một chiếc đầm LBD trong tủ quần áo xuất hiện dày đặc trên các mặt báo và tạp chí. Hiện nay, sau hơn nửa thế kỷ, tinh thần Givenchy vẫn được các nhà mốt trên thế giới học hỏi.

Givenchy & Jacqueline Kennedy

Năm 1961, cùng năm Audrey Hepburn tạo ra làn sóng toàn cầu mang tên LBD, Tân Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã có chuyến thăm chính thức Paris. Táp tùng ông là người vợ trẻ, Jacqueline Kennedy Onassis ( Jackie O). Ở tuổi 32, bà Kennedy là một trong những Đệ nhất phu nhân trẻ tuổi nhất lịch sử Hoa Kỳ. Bà cũng là người ủng hộ nhiệt thành trong việc phát triển văn hóa và nghệ thuật – gồm cả thời trang. Cựu Đệ nhất phu nhân đặc biệt hâm mộ các thiết kế của Hubert de Givenchy. Chiếc đầm satin màu trắng đặc biệt, với những bông hoa được thêu tay ở vạt trên kết hợp với áo choàng không tay mà bà mặc khi đến thăm lâu đài Versailles là thiết kế của Givenchy.

Givenchy & Cuộc cách mạng Hip-Hop

Năm 1995, nhà thiết kế Hubert de Givenchy chính thức lui vào hậu trường, nhường lại sân khấu và tâm huyết cả đời ông – nhà mốt Givenchy – cho các nhà thiết kế trẻ. Mặc dù các thiết kế không còn “đóng đinh” chữ ký của nhà thiết kế nữa nhưng tên tuổi của ông và thương hiệu do ông sáng lập luôn là đề tài văn hóa được nhắc đến nhiều nhất trong thế giới hip-hop và cộng đồng nhạc underground. Ngày nay, không khó để bạn tìm thấy một nam rapper mặc chiếc váy kilt và biểu diễn trên sân khấu. Nhưng để có được điều đó là nhờ sự dũng cảm của Kayne West (nam rapper đầu tiên mặc váy kilt và biểu diễn trong đêm nhạc Watch the Trone năm 2011, hợp tác cùng Jay-Z) và tài năng thiết kế của Riccardo Tisci (Giám đốc sáng tạo của Givenchy tại thời điểm đó). Chiếc váy kilt của Givenchy và phong cách của Kayne West đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ, truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sỹ, từ Danny Brown đến Young Tug và các nghệ sỹ khác trên thế giới.

Ngay cả khi không còn trực tiếp đóng góp ý kiến và tham gia vào công việc liên quan đến thời trang thì di sản Givenchy đã để lại sẽ mãi là niềm cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế trẻ – những người sẽ tiếp tục chèo lái nhà mốt mang tên ông và ứng dụng những tư tưởng của ông để tạo ra những trang phục sang trọng, thanh lịch và quyến rũ. Cũng như Coco Chanel, cái tên Hubert de Givenchy sẽ mãi được nhớ đến như người đã tạo nên các cuộc cách mạng trong thế giới thời trang.

STYLE MAGAZINE

Pocket
Tags:

You Might also Like